Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện có khoảng 30 doanh nghiệp (lĩnh vực nông nghiệp) của tỉnh tham gia xuất khẩu đi thị trường gần 40 quốc gia. Trong đó, có 3 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được Bộ Công Thương công nhận là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty cổ phần chè Biển Hồ. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp điển hình khác: Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus.... Các doanh nghiệp này đã mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tập trung chế biến sâu sản phẩm... qua đó khẳng định vị thế, uy tín của doanh nghiệp Gia Lai đối với quốc tế.
Bên cạnh đó, Gia Lai đã có 214 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sachi, măng le rừng… từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Điều này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 368 triệu USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những ngày qua, Công ty cổ phần Nông nghiệp sinh học Gia Lai đang tấp bật vụ thu hoạch chanh dây để đáp ứng nguồn hàng cho thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều.
Bà Nguyễn Khánh Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp sinh học Gia Lai (TP. Pleiku) cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày công ty xuất khẩu hơn 40 tấn chanh dây. Nếu tính từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu hàng ngàn tấn chanh dây, chủ yếu thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu. Dù xuất khẩu của công ty đang tăng vọt nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường nhập khẩu của các nước.
Theo bà Huyền, thời điểm những tháng đầu năm, bên Trung Quốc chưa thu hoạch chanh dây nên nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này là rất lớn. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu chanh dây của Trung Quốc cũng như các nước châu Âu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, công ty sẽ liên kết với các hộ dân để tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng đủ nguồn hàng. Đồng thời, công ty cũng sẽ thực hiện đăng ký mã vùng để hướng đến việc xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đăk Đoa) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ấn tượng trong những tháng đầu năm. Cụ thể, chỉ trong 5 tháng đầu năm công ty đã xuất khẩu được gần 9.000 tấn chuối, tăng hơn gấp đôi so với cả năm 2021.Các mặt hàng cuối của công ty đã xuất khẩu được vào những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Ông Lê Hoàng Linh, Quản lý trang trại chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cho biết, so với các mặt hàng nông sản, thị trường xuất khẩu chuối sang các nước còn rất lớn.
Chính vì vậy, để chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu chuối, ngay từ khi mới thành lập vào năm 2020, ngoài việc triển khai sản xuất trên vùng nguyên liệu 400 ha, công ty cũng tiến hành làm các làm thủ tục đăng ký mã vùng trồng và xây dựng cơ sở đóng gói bài bản. Điều này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như xuất khẩu chuối so với các đơn vị khác.
“Khi được cấp mã vùng trồng thì việc xuất khẩu không phải qua đầu mối trung gian, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu. Mục tiêu trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thị trường sang các nước Châu âu. Theo đó, công ty sẽ tập trung mở rộng thêm 200 ha vùng nguyên liệu để đáp ứng đủ nguồn hàng, đồng thời tránh rủi ro trong kinh doanh", ông Linh chia sẻ.
Công ty xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: Dứa, chanh dây, đậu tương, xoài… cùng các sản phẩm cô đặc và đông lạnh sang thị trường các nước châu Âu và Mỹ. Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu của công ty đạt khoảng 40 triệu USD, tăng xấp xỉ 126% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, có nhiều yếu tố thuận lợi khiến cho nông sản Gia Lai tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng, đặc biệt vào các dịp lễ tại một số thị trường chính như châu Âu, Mỹ. Ngoài ra, việc mở cửa lại thị trường nhập khẩu trong điều kiện bình thường mới của các quốc gia khu vực châu Âu, châu Á đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cùng với đó, đầu năm là thời điểm các loại nông sản (chủ lực là cà phê và trái cây) của tỉnh Gia Lai vào vụ thu hoạch nên khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng rất tốt cho thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao hơn 10% so với cùng kỳ, cá biệt giá xuất khẩu cà phê tăng hơn 20%.
Đặc biệt, tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… là những yếu tố thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đồng hành với doanh nghiệp. Theo đó, Sở Công thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) để có thông tin thị trường cho doanh nghiệp Gia Lai có thể tiếp cận.
“Mới đây, tỉnh Gia Lai tổ chức gặp gỡ các đại sứ quán, lãnh sự quán Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm hướng mới cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới”, ông Binh chho biết.