| Hotline: 0983.970.780

Ảnh hưởng Covid-19, dự trữ máu tại TP.HCM thiếu trầm trọng

Thứ Sáu 04/06/2021 , 14:22 (GMT+7)

Lượng máu dự trữ tại Ngân hàng máu ở TP.HCM không đủ cấp phát trong vài ngày tới, trong khi lượng máu cần cho hơn 130 bệnh viện toàn TP.HCM khoảng 600-900 túi máu/ngày.

Bác sĩ tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: Minh Châu.

Bác sĩ tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: Minh Châu.

Tiến sĩ, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, cho biết Ngân hàng máu của bệnh viện chịu trách nhiệm cung cấp máu cho các bệnh viện ở TP.HCM cũng như một số cơ sở ở các tỉnh khu vực phía Nam.

"Đợt bùng phát Covid-19 sau dịp lễ 30/4 &1/5 khiến các đơn vị tổ chức hiến máu liên tục hủy tua, số máu tiếp nhận trong tháng 5 giảm mạnh. Từ đầu tháng 5 đến nay, khoảng 100 tua bị hủy, tương ứng 15.000 túi máu không được lấy. Có những ngày không tua hiến máu nào được tổ chức", bác sĩ Phù Chí Dũng chia sẻ.

Đặc biệt, TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 + toàn thành phố, riêng Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Do đó, người dân được khuyến cáo hạn chế tập trung nơi đông người, nhiều đơn vị tổ chức hiến máu liên tục báo hủy đợt, hủy chuyến.

"Mỗi cá nhân sẽ là một tấm gương, lan tỏa thông điệp đến tất cả mọi người về hành động hiến máu nhân đạo trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, để giúp cho chúng ta có một Ngân hàng máu đủ để cứu giúp người bệnh khi cần thiết", Bác sĩ Đặng Minh Hiệu, Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ.

Dẫn đến số lượng máu dự trữ tại Ngân hàng máu đang giảm dần. Số lượng máu trong kho đến sáng ngày 27/5 chỉ còn xấp xỉ 5.000 túi, là ngưỡng dự trữ thấp báo động và thấp nhất trong vòng 9 tháng qua.

Dự kiến trong những ngày tới, với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp và nghiêm trọng, TP.HCM không còn đợt hiến máu lưu động nào diễn ra. Do đó, lượng máu dự trữ sẽ không đủ cấp phát trong 5 ngày tới (mỗi ngày ngân hàng máu cần từ 600 - 900 túi máu để phát cho hơn 130 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM).

Cũng theo bác sĩ Phù Chí Dũng, trong thời gian qua, bệnh viện đã thực hiện nhiều hình thức để vận động người dân đến hiến máu. Đồng thời, bệnh viện cũng tổ chức những đợt lấy máu lưu động, hẹn theo khung giờ để mỗi lần lấy máu số lượng người tập trung không vượt quá 20 người và thực hiện đúng theo khuyến cáo 5K của Bộ y tế.

"Người tham gia hiến máu trong thời gian này sẽ được yêu cầu thực hiện khai báo y tế để nhân viên y tế kiểm tra lại, người hiến máu "an toàn" thì sẽ được đánh dấu màu xanh, và tiến hành các bước sau đó. Ở mỗi đợt lấy máu, người hiến máu chỉ mất khoảng 30 phút là có thể cùng chung tay cứu giúp một cuộc đời khác", bác sĩ Phù Chí Dũng cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng đã ký văn bản về việc tăng cường hiến máu nhân đạo. Theo đó UBND TP.HCM kêu gọi hiến máu nhân đạo nhằm đảm bảo đủ lượng máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện cũng như có đủ lượng máu dự trữ an toàn dự phòng cho thiên tai, dịch bệnh.

Do đó, các sở ngành, đoàn thể và UBND các quận huyện, TP Thủ Đức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp duy trì vận động các đợt hiến máu lưu động đã đăng ký và tiếp tục đăng ký tổ chức các đợt mới để đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu và điều trị bởi “máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu”.

Các cơ quan, đơn vị khi vận động, kêu gọi hiến máu phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo và Bệnh viện Truyền máu Huyết học tổ chức hiến máu an toàn, chia nhỏ số lượng người hiến theo khung giờ và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K.

TP.HCM khuyến khích người dân đến hiến máu tại 2 điểm cố định: Bệnh viện Truyền máu Huyết học (số 118 Hồng Bàng, P.12, Q.5) và Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM (số 106 Thiên Phước, P.9, Q.Tân Bình).

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.