| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp - mô hình tiêu biểu

Áp dụng quy trình chuẩn sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê

Thứ Hai 15/11/2021 , 07:20 (GMT+7)

Người dân nếu ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê không đúng cách sẽ làm chậm quá trình phân giải dẫn đến giảm hiệu lực của phân bón.

Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã xây dựng một quy trình chuẩn, tạo men vi sinh để sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê để chuyển giao cho người dân.

Vườn cây xanh tốt khi bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê

Vườn cà phê bỏ bằng phân hữu cơ làm từ vỏ cà phê của ông Nguyễn Xuân Thành (ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cây xanh tốt, quả to. Hơn 1ha cà phê trước đây của gia đình ông cây phát triển không tốt, năng suất thấp.

Sau 3 tháng ủ, phân hữu cơ từ vỏ cà phê có thể bón cho cây trồng. Ảnh: Quang Yên.

Sau 3 tháng ủ, phân hữu cơ từ vỏ cà phê có thể bón cho cây trồng. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Thành, trước đây gia đình thường tận dụng vỏ sống chưa qua xử lý để bón vào gốc cà phê. Với cách bón này chỉ có tác dụng làm cho đất tơi xốp và hạn chế được cỏ dại, lượng dinh dưỡng mà rễ cây hấp thu được từ vỏ là rất ít.

Tuy nhiên, khi gia đình để vỏ cà phê như vậy một số vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh cho cây cà phê như nấm gây bệnh gỉ sắt, nấm gây bệnh đốm mắt cua, nấm gây bệnh nấm hồng phát triển gây hư hại cây trồng.

“Từ khi được bón bằng phân hữu cơ và thêm các loại phân hóa học khác cây cà phê phát triển tốt, lá xanh đều. Năng suất luôn đạt hơn 3 tấn/ha”, ông Thành nói.

Dẫn chúng tôi vào nhiều vườn cà phê sử dụng phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê trồng, kỹ sư Nguyễn Hải Dương, Cán bộ kỹ thuật Trung tâm chuyển giao công nghệ Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên liên tục khen vườn đạt chất lượng.

Theo kỹ sư Dương sau khi thu hoạch chúng ta tận dụng vỏ cà để ủ thành phân hữu cơ bón lại cho cây trồng. Việc này vừa tiết kiệm chi phí, hệ thống rễ cây cà phê phát triển tốt hơn, từ đó cho quả to, lượng trái đều hơn so với bỏ phân thông thường.

“Sử dụng phân hữu cơ từ vỏ cà phê không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi. Phần này giúp cải thiện kết cấu, độ xốp và độ phì nhiêu của môi trường đất, cân bằng hệ vi sinh vật trong môi trường đất.

Đặc biệt, phân hữu cơ từ vỏ cà phê có tác dụng phân hủy, chuyển hoá các chất hữu cơ khác trong đất để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Phân cũng có tác dụng nâng cao được hệ số sử dụng phân khoáng bón cho cây trồng, dẫn đến giảm thiểu lượng phân hoá học rữa trôi xuống tầng nước ngầm hay thăng hoa vào môi trường không khí gây ô nhiễm môi trường”, kỹ sư Dương nói.

Kỹ sư Nguyễn Hải Dương cho biết, quy trình ủ vỏ cà phê gồm có 6 bước. Bước 1 là chuẩn bị vỏ cà phê, phân chuồng, men vi sinh, đường mật mía để hoạt hóa tạo thanh khối. Bước 2 là trộn các nguyên vật liệu lại với nhau. Bước thứ 3 là vuông đống lần 1. Bước 4 là sau 1 tháng sẽ lật tung đống ủ để trộn đều. Bước 5 là vuông lại đống trộn. Bước 6 là sau 3 tháng có thể sử dụng phân ủ này bón cho vườn cây.

“Trong ủ cà phê, người dân cần lưu ý đến việc hoạt hóa men để làm tăng số lượng vi sinh. Luôn kiểm tra độ ẩm của đống ủ, nếu thấy khô, phải tưới thêm nước. Đôi khi ở lớp ngoài và bề mặt trên của đống ủ rất ẩm, nhưng bên trong thì rất khô, nên phải tưới nước để đống ủ ẩm hơn cho vi sinh vật hoạt động tốt. Người dân khi ủ cần được duy trì từ 50 - 60% độ ẩm thì mới hoai mục nhanh chứ không để cả năm cũng không thành phân”, kỹ sư Dương nói.

Xây dựng quy trình chuẩn

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết để giúp người dân ủ đúng cách và phát huy hiệu quả của phân hữu cơ từ vỏ cà phê, Viện đã nghiên cứu loại men vi sinh chuyên dụng. Ngoài ra, Viện cũng xây dựng một quy trình ủ phân hữu từ vỏ cà phê.

Nhờ được bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê đúng quy trình nên cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ được bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê đúng quy trình nên cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Hà, nếu người dân không ủ đúng cách, khi đưa vỏ cà phê ra bón cho cây trồng thì sẽ làm chậm quá trình phân giải dẫn đến giảm hiệu lực của phân bón.

“Người dân ủ không đúng cách sẽ làm mất dinh dưỡng trong phân. Dinh dưỡng trong các thành phần phân rất nhiều nhưng chúng ta ủ không đúng cách thì sẽ mất hết chất dinh dưỡng và khi bón cho cây trồng hiệu quả sẽ không cao”, tiễn sĩ Hà nói.

Vị tiến sĩ cho biết thêm, Viện đã xây dựng một quy trình để ủ vỏ cà phê thành phân hữu cơ. Nếu người dân làm theo quy trình này thì sẽ tạo ra phân hữu cơ tốt hơn.

“Khi bón phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê thì sẽ giúp cải tạo đất và tăng hiệu lực sử dụng phân bón hóa học cho cà phê cũng như các loại cây trồng khác. Đây là loại phân hữu cơ vi sinh nên khi chúng ta đã bón vào đất thì sẽ cũng cấp lượng vi sinh vật có ích cho đất, giúp cây trồng chống được những loại bệnh từ đất. Nói chung, người dân bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích trong đất phát triển và có tác dụng cải tạo đất”, ông Hà nói.

Ngoài ra, theo ông Hà, cách đây một vài năm, người dân tại Đăk Lăk đã sử dụng vỏ cà phê như một giá thể để nuôi nấm mèo. Do tính chất giàu dinh dưỡng của vỏ cà phê nên việc sản xuất cây nấm mèo rất là tốt. Hiện tại một số người dân vẫn sử dụng vỏ cà phê để làm giá thể để nuôi nấm.

“Ngoài ra, người dân làm than sinh học (biochar). Đây là loại than khó phân hủy. Nếu người dân đưa vào đất thì nó có thể tồn tại hàng nghìn năm. Than này có tác dụng rất nhiều trong cải tạo hoạt tính của đất. Đặc biệt nó giúp rất nhiều khi vấn đề đất Tây Nguyên đang gặp phải là cải tạo độ pH xuống thấp và cải thiện môi trường đất, giúp sinh vật phát triển. Đây là mục tiêu chúng ta đưa ra biện pháp cải tạo đất về lâu dài cho Tây Nguyên”, tiến sĩ Hà nhấn mạnh.

Vị Phó viện trưởng cho biết thêm hiện người dân sử dụng phân ủ từ vỏ cà phê rất nhiều. Để giúp việc sử dụng phân hữu cơ từ vỏ cà phê rộng rãi, Viện đã khuyến cáo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền lợi ích của loại phân bón này. Về phía Viện sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn để chuyển giao quy trình sản xuất. Như vậy giúp người dân biết cách sản xuất phân bón hữu cơ một cách hiệu quả.

“Điều quan trọng hiện nay là việc chuyển giao quy trình để người dân làm đúng cách. Việc này giúp người dân tận dụng hiệu quả cao nhất của loại phân này. Ở Viện đã tổ chức hàng chục nghìn lượt nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê. Tuy nhiên, Viện ở xa nên chế phẩm nên người dân chưa được tiếp cận nhiều. Về tương lai, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để giúp người dân tiếp cận tốt hơn đối với chế phẩm này”, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhấn mạnh.

Gần 20 năm trước, Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhận thấy vỏ cà phê có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

Từ năm 2005 - 2008, Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên có đề tài khoa học nghiên cứu men vi sinh để hoàn thiện chế phẩm ủ cà phê. Sau 3 năm nghiên cứu thử nghiệm, Viện đã chế tạo được chế phẩm vi sinh để sử dụng cho việc ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê.

Hiện phân vi sinh được Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với cơ quan chức năng, các công ty nông nghiệp chuyển giao quy trình kỹ thuật để đưa đến tay người nông dân.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).