
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Tùng Đinh.
Chiều 19/2, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Hội nghị diễn ra nhằm bảo đảm Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm đi vào hoạt động ngay khi Đề án thành lập Bộ và Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức có hiệu lực.
Nguyên tắc một việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì
Trình bày tại Hội nghị, ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ TN-MT) - cho biết, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đã tổ chức xây dựng Đề án hợp nhất hai Bộ và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT.
“Cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ cần được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm tối đa đầu mối bên trong và có sự thống nhất chung giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, đồng thời có tính đến yếu tố đặc thù theo từng lĩnh vực”, ông Tuyến nói.
Nêu một số nguyên tắc về tổ chức bộ máy, ông Tuyến nhấn mạnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hai Bộ khi hợp nhất, không được trùng lặp về chức năng. Đối với các đơn vị sự nghiệp có quy mô tổ chức nhỏ, hiệu quả hoạt động thấp, khó thực hiện tự chủ thì sẽ xem xét sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại.
Để hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 28/2, Vụ Tổ chức cán bộ của hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng, trình ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc phân công công tác đối với Lãnh đạo Bộ.

Ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ TN-MT) - trình bày một số nội dung, yêu cầu chung của Ban chỉ đạo. Ảnh: Tùng Đinh.
Ban Chỉ đạo khuyến khích các cán bộ, công chức, viên chức còn thời gian công tác ngắn, nhất là những trường hợp còn dưới 3 năm công tác, tự nguyện xin nghỉ chế độ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp tổ chức cán bộ của tổ chức mới.
Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị sẽ có hình thức biểu dương, tôn vinh đối với sự tự nguyện vì lợi ích chung của các cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm việc đề xuất khen thưởng theo thành tích cống hiến); thời hạn đăng ký trước ngày 25/2.
Sau sáp nhập, 30 đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Đối với các đơn được thành lập trên cơ sở hợp nhất, kế thừa chức năng, nhiệm vụ mà các đơn vị đó đang đảm nhiệm; xem xét điều chuyển hợp lý những lĩnh vực giao thoa theo đúng nguyên tắc một việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Đối với các đơn vị thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp, tránh xáo trộn lớn. Các nhiệm vụ có tính chất tổng hợp, liên quan đến nhiều đơn vị thì giao một đơn vị làm đầu mối chủ trì thực hiện, có sự tham gia, phối hợp của các vụ, cục quản lý chuyên ngành.
Ngành nông nghiệp và môi trường chuyển mình cùng đất nước
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy (người vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, các cơ quan đã nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc lớn để xây dựng Đề án hợp nhất hai Bộ, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, đến nay, việc thành lập Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục cần thiết để Trung ương Đảng xem xét, ban hành quyết định. Đồng thời, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất Đảng ủy Chính phủ chỉ định bổ sung thành viên Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy ngay sau khi hoàn thiện phương án kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp trưởng tại các đơn vị trực thuộc.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng quà kỷ niệm cho Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: Tùng Đinh.
Bộ trưởng đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác tư tưởng, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn chuyển đổi. Đồng thời, vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần được đề cao. Các chế độ, chính sách liên quan đến việc sắp xếp tổ chức cũng cần được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định.
“Chúng ta đang tiến gần đến một thời khắc có ý nghĩa lịch sử, khi ngành TN-MT và ngành NN-PTNT bước vào một giai đoạn phát triển mới, đồng hành cùng sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Hai lĩnh vực quản lý này có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau. Việc hợp nhất sẽ mở ra cơ hội lớn để giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội một cách hài hòa, bền vững, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn của đất nước”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Bộ trưởng lưu ý, đối với mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước lớn như đất đai, khoáng sản, tài nguyên, trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, Bộ sẽ chỉ thành lập tối đa 3 đơn vị sự nghiệp, tránh trùng lắp chức năng giữa các cấp. Mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp sẽ được xem xét theo ba nhóm chính: sự nghiệp nghiên cứu khoa học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, và các hoạt động sự nghiệp kinh tế khác.
Đối với các đơn vị sự nghiệp có quy mô tổ chức lớn, địa bàn hoạt động rộng, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và các đơn vị đã thực hiện tự chủ, có quy mô lớn thì có thể tiếp tục duy trì và củng cố hoạt động để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Không chỉ đáp ứng yêu cầu về thời gian, Đề án hợp nhất Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT được Ban Chỉ đạo Chính phủ đánh giá cao về tính chủ động, khoa học. Đây là là tiền đề quan trọng để hai Bộ triển khai hiệu quả mô hình tổ chức mới, hướng tới một nền quản lý hiện đại, chuyên nghiệp.