| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng phương pháp mới trong mô hình lúa - rươi hữu cơ

Thứ Tư 18/05/2022 , 08:05 (GMT+7)

QUẢNG NINH Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh tiếp tục thử nghiệm xây dựng mô hình áp dụng phương pháp nuôi mới trong mô hình lúa - rươi hữu cơ.

Linh hoạt trong hoạt động xây dựng mô hình khuyến nông, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thử nghiệm áp dụng kỹ thuật mới trong xây dựng mô hình nuôi rươi từ nguồn kinh phí xã hội hóa, kết hợp phương pháp nuôi mới giúp tăng sản lượng, chất lượng rươi.

Trước đó, Dự ánPhát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Quảng Ninh” thực hiện trong 2 năm (2020 – 2021) với tổng diện tích thực hiện là 90 ha, trên địa bàn thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí và thị xã Đông Triều.

Theo kết quả ban đầu, Dự án đã tổ chức được 6 lớp tập huấn (30người/lớp); hỗ trợ thả được 135 triệu giống rươi trên diện tích 90 ha; trồng và cấp giấy chứng nhận lúa (gạo) hữu cơ cho 90 ha. Các chỉ tiêu sản lượng cũng đã thực hiện theo mục tiêu Dự án như: Năng xuất rươi 350 - 400 kg/ha, kích cỡ thu hoạch khoảng 1.000 – 1.200 con/kg.

Mới đây, khoảng 8 triệu con giống rươi đã được thả trên diện tích 2ha của gia đình ông Phạm Văn Vinh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mới đây, khoảng 8 triệu con giống rươi đã được thả trên diện tích 2ha của gia đình ông Phạm Văn Vinh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năng suất lúa (trên ruộng rươi) đạt từ 80 – 90 kg/sào, sản lượng đạt 85 – 90 tấn lúa hữu cơ. Dự án cũng đã giúp hình thành các vùng rươi được người dân đầu tư bài bản, áp dụng kỹ thuật canh tác và nhân rộng trên địa bàn 3 địa phương với diện tích khoảng trên 150ha (Đông Triều 60ha, Uông Bí 70ha, Quảng Yên 20ha).

Để tiếp tục triển khai, ứng dụng kỹ thuật mới trong canh tác rươi - lúa, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã vận động Công ty TNHH Dịch vụ Phương Anh (TP Hải Phòng) và hộ gia đình ông Phạm Văn Vinh (xã Xuân Sơn, thị xã Đông Triều) cùng bỏ kinh phí, phối hợp triển khai mô hình xã hội hóa công tác khuyến nông (không sử dụng ngân sách nhà nước), áp dụng phương pháp nuôi mới giúp tăng sản lượng, chất lượng rươi.

Công ty TNHH Dịch vụ Phương Anh hiện nay đã làm chủ công nghệ sản xuất giống bằng kỹ thuật lưu giữ giống rươi bố mẹ, có thể cung cấp giống quanh năm và nghiên cứu bổ sung thức ăn tự chế từ phụ phẩm nông nghiệp trong suốt quá trình sinh trưởng của rươi.

Mới đây, Công ty TNHH Dịch vụ Phương Anh đã bàn giao gần 8 triệu con giống cho hộ ông Phạm Văn Vinh để thả trên diện tích 2ha đầm thực hiện mô hình.

Theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, đây là mô hình rất có ý nghĩa thực tiễn để chủ động bổ sung mật độ rươi, mặc dù đã thả giống muộn (mùa vụ thích hợp thả giống từ tháng 9 – 12 (âm lịch), nhưng với kỹ thuật bổ sung thức ăn tự chế từ phụ phẩm nông nghiệp, sẽ có thể thu hoạch vào khoảng tháng 10 – 12 (âm lịch) năm 2022. Trung tâm sẽ tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi mô hình, tài liệu hóa các bước triển khai để có thể tiếp tục triển khai chương trình phát triển vùng rươi - lúa hữu cơ ở cấp độ cao hơn.

Rươi là đặc sản của các tỉnh có cửa sông nước lợ ven biển Bắc Bộ. Tại Quảng Ninh, vùng rươi phân bố tự nhiên ven các sông trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 460ha, trong đó, tại thị xã Đông Triều là 108ha, TP Uông Bí trên 281ha và tại thị xã Quảng Yên trên 70ha.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.