| Hotline: 0983.970.780

Nhiều lợi ích từ mô hình lúa - rươi

Thứ Tư 15/12/2021 , 07:45 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi không chỉ giúp tạo môi trường thuận lợi để bảo tồn nguồn lợi rươi tự nhiên mà còn gia tăng nhiều khoản thu nhập cho người dân.

Giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề

Xã An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) là địa phương có truyền thống trong nghề khai thác rươi, đây là nguồn lợi tự nhiên mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Để bảo vệ và khai thác rươi, theo cách làm truyền thống trước đây, người dân chỉ tập trung giữ gìn môi trường sống của rươi mà ít quan tâm đến việc thâm canh lúa trên phần diện tích này.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh (xã An Thanh) cùng một số thành viên mạnh dạn đưa các giống lúa chất lượng cao về trồng tại ruộng rươi. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh (xã An Thanh) cùng một số thành viên mạnh dạn đưa các giống lúa chất lượng cao về trồng tại ruộng rươi. Ảnh: Trung Quân.

Nhận thấy sự lãng phí, ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh (xã An Thanh) đã cùng một số thành viên mạnh dạn đưa các giống lúa chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng về trồng tại ruộng rươi nhà mình. Kết quả không ngờ khi các giống lúa rất thích hợp với ruộng rươi, khả năng sinh trưởng và phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng gạo cao hơn so với đất trồng thuần lúa trước đây.

Ông Luận chia sẻ: Khi tập trung đẩy mạnh canh tác lúa trên ruộng rươi, phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như vừa phải bảo đảm giữ được môi trường trong sạch cho rươi trú ngụ, sinh trưởng và phát triển, vừa phải giữ cho lúa không bị sâu bệnh, đạt năng suất cao. Bởi môi trường sống của rươi rất sạch, chỉ cần nước ô nhiễm hoặc có thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì sẽ thất thu, trong khi đây vẫn là nguồn thu chính. 

Vì vậy, canh tác lúa trên ruộng rươi tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học hay bất cứ sự can thiệp bằng hóa chất nào khác để tránh ảnh hưởng đến ấu trùng rươi phát triển dưới mặt ruộng lúa. Việc làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh cho lúa được thực hiện bằng biện pháp thủ công.

Bên cạnh đó, HTX đã chọn lựa rất kỹ lưỡng trong khâu giống, đảm bảo phù hợp với đồng đất và có khả năng kháng sâu, bệnh. Ngoài ra, HTX vận dụng phương pháp cấy thưa để giảm rầy nâu, cấy sớm hơn trà chính vụ khoảng 15 ngày để tránh lứa sâu cuốn lá, đạo ôn cổ bông...

Toàn bộ rơm rạ sau khi thu hoạch được ủ hoai mục bằng men vi sinh sử dụng làm phân bón. Đồng thời, kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ nước ngoài và phân hữu cơ chuyên dụng của đơn vị có uy tín.

Mô hình 'vùng cải tạo hữu cơ để khai thác rươi, cáy trên ruộng lúa' giúp thu hoạch được cả 3 sản phẩm rươi, lúa, cáy. Ảnh: HTX.

Mô hình “vùng cải tạo hữu cơ để khai thác rươi, cáy trên ruộng lúa” giúp thu hoạch được cả 3 sản phẩm rươi, lúa, cáy. Ảnh: HTX.

Cùng lúc thu 3 sản phẩm

Qua quá trình trồng các giống lúa chất lượng cao trên ruộng rươi, ông Luận và nhiều thành viên HTX nhận ra rằng, việc kết hợp sản xuất lúa trên ruộng rươi mang lại rất nhiều lợi ích khi được thu cả ba sản phẩm là lúa, rươi, cáy.

Theo đó, khi canh tác lúa, HTX sử dụng các loại phân bón hữu cơ đã ủ hoai mục, phân hữu cơ nhập nội để bót lót cho ruộng, giúp đất tơi xốp, tạo nguồn thức ăn và môi trường sống lý tưởng cho rươi. Ngược lại, theo nghiên cứu về quá trình sinh trưởng của rươi thì trước khi rươi ngoi lên mặt nước để thực hiện quá trình giao phối và sinh sản, đã để lại một phần cơ thể trong bùn đất.

Phần cơ thể đó cùng với phù sa lắng đọng vùng cửa sông trở thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý báu cho lúa phát triển. Bên cạnh đó, ruộng lúa có rươi trú ngụ chính là sự kiểm định đặc biệt cho chất lượng gạo được trồng.

Trên cơ sở đó, vụ mùa năm 2021, HTX đã liên kết với doanh nghiệp triển khai mô hình “vùng cải tạo hữu cơ để khai thác rươi, cáy trên ruộng lúa”. Đặc biệt, HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi với diện tích 5 ha, sử dụng giống ST25, trong khu quy hoạch cánh đồng mẫu lớn theo liên kết chuỗi 7 nhà giai đoạn 2021 - 2031 thuộc xã An Thanh.

Vụ mùa 2021, HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh đã liên kết với Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) sản xuất lúa ST25 trên ruộng rươi đã cho năng suất 2 tạ/sào. Ảnh: HTX.

Vụ mùa 2021, HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh đã liên kết với Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) sản xuất lúa ST25 trên ruộng rươi đã cho năng suất 2 tạ/sào. Ảnh: HTX.

Ông Phạm Xuân Luận cho hay: Với lợi thế về các yếu tố môi trường (đất, nước…) an toàn của ruộng rươi, giống lúa ST25 sinh trưởng và phát triển rất tốt, khi thu hoạch đạt năng suất 2 tạ/sào. Công ty thu mua toàn bộ sản lượng với giá 8.000 đồng/kg (lúa tươi), chưa trừ chi phí HTX thu về hơn 200 triệu đồng.

Cũng theo ông Luận, trung bình mỗi năm HTX thu hoạch được khoảng 100 tấn rươi, 80 - 90 tấn cáy, với giá bán rươi từ 400.000 - 450.000 đồng/kg (có thời điểm giá bán trên 600.000 đồng/kg), HTX thu về 400 - 450 triệu/năm, chưa tính thu nhập từ cáy.

Bên cạnh đó, do canh tác an toàn nên sản phẩm rươi, cáy của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, lúa OCOP 3 sao. Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX được thị trường rất ưa chuộng, luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Phát triển lúa - rươi bền vững

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tứ Kỳ cho biết: Nhận thấy các sản phẩm từ rươi, cáy và gạo hữu cơ đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, nhiều gia đình đang dần thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống sang mô hình sinh thái sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy.

Để người dân yên tâm gắn bó và làm giàu từ đồng ruộng, chính quyền tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ về giống, phân bón... Đầu tư đồng bộ trong việc cải tạo đồng ruộng, hệ thống kênh dẫn nước khai thác rươi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, điều tiết nước hợp lý, hướng dẫn cách sử dụng phân bón chuyên dùng cho ruộng rươi, chế phẩm sinh học

UBND huyện Tứ Kỳ, đã phê duyệt đề án mở rộng vùng sản xuất lúa khai thác rươi, cáy thêm 214 ha. Ảnh: Trung Quân.

UBND huyện Tứ Kỳ, đã phê duyệt đề án mở rộng vùng sản xuất lúa khai thác rươi, cáy thêm 214 ha. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo ông Tuấn, từ tháng 4 năm 2020, bằng nguồn vốn đầu tư của Bộ NN-PTNT, cống Sồi đê hữu sông Thái Bình ở xã An Thanh được thay thế cống mới và đã được đưa vào sử dụng. Cống Sồi không chỉ đảm nhiệm tưới tiêu cho hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp trong đê hữu sông Thái Bình của xã An Thanh, mà còn tạo điều kiện cho người dân địa phương mở rộng diện tích gieo cấy lúa hữu cơ trong vùng nội đồng để khai thác rươi và cáy.

Hiện nay, huyện Tứ Kỳ đã phê duyệt đề án mở rộng vùng sản xuất lúa khai thác rươi, cáy thêm 214 ha phía trong đê thuộc xã An Thanh.

Việc mở rộng, khai thác diện tích nuôi rươi không chỉ tăng sản lượng khai thác, mà còn phát triển vùng du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, bảo tồn nguồn lợi từ thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.