Ngày 19/2, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã có buổi chủ trì cuộc họp với cấp, ngành và đơn vị liên quan để nghe và cho ý kiến về giải pháp chống sạt lở tại khu vực cửa biển Sa Cần (thuộc thôn Tân Hy 1 và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn).

Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển Sa Cần đã đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân ở xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đề xuất giải pháp đầu tư xây kè kiên cố, tạo vành đai bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và cảnh quan; đồng thời khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, tuyến kè xây dựng chống sạt lở tại khu vực cửa biển Sa Cần có chiều dài khoảng 1.600m; nạo vét luồng dài 800m... với kinh phí dự kiến khoảng 95 tỷ đồng.
Đồng ý và thống nhất với đề xuất nêu trên, ông Trần Phước Hiền yêu cầu các cấp, sở ngành và đơn vị liên quan, hoàn thiện giải pháp để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, để trình cấp thẩm quyền quyết định.
Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có bài viết phản ánh với nội dung: “Hàng chục hộ dân gần biển Sa Cần lo lắng bị 'nuốt' nhà”. Theo đó, trong 3 năm trở lại đây, tình hình sạt lở ở cửa biển Sa Cần diễn ra rất nghiêm trọng. Nhiều đoạn sạt lở lấn sâu vào đất liền hơn 10m, một số vị trí sạt lở đến chân móng nhà của người dân với chiều dài sạt lở gần 500m.
Lo sợ bị sóng biển xâm thực, nhiều người đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống. Hiện tại, còn khoảng 32 hộ với 92 nhân khẩu đang bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản. Để hạn tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã chủ động đóng cọc tre, làm bờ đá… Tuy nhiên, việc gia cố mang tính chất tạm thời, không có khả năng chống chịu khi sóng lớn, thiên tai, bão lũ xảy ra.