Báo Nông Nghiệp

Thứ Hai, 31/3/2025 7:45 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 5] Đưa lợn từ Bắc vào Nam

Thứ Năm 27/03/2025 , 09:41 (GMT+7)

Giá lợn hơi ở miền Bắc đang giảm khá nhanh, thậm chí có hiện tượng lợn từ miền Bắc 'đi ngược' vào các tỉnh phía Nam để khỏa lấp tình trạng thiếu hụt cục bộ.

Giá lợn ở miền Bắc giảm nhanh

Ông Nguyễn Văn Chinh, Quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam cho hay, giá lợn hơi trong thời gian qua lên cao nhưng tốc độ tiêu thụ của các thương lái tại chợ lại chậm do người mua thịt nóng (lợn mổ trực tiếp) không nhiều. Bên cạnh đó, ngoài tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc, một lượng lớn lợn được đưa vào tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Điều này khá bất thường, bởi trước đây, thương lái miền Bắc thường phải nhập lợn từ các tỉnh miền Trung (như Bình Định) và miền Nam (như Đồng Nai) để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo các thương lái, xu hướng tiêu thụ lợn đang có sự đảo chiều từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam. Ảnh: Trung Quân.

Theo các thương lái, xu hướng tiêu thụ lợn đang có sự đảo chiều từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam. Ảnh: Trung Quân.

Nguyên nhân cơ bản của sự đảo chiều này là do dịch bệnh xảy ra cuối năm 2024 tại các tỉnh phía Nam gây thiệt hại đàn lợn nái. Từ ngày 1/1/2025, các địa phương phải hoàn thành việc di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, thắt chặt quản lý môi trường. Do đó, nhiều thời điểm, trại thương phẩm, trại gia công để trống chuồng hoặc đưa vào nuôi không hết công suất.

Ví dụ dễ thấy nhất là tỉnh Đồng Nai, có tới 3.000 cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời hoặc đóng cửa, số lợn từ 2,5 triệu con đã giảm xuống nhanh chóng. Một lý do khác, là tác động tích cực của kết quả rà soát, thắt chặt kiểm soát động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới các tỉnh phía Nam trong thời gian qua.

Ghi nhận của PV Báo Nông nghiệp và Môi trường ngày 26/3, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 68.000-70.000 đồng/kg (giảm khoảng 8.000 đồng/kg so với thời điểm ngày 14/3); tại miền Trung dao động từ 70.000-77.000 đồng/kg; tại các tỉnh phía Nam giá lợn hơi dao động từ 75.000-77.000 đồng/kg. 

Dân 'nuôi lướt' lo lỗ

Theo ông Hoàng Trung Hải, thôn 5, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, dù thời điểm này giá lợn cao, có lãi khá nhưng cũng không đủ sức hấp dẫn được người nuôi. Các đợt "bão" giá, dịch tả lợn Châu Phi càn quyét như cú đánh đo ván hạ gục những hi vọng đổi đời cuối cùng của nhiều gia đình. Những hộ còn ít vốn chuyển sang nuôi “lướt sóng” (mua lợn khoảng 1-1,2 tạ về nuôi từ 20-30 ngày sẽ xuất bán) với hi vọng "ăn xổi" để kiếm đồng ra, đồng vào.

Việc nuôi lướt có thể mang lại lợi nhuận rất lớn, tạo đột biến thu nhập trong thời gian ngắn, nhưng cũng luôn tiềm ẩn rủi ro mất trắng nếu chọn sai thời điểm. Dẫn ví dụ của chính gia đình mình, ông Hải cho hay, lứa lợn đang nuôi 100 con của gia đình khi mua cách đây hơn 10 ngày có giá 78.000 đồng/kg, hiện giờ đã có thể xuất bán nhưng ngặt nỗi giá lợn hơi đã xuống khoảng 70.000 đồng/kg, nếu bán chắc chắn lỗ.

Theo ông Hoàng Trung Hải, xã Ngọc Lũ, việc nuôi lướt có thể mang lại lợi nhuận rất lớn, tạo đột biến thu nhập trong thời gian ngắn, nhưng cũng luôn tiềm ẩn rủi ro mất trắng. Ảnh: Hùng Khang. 

Theo ông Hoàng Trung Hải, xã Ngọc Lũ, việc nuôi lướt có thể mang lại lợi nhuận rất lớn, tạo đột biến thu nhập trong thời gian ngắn, nhưng cũng luôn tiềm ẩn rủi ro mất trắng. Ảnh: Hùng Khang. 

“Kể từ sau Tết, đây là lứa thứ 2 tôi nuôi. Lứa đầu bán được giá hơn 70.000 đồng/kg, trừ đi chi phí gọi là có chút thắng lợi. Nếu tình hình giá lợn hơi trong thời gian tới vẫn có chiều hướng đi xuống thì lứa 2 này chắc chắn bù lỗ rồi. Nuôi lợn giờ như đánh canh bạc, mình không có quyền quyết định nên phải 'cân não' chạy theo sự lên xuống của thị trường. Non gan hay quyết định sai thời điểm là phải trả giá không hề nhỏ” ông Hải chia sẻ.

Tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của miền Bắc, không còn cảnh xe tải nối đuôi nhau ra vào xã mua lợn mang đi tiêu thụ. Số hộ nuôi lợn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; một số hộ chuyển sang nuôi gà, vịt, còn đa phần đã “treo chuồng”.

Trại lợn dịch chuyển xa khu dân cư

Ông Nguyễn Văn Ngạn, thôn Xâm Hồng, xã Thắng lợi (Văn Giang, Hưng Yên), người đang nuôi 100 lợn (nái và thịt) phân tích, giá lợn hơi mặc dù lên cao nhưng không ổn định; sự lên xuống phụ thuộc nhiều vào thương lái và các doanh nghiệp lớn. Những hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ biết gắng sức bám đuổi để trụ lại với nghề.  

Hiện tại, quy định không được phép chăn nuôi trong khu dân cư theo Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực. Rất nhiều cơ sở phải di dời và dừng hoạt động vì không tìm được quỹ đất phù hợp để xây dựng chuồng trại. Điều này có tác động lớn tới lượng cung lợn thịt từ khối nông hộ ra thị trường.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn trong nước đã đầu tư mạnh mẽ vào chăn nuôi lợn. Họ chủ động về con giống, thức ăn, thuốc, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ. Mỗi ngày, một đơn vị có thể xuất bán ra thị trường hàng nghìn lợn thịt và lợn giống.

Theo ông Nguyễn Văn Ngạn, xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, Hưng Yên, giá lợn hơi lên xuống chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Văn Ngạn, xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, Hưng Yên, giá lợn hơi lên xuống chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Ảnh: Trung Quân.

Thậm chí, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp thực hiện “chiêu bài” trong kinh doanh. Khi giá lợn hơi có xu hướng tăng, công ty lập tức găm hàng, khiến nguồn cung hạn chế nhằm đẩy giá lợn giống và lợn hơi tiếp tục tăng lên. Khi giá bán đạt ngưỡng sẽ xuất bán với số lượng lớn.

Các hộ nuôi quy mô nhỏ, vốn ít nên áp dụng cách thức nuôi gối đàn, mỗi tháng trung bình xuất bán ra thị trường 10-20 con. Khi giá bán lên cao, hộ nào may mắn "trúng quả" thì được 1-2 lứa, nhưng song hành với đó là phải mua con giống với giá cao để gối đàn, đảm bảo liên tục có nguồn cung. Vậy là, khi nguồn cung lợn đột ngột dồi dào, giá bán lao dốc không phanh, hộ nuôi nhỏ chắc chắn lỗ ở các lứa tiếp theo.

Chưa kể tới việc, thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa, nắng mưa xen kẽ là điều kiện lý tưởng để các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát. Cách đây chưa lâu, chính gia đình ông Ngạn chỉ vì một phút bất cẩn đã khiến một số lợn mắc bệnh lở mồm long móng buộc phải tiêu hủy.

“Từ sau Tết, giá lợn có thời điểm 78.000-79.000 đồng/kg, ai cũng vui ra mặt, nhưng không lâu sau đó đã giảm xuống 73.000-74.000 đồng/kg và dự báo có thể đi xuống trong thời gian tới. Trong khi lợn giống có giá 3 triệu đồng/con (6-7kg), giá cám 290.000-300.000 đồng/bao; chưa tính chi phí điện, nước, vacxin. Nếu tính toán chi li số lãi thu về cũng chưa đáng là bao. Cuộc chơi về giá này người nuôi nhỏ lẻ không có quyền quyết định, được đến đâu là mừng đến đấy”, ông Ngạn đánh giá.

Giá lợn hơi liên tục duy trì ở mức cao trong thời gian qua đang giúp các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Hà Nam có cơ hội gỡ gạc sau chuỗi ngày ì ạch bù lỗ. Tuy nhiên, xem lẫn trong niềm vui ấy vẫn là những mối lo canh cánh trong lòng.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), giá lợn hơi tháng 1/2025 tăng khoảng 10-12% so với cuối năm 2024, dao động từ 66.000 - 69.000 đồng/kg. Sang tháng 2, giá lợn hơi tiếp tục tăng lên 72.000 - 78.000 đồng/kg (tăng khoảng 15-18% so với tháng 1).

Đến tháng 3, giá lợn hơi tăng lên 79.000 - 82.000 đồng/kg tại Nam Trung bộ. Tại Đồng Nai, có thời điểm giá kỷ lục được ghi nhận là 83.000 đồng/kg. Đến trung tuần tháng 3, giá có dấu hiệu chững lại và xu hướng giảm ở cả 3 miền. 

Xem thêm
Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa an sinh, thúc đẩy thị trường lao động

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ giúp người lao động ổn định cuộc sống mà còn góp phần điều tiết, phát triển thị trường lao động bền vững.

Proparco và FMO đầu tư 80 triệu USD cho SeABank

Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp (Proparco) và Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đã ký kết hợp tác đầu tư 80 triệu USD cho Ngân hàng SeABank.

Mong chính sách tín dụng linh hoạt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp

Cần Thơ Các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.