| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp - mô hình tiêu biểu

Vỏ cà phê, nguyên liệu hữu ích: Đầu vào dồi dào làm phân bón hữu cơ

Thứ Tư 10/11/2021 , 08:13 (GMT+7)

Trước đây, sau khi xay xát lấy nhân, vỏ cà phê thường được đem đốt bỏ, nhưng hiện nay phụ phẩm này đã được người dân Tây Nguyên sử dụng triệt để.

Tây Nguyên có diện tích 54,7km2 với thế mạnh phát triển nông nghiệp và nhiều loại cây trồng khác nhau. Đây là khu vực đất đỏ bazan được đánh giá là thiên đường để trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, cao su, tiêu... Trong đó, cà phê được trồng với diện tích 630.000ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 1,5 triệu tấn.

Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên trộn vỏ cà phê với men vi sinh và thành phần khác để ủ phân hưu cơ. Ảnh: Quang Yên.

Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên trộn vỏ cà phê với men vi sinh và thành phần khác để ủ phân hưu cơ. Ảnh: Quang Yên.

Tiềm năng lớn

Các tỉnh Tây Nguyên có địa hình dốc bị chia cắt mạnh cộng với việc khai thác đất không hợp lý, không đúng kỹ thuật của người dân nên làm suy thoái sức sản xuất của đất. Trong đó, đất bị sụt giảm hàm lượng chất hữu cơ, độ phì, từ đó cấu trúc đất cũng bị sụt giảm theo.

Sau thời gian sản xuất có thể khẳng định vai trò thiết yếu của phân hữu cơ trong việc duy trì độ phì nhiêu của đất, ổn định năng suất cây trồng, góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, hiện nguồn phân hữu cơ từ chất thải của gia súc ngày càng khan hiếm không đủ để đáp ứng cho canh tác nông nghiệp của Tây Nguyên. Trong khi đó, vỏ quả cà phê (VCP) là một nguồn hữu cơ quý, có sẵn lại rất rẻ.

Theo tính toán, lượng vỏ cà phê tại Tây Nguyên mỗi năm khoảng gần 1 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ có thể chế biến thành nguồn phân hữu cơ phục vụ tái sản xuất và làm nguyên liệu cho việc trồng nấm.

Thực tế, theo một nghiên cứu thì hiện nay trên 90% lượng vỏ cà phê đã được các đơn vị, doanh nghiệp và người dân Tây Nguyên tận dụng rất tốt để chế biến làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Người dân chỉ cần bỏ ra công lao động, vỏ cà phê và tiền để mua men sinh học, phân chuồng (nếu gia đình không có), đường ăn. Từ đó, người dân có thể sản xuất ra phân hữu cơ sinh học đạt chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 30% so với phân cùng loại bán trên thị trường.

Sau khi trộn đều các thành phần, đống ủ được phủ bạt để tạo hoai mục. Ảnh: Minh Hậu.

Sau khi trộn đều các thành phần, đống ủ được phủ bạt để tạo hoai mục. Ảnh: Minh Hậu.

Do đó, người dân có thể tiết kiệm được một lượng kinh phí đáng kể để đầu tư cho công việc khác. Mặt khác, bón phân hữu cơ sinh học từ vỏ cà phê giúp cây trồng phát triển, góp phần ổn định năng suất, giảm được lượng phân khoáng là hướng đi đầy tiềm năng để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Giúp nông dân tiết kiệm chi phí

Hiện vỏ cà phê có thể ủ với các nguyên vật liệu khác để tạo thành phân hữu cơ sinh học. Hoặc người dân thể chuyển một phần vỏ cà phê sang làm than sinh học (biochar) để bón cho cà phê vì có tác dụng cải tạo đất tốt và lâu dài.

Ông Lê Văn Hùng (ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cho biết, phân hữu cơ vi sinh được tận dụng sản xuất từ vỏ cà phê sau khi thu hoạch. Chúng ta đưa các phế thải đi ủ phân rồi bón lại cho cây cà phê, cung cấp một lượng dinh dưỡng nhất định.

“Việc bón phân hữu cơ cà phê có thể giúp người dân tận dụng được các phế phẩm từ quả cà phê. Từ đó, tiết kiệm được vốn đầu tư vào vườn cây và giúp cho vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao”, ông Hùng nói.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Chư Kpô, Đăk Lăk) có 4ha cà phê nên số lượng vỏ sau khi thu hoạch rất lớn. Theo ông Thanh, những năm gần đây sau khi thu hoạch gia đình đều tận dụng vỏ cà phê để ủ với phân chuồng và men vi sinh tạo ra phân bón hữu cơ.

“Việc tạo phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê như vậy giúp gia đình tiết kiệm được 2/3 số tiền bỏ ra mua phân bón cho vườn. Diện tích cà phê được bỏ phân hữu cơ làm từ vỏ cà phê cũng làm cho đất màu mỡ, tơi xốp hơn, từ đó nâng cao sản lượng”, ông Thanh nói.

Những vườn cà phê được bỏ phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê xanh tốt, sai trái. Ảnh: Quang Yên.

Những vườn cà phê được bỏ phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê xanh tốt, sai trái. Ảnh: Quang Yên.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) có chung quan điểm việc sử dụng vỏ cà phê làm phân hữu cơ rất tốt cho đất và cây trồng.

Theo ông Trọng, sau khi thu hoạch cà phê, HTX tận dụng vỏ để ủ với phân chuồng và men vi sinh tạo thành phân hữu cơ. Đối với những khu vực bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê thì đất tơi xốp, giun sinh sống rất tốt so với bón phân hóa học.

“Việc bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê giúp cây tiêu, cà phê phát triển tốt, năng suất cao hơn. Dùng các loại phân hữu cơ thì lại tốt cho cả cây và đất. Nó không chỉ tăng lượng muối khoáng, chất vi lượng mà còn làm đất tơi xốp, góp phần cải tạo đất. Tây Nguyên có một lượng vỏ cà phê dồi dào nếu tận dụng tốt để tạo thành phân hữu cơ thì sẽ giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí và giữ cho môi trường được bền vững”, ông Trọng nói.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên: “Hiện chúng tôi có một nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tận dụng từ vỏ cà phê. Lượng phân bón do nhà máy sản xuất đã đảm bảo cho công tác chăm sóc cho hơn 50ha cà phê của Viện. Viện là đơn vị tiên phong tận dụng tất cả phụ phẩm của cà phê để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Nhờ có phân hữu cơ làm từ vỏ cà phê đã giúp đơn vị tiết kiệm được khoảng 10 - 15% lượng phân bón phải bỏ cho cây trồng”.

Cải tạo đất rất tốt

Trao đổi với phóng viên NNVN, tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu dùng vỏ cà phê để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Theo ông Hà, trước đây chúng ta không quan tâm đến dinh dưỡng trong vỏ cà phê. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chất dinh dưỡng trong vỏ cà phê là rất cao, có thể nói không thua gì chất lượng của các loại phân chuồng tốt nhất hiện nay trên thị trường.

“Chẳng hạn như đạm trên 2%, kali trên 5%, lân trên 1% và vi lượng rất lớn. Đây là nguồn nguyên liệu mà người dân khi sử dụng tốt sẽ là loại phân hữu cơ chất lượng cao”, tiến sĩ Hà nói.

Vị tiến sĩ cho biết thêm, theo tính toán của WASI, trên 1ha cà phê, nếu người dân sử dụng hoàn toàn vỏ cà phê ủ phân bón thì có thể tiết kiệm từ 10 - 15% chi phí.

“Nếu người dân làm việc này liên tục thì tiết kiệm sẽ nhiều hơn. Chúng ta biết nếu bón phân hữu cơ vào đất thì sẽ nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Lúc này, người dân bón phân hóa học thì cây trồng sẽ hút được nhiều dinh dưỡng hơn”, vị tiến sĩ thông tin.

Theo ông Hà, phân hữu cơ không thể thay thế phân hóa học vì với tập tục canh tác của Việt Nam vẫn ưu tiên năng suất. Do đó, người dân bón phân hữu cơ không thì sẽ không đáp ứng được điều này. Tuy nhiên, khi người dân sử dụng phân bón ủ từ vỏ cà phê thì sẽ cung cấp, thay thế từ 10-15% phân hóa học hiện có. Khi bón phân hữu cơ có một lợi thế là nó giúp cải tạo đất.

“Hiện nay đất cà phê tại Tây Nguyên bị thoái hóa rất nhiều, trong đó đất bị chua, chai cứng. Khi bón phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê sẽ giúp cải tạo đất và tăng hiệu lực sử dụng phân bón hóa học cho cà phê cũng như các loại cây trồng khác. Đây là loại phân hữu cơ vi sinh nên khi chúng ta đã bón vào đất thì sẽ cũng cấp lượng vi sinh vật có ích cho đất, giúp cây trồng chống được những loại bệnh từ đất. Nói chung, người dân bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích trong đất phát triển và có tác dụng cải tạo đất”, ông Hà nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.