| Hotline: 0983.970.780

TS Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam:

Áp dụng các giải pháp bảo vệ người trồng mía

Thứ Sáu 20/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm thực thi cam kết ATIGA với mía đường (1/1/2020), trong bối cảnh ngành mía đường đang gặp khó khăn lớn.

Báo NNVN đã trao đổi với TS Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, về việc làm sao bảo vệ được ngành mía đường và sinh kế của người trồng mía.

Ông Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, đang phát biểu tại một hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Theo TS Cao Anh Đương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhất trí với chủ trương của Chính phủ thực thi cam kết ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN), xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, sau thời điểm 1/1/2020, khi hàng rào hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường được dỡ bỏ và nếu không có biện pháp ngăn chặn nào để bảo vệ người sản xuất được đưa ra, đường phá giá từ Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam. Hệ quả tức thời là đường sản xuất từ mía trong nước sẽ không bán được và sinh kế của nông dân trồng mía sẽ lập tức bị đe dọa vì các nhà máy sẽ không tài nào có tiền để trả tiền mía cho nông dân.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam thường nhắc tới mối đe dọa bởi đường phá giá từ Thái Lan. Mối đe dọa này cụ thể ra sao?

Hoạt động trợ giá và duy trì hệ thống hai giá để đưa đường phá giá ra thị trường quốc tế của Thái Lan đã diễn ra nhiều năm. Điều này đã được ISO, WTO, nhiều tổ chức quốc tế khác và chính Thái Lan xác nhận. Chính loại đường phá giá này là nguồn gốc đường nhập lậu đã nhiều năm liên tục tràn vào Việt Nam qua biên giới Campuchia và Lào, hủy diệt ngành đường Việt Nam.

Với ngành mía đường thế giới, việc Thái Lan sử dụng một phần lợi nhuận bán đường giá cao trong nước làm nguồn trợ cấp để xuất khẩu đường được xem là thực tế hiển nhiên và là nguy cơ thường trực với bất cứ quốc gia nào. Trước thực trạng đó, tháng 4/2016, Brazil đã kiện Thái Lan ra WTO về việc trợ giá đường vi phạm các nguyên tắc WTO. Cùng trong năm 2016, EU và Guatemala cũng gia nhập Brazil trong đơn kiện này. Thái Lan đã thừa nhận là vi phạm, tuy nhiên vẫn đang cố tình dây dưa trong việc khắc phục.

Khi thực thi ATIGA, các nước sản xuất mía đường quan trọng trong khu vực ASEAN bảo vệ ngành mía đường nội địa như thế nào trước đường nhập khẩu từ các nước khác trong khối?

Để thực thi ATIGA, các nước Thái Lan, Indonesia và Philippines đã thực hiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch như cam kết, cho phép cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được nhập khẩu đường. Nhưng đường nhập khẩu sẽ phải nằm chờ tại kho dự trữ mà không được tự do bán vào thị trường nội địa, nếu như chưa được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền.

Đồng thời họ dựng lên hàng loạt những hàng rào kỹ thuật thông qua các quy định, các giấy phép, các loại phí…, để đảm bảo rằng đường nhập khẩu từ ASEAN, tuy được tự do thông quan, nhưng chỉ là trên danh nghĩa. Còn thực tế lại không được tự do thâm nhập vào các kênh phân phối, tiêu thụ, buôn bán và sử dụng tại thị trường nội địa.

Thông tin của ISO cho thấy, mặc dù đã hội nhập từ năm 2010 và 2015, nhưng giá đường nội địa của các nước sản xuất mía đường trong khối ASEAN bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines luôn luôn cao hơn giá đường thế giới.

Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ ngành mía đường trong nước và sinh kế của nông dân trồng mía?

Hiện nay hầu hết các nhà máy đều đã hoặc chuẩn bị vào vụ ép mía 2019/20. Nhằm bảo đảm người nông dân bán được mía và thu được tiền mía đã bán cho nhà máy, Hiệp hội Mía đường đề nghị Chính phủ tạm thời quy định tất cả các loại đường nhập khẩu sau thời điểm 1/1/2020 sẽ phải đưa vào kho ngoại quan hoặc kho dự trữ và chỉ được đưa vào lưu thông, phân phối, sử dụng tại thị trường nội địa khi đã kết thúc vụ ép mía, đường sản xuất từ mía trong nước đã tiêu thụ hết và được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép theo từng giai đoạn, thời điểm, số lượng cụ thể.

Đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm của sản phẩm đường nhập khẩu và các quy định ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đường nhập khẩu.

Nhằm bảo đảm người nông dân được hưởng giá mua mía đủ thu nhập, đề nghị Chính phủ tạm thời quy định nhập khẩu đường là ngành kinh doanh có điều kiện, chỉ dành cho các nhà máy đường, với điều kiện phải đảm bảo giá mua mía cho nông dân đủ bù đắp chi phí và có lãi nhưng không cao hơn giá mía mà nông dân hai nước Indonesia và Philippines đã và đang nhận được.

Ngành mía đường trong nước đang gặp khó khăn lớn (Ảnh minh họa).

Số lượng đường nhập khẩu cho mỗi nhà máy đường tương ứng theo tỷ lệ nhất định với số lượng mía mua của nông dân. Đường nhập khẩu phải thông qua cơ chế đấu thầu cấp phép cho tiêu dùng nội địa, tương tự như mô hình đấu giá nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mà Nhà nước đang áp dụng trong khuôn khổ WTO. Cơ chế quản lý theo đấu thầu đối với đường nhập khẩu sẽ giúp giảm thiểu chi phí ngầm, tăng cường tính minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và đặc biệt là có thể kiểm soát chặt chẽ được thị trường và cung – cầu đường trong nước.

Hiệp hội đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai ngay việc điều tra chống bán phá giá với đường từ Thái Lan, mà không cần chờ hành động khởi xướng điều tra.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng bất cứ quốc gia nào cũng có quyền chủ quyền tối cao để bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia mình, nhất là với ngành mía đường, một ngành gắn với sinh kế, đời sống của hàng vạn lao động và hàng triệu nông dân. Nếu như việc bảo hộ của Thái Lan, Indonesia, Philippines là phù hợp với ngoại lệ theo Điều XX của GATT/WTO hay Điều 8 (Ngoại lệ chung) hoặc Điều 9 (Ngoại lệ vì lý do an ninh), thì cũng đồng nghĩa Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp tương tự.

Nếu các biện pháp nêu trên mà vi phạm thì Việt Nam có quyền đề xuất thảo luận với các nước liên quan và trong thời gian thảo luận sẽ chưa thực hiện cam kết ATIGA với các quốc gia này, cụ thể Indonesia, Philippines và đặc biệt với Thái Lan.

Chúng tôi cho rằng việc áp dụng các đề xuất nêu trên để bảo vệ nông dân trồng mía là hoàn toàn tương đồng với các quy định và thông lệ mà các nước đang sản xuất mía đường của ASEAN đã và đang áp dụng từ nhiều năm, và chắc chắn sẽ không gặp sự phản đối nào trong khối ASEAN.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất