| Hotline: 0983.970.780

Anh hùng Phạm Tuân hé lộ về chuyến bay lịch sử

Thứ Ba 06/11/2007 , 19:27 (GMT+7)

Ngày 18/12/1972, máy bay Mỹ bất ngờ tấn công sân bay của ta vốn được bố trí khá xa và ngụy trang tốt. Liên lạc bị cắt, Phạm Tuân là phi công đầu tiên cất cánh lên bầu trời sau khi có báo động.

Chú bé chăn trâu...

Cách đây khoảng 1/4 thế kỷ, chàng trai Phạm Tuân đã lập nên hai kỷ lục: Người lái máy bay chiến đấu đầu tiên bắn rơi B52 và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Sinh ra tại làng Quốc Tuấn thuộc tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ, chú bé Phạm Tuân ham mê các trò nghịch ngợm, quần áo nhiều khi rách bươm, đầu gối tím bầm, mặt mày xây xát.

Những ngày vui đùa êm đềm cùng gia đình chẳng kéo dài được bao lâu, bởi sau khi lực lượng vũ trang Liên Xô đập tan đội quân Quan Đông của Nhật thì Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi. Một năm sau đó bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh trai của Phạm Tuân gia nhập đội ngũ những người bảo vệ tổ quốc và đã hy sinh anh dũng.

Thời đó, tin tức về chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ được lan đi nhanh chóng và đến với ngôi làng Quốc Tuấn của Phạm Tuân qua đài phát thanh. Người lớn đã giải thích cho trẻ em nông thôn như Phạm Tuân biết rằng ở nước Liên Xô có một con người dũng cảm bay lên cao hơn những tầng mây, rất cao và rất xa.

Với Phạm Tuân, ngày ấy mới 14 tuổi, thì ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện đó đã được minh chứng qua bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài phát thanh. Người nói: "Liên Xô đã mở đầu công tác to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về khoảng không vũ trụ. Tôi tin rằng không xa nữa sẽ đến giờ phút có một đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ".

Phạm Tuân (sinh năm 1947) là phi công, phi hành gia người Việt Nam. Ông là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ trong chương trình Intercosmos của Liên Xô (cũ). Cũng có thể nói ông là người đầu tiên từ một nước đang phát triển hay nước thuộc Thế giới thứ ba trở thành nhà du hành vũ trụ bay vào không gian cùng với các nhà du hành vũ trụ Liên Xô. Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Những ngày đầu của cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ ở Việt Nam, máy bay Mỹ đã thả hàng loạt bom chết chóc xuống các thành phố và xóm làng làm dâng lên làn sóng căm thù của người dân. Thanh niên trai tráng đồng loạt thẳng tiến ra mặt trận. Nhưng lá đơn tình nguyện của những cậu học trò lớp 10 như Phạm Tuân lúc ấy đã nhận được câu trả lời đại thể như sau:

"Sự đóng góp của các bạn vào tư thế sẵn sàng chiến đấu của đất nước, đó là công việc học tập ở trường. Các bạn sẽ đứng trong hàng ngũ các lực lượng vũ trang bảo vệ đất nước khi nào trở thành người có kỹ năng, có kiến thức và nắm vững các phương tiện hiện đại”.

Vì vậy, mãi một năm sau, khi đã tốt nghiệp lớp 10, Phạm Tuân mới được gia nhập quân đội.

Phạm Tuân kể lại cái ngày mà cho đến bây giờ ông vẫn nhớ như in: “Khi gặp cán bộ quân sự, tôi đề nghị điều tôi đến phục vụ trong không quân. Trong lòng tôi có nỗi đau và tuyệt vọng vì sự bất lực của nhiều đồng bào cùng làng xóm trước những trận ném bom của Mỹ mà chúng không bị trừng phạt".

Khi được biết mình chỉ có thể học để trở thành thợ máy sửa chữa máy bay thì ông vui mừng đồng ý ngay. Trong đầu ông lúc ấy có một ý nghĩ, dù chỉ là thợ máy, kỹ thuật viên, nhưng phục vụ trong không quân là được. Ông sẽ được ở bên cạnh những người có thể trừng trị đế quốc Mỹ đã tiến hành những vụ đánh phá nhằm vào những người dân vô tội trên đất nước mình.

“Trượt” thợ máy lên làm phi công

Phạm Tuân đến nước Nga đúng lúc mùa thu đang chuyển dần sang đông. Ông phải học tiếng Nga, học nghiệp vụ. Tâm trí ông hướng tới sân bay, nơi có tiếng gầm rít của động cơ những chiếc phản lực MIG do những người bạn đồng niên điều khiển. Trong đó có những người bạn đến từ Việt Nam.

Phạm Tuân khao khát được có mặt bên họ. Và số phận đã mỉm cười với ông. Một số học viên Việt Nam không theo nổi chương trình học hoặc sức khỏe kém nên bị sàng lọc. Và nguồn bổ sung có thể là các học viên thợ máy. Chàng trai đến từ làng Quốc Tuấn là một trong số 10 người gặp vận may ấy. “Người ta trượt phi công xuống làm thợ máy, còn tôi trượt thợ máy lên làm phi công”, Phạm Tuân nhớ lại.

Ước mơ cháy bỏng được trở thành phi công bay trên bầu trời với chiếc máy bay chiến đấu của Phạm Tuân đã được nhiều người thày, người bạn Liên Xô “chắp cánh”. Đặc biệt là vị huấn luyện viên đầu tiên mà các học viên đã gọi bằng cái tên đơn giản: Misa. Phạm Tuân cùng các học viên được tập trên các loại máy bay kiểu Iak -18, UTI - MIG 15 và bay trên loại máy bay MIG-17.

Từ tay lái MIG 21 đấu tiên...

... đến người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ

Trong số những người tốt nghiệp đó, có 10 phi công đạt trình độ kỹ thuật khá giỏi, được huấn luyện bay ban đêm. Phạm Tuân là phi công tiêm kích đầu tiên được bay đêm trên MIG-17 ở Liên Xô.

Ra đi để học làm thợ máy nhưng khi về nước Phạm Tuân đã là một phi công được đào tạo cơ bản. Ở Việt Nam, ông và các bạn đồng môn được đào tạo lại để điều khiển chiếc máy bay MIG -21, một trong những loại máy bay tiêm kích hoàn hảo nhất thế giới. Và một lần nữa những huấn luyện viên Liên Xô lại tận tình hướng dẫn. Họ làm công việc ấy không chỉ trên sa bàn mà còn bên cạnh những phi công Việt Nam trong các chuyến bay thật.

Cho đến bây giờ Phạm Tuân vẫn tin tưởng sâu sắc rằng các phi công không thể có được lớp học bay nào tốt hơn thế ở bất cứ trung tâm huấn luyện bay và sân bay thử nào khác. Lúc ấy, B52 của đế quốc Mỹ được coi là pháo đài bay bất khả xâm phạm. Nhưng trong một lần xuất kích, phi công Vũ Đình Rạng đã vượt qua được vành đai phòng thủ dày đặc của máy bay tiêm kích Mỹ để tấn công B52.

Chiếc pháo đài bay lừng danh bị trọng thương vội trút bom ở rừng rậm, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất ở Thái Lan. Điều đó khiến người ta đã nhận ra rằng có thể làm được điều không thể. Bộ Chỉ huy Sư đoàn của Phạm Tuân, đứng đầu là Đại tá Trần Hanh, Anh hùng lực lượng vũ trang, đã bắt tay đào tạo một nhóm phi công để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Họ phân tích chiến thuật của các máy bay ném bom Mỹ và của các máy bay tiêm kích yểm trợ ban ngày và ban đêm, trong những điều kiện thời tiết khác nhau. Phạm Tuân cùng đồng đội trong đội bay đã nhiều lần cất cánh đi làm những nhiệm vụ như vậy, nhưng chưa gặp thời cơ thuận lợi để bắn hạ B52.

Lần thoát chết khó tin

Nhờ có thiết bị rađa tốt đặt trên máy bay trinh sát nên phía Mỹ thường xuyên săn tìm được địa điểm bố trí máy bay của Việt Nam. Ngày 18/12/1972, máy bay Mỹ bất ngờ tấn công sân bay của ta vốn được bố trí khá xa và ngụy trang tốt.

Chẳng mấy chốc, máy bay Mỹ đã phá hủy đường băng cất cánh, đài chỉ huy. Liên lạc bị cắt. Phạm Tuân là phi công đầu tiên cất cánh lên bầu trời sau khi có báo động. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhiên liệu trên máy bay sắp cạn kiệt, cần hạ cánh khẩn cấp. Phạm Tuân đã quyết định hạ cánh ở sân bay vừa bị đánh bom.

Quyết định này được báo lên đài chỉ huy binh chủng không quân và được chấp thuận. Đêm tối, không hề có đèn pha trên sân bay, Phạm Tuân hạ cánh chỉ nhờ ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pha máy bay. Khi máy bay vừa chạm đất thì lập tức bị tụt xuống hố bom. Tốc độ hạ cánh của MIG-21 khá cao và chiếc máy bay đã lộn nhào, rồi trượt đi khoảng 300 m.

Bụng máy bay hướng lên trời và quay trở lại 180 độ. Chiếc máy bay gần như đã bị phá hủy. May mắn là nó nhanh chóng dừng lại và không bốc cháy. Phạm Tuân thoát ra khỏi buồng lái đã hư hỏng hoàn toàn. Sáng hôm sau, anh thấy đường băng cất cánh giống như bề mặt của mặt trăng vẫn từng được miêu tả trong phim viễn tưởng, hết hố bom này đến hố bom khác.

Ông đã thoát chết nhờ một phép màu nào đó. Nhưng sau đó chính ông đã tự mình làm nên một phép màu gây chấn động dư luận khi bắn hạ pháo đài bay B52.

“Vào ngày 27/12/1972, số phận đã dành cho tôi một cơ hội”, Phạm Tuân kể. (còn nữa)

Theo TP

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.