Áo bà ba trong vẻ đẹp văn minh miệt vườn
Chủ Nhật 01/10/2023 , 16:48 (GMT+7)Áo bà ba được tôn vinh như một giá trị văn minh miệt vườn tại Festival Áo bà ba tổ chức tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang từ ngày 29/9 đến ngày 1/10.
Áo bà ba được xem như một trang phục đặc trưng của người dân sông nước Nam bộ. Bên cạnh sự gần gũi và sự thân thương, áo bà ba đã thành một di sản văn hóa phản ánh tinh thần thẩm mỹ mà tổ tiên để lại cho con cháu hôm nay.
Festival Áo bà ba được chọn làm điểm nhấn cho dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang. Festival Áo bà ba không chỉ phô diễn vẻ đẹp áo bà ba, mà còn giới thiệu một số đặc sản vùng đất Hậu Giang như khóm Cầu Đúc, cá thát lát...
Công chúng thực sự ấn tượng với những bộ sưu tập áo bà ba làm bằng vải sợi khóm Cầu Đúc kết hợp tơ tằm do các nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và Nha Xá (tỉnh Hà Nam) thực hiện.
Nhà thiết kế Minh Hạnh với vai trò tổng đạo diễn Festival Áo bà ba, chia sẻ: “Thông điệp mà Festival Áo bà ba muốn truyền tải là sự thấu hiểu những bản sắc văn hóa của miền sông nước Nam Bộ. Chính bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là thông điệp có giá trị cho cuộc sống và định vị thương hiệu cho dân tộc mình”.
Nhiều nhà thiết kế được mời tham dự Festival Áo bà ba cũng không giấu giếm sự hào hứng cá nhân. Nhà thiết kế Huệ Thi đưa ra bộ sưu tập áo bà ba kết hợp khăn rằn Nam bộ, bày tỏ: Dù đã là trang phục quen thuộc, nhưng mỗi lần nhìn áo bà ba, tôi lại có những cảm xúc đặc biệt”.
Lần đầu tiên có Festival dành cho áo bà ba, nên người dân Hậu Giang hưởng ứng rất nồng nhiệt. Sự kiện 500 tiểu thương ở chợ Vị Thanh đồng loạt mặc áo bà ba, đã trở thành một hình ảnh đáng nhớ.
Theo các sử liệu, áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt. Áo bà ba đã đi cùng người dân sông nước qua những thăng trầm, thể hiện ở những câu ca dao như “Trời mà bắt chết thời thôi/ Nếu còn, thời sẽ no xôi chán chè”, hoặc trong những điệu hát huê tình “Đời phải đời thịnh trị/ Cuộc phải cuộc văn minh/ Kìa là gió mát trăng thanh/ Biết đâu nhơn đạo bày tình cho vui”.
Trong cuốn sách biên khảo “Văn minh miệt vườn”, nhà văn Sơn Nam cho biết: “Ở miệt Hậu Giang thời Pháp thuộc, cái áo dài đàn ông không được thông dụng cho lắm. Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu... Tại trường tiểu học, sơ học và luôn cả trung học, học trò mặc áo bà ba lúc ngồi học. Áo bà ba gọn gàng, cởi ra bận vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai”.
Áo bà ba đã đi vào tác phẩm nghệ thuật như một biểu tượng đầy sức sống. Ví dụ, ca khúc “Chiếc áo bà ba” của Trần Thiện Thanh gây xao xuyến: “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/ Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh/ Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ/ Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”.
Tại tọa đàm “Áo bà ba xưa và nay – Những cung bậc cảm xúc” trong khuôn khổ Festival Áo bà ba, các diễn giả nổi tiếng như Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang hoặc đạo diễn Xuân Phượng đều thừa nhận áo bà ba mang lại cho phụ nữ nét mộc mạc, chân phương và duyên dáng.
Qua gần hai thế kỷ đồng hành văn minh miệt vườn, áo bà ba có nhiều biến tấu về chất liệu và kiểu dáng. Ngoài áo bà ba cổ tròn truyền thống, còn có áo bà ba cổ cánh én, áo bà ba cổ trái tim, áo bà ba tay dài, áo bà ba tay lỡ...
tin liên quan
Phim ‘Huyền thoại vũng Rô’ tái hiện câu chuyện đường Hồ Chí Minh trên biển
PHÚ YÊN Nội dung phim tài liệu ‘Huyền thoại vũng Rô’ khẳng định vị trí quan trọng của bến Vũng Rô, một mắt xích quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển…
Chợ Bến Thành được xếp hạng di tích cấp thành phố
Trong số các công trình được UBND TP.HCM xếp hạng, chợ Bến Thành được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Thế giới trẻ thơ qua những câu chuyện của cô giáo dạy Văn
Thế giới trẻ thơ trong tập truyện ‘Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo’, qua lời kể cô giáo Trần Hà Yên góp phần khơi mở trí tưởng tượng cho thiếu nhi.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và ký ức làm thầy giáo
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ góc nhìn tâm đắc về nghề giáo, bởi lẽ ông đã có một thời gian dạy học trước khi trở thành tác giả ăn khách.
Di tích Đại Cung Môn được phục hồi với tổng kinh phí hơn 64,6 tỷ đồng
Mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua chủ trương đầu tư dự án 'Phục hồi di tích Đại Cung Môn' (Đại Nội Huế), với kinh phí hơn 64,6 tỉ đồng.
Cô giáo dạy vẽ trọn đời đam mê hội họa
Cô giáo dạy vẽ Lê Thị Kim Bạch ở tuổi 86 tổ chức cuộc triển lãm ‘Dòng chảy của lụa’ tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.