| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục hec-ta hoa màu, thủy sản ở Quảng Trị bị thiệt hại do mưa lũ

Thứ Hai 18/10/2021 , 18:26 (GMT+7)

Ngày 18/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lượng mưa đã giảm, người dân và chính quyền đang tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Cây ném vụ đông của người dân xã Hải Ba bị mưa lũ gây hư hại. Ảnh: Công Điền.

Cây ném vụ đông của người dân xã Hải Ba bị mưa lũ gây hư hại. Ảnh: Công Điền.

Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị hư hại

Thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho thấy, tính đến 11h ngày 18/10, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân đã bị thiệt hại do mưa lũ trong các ngày 16-17/10.

Cụ thể, tỉnh Quảng Trị đã có 12,65 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó tập trung tại huyện Gio Linh với 12,05 ha và tại thành phố Đông Hà với 0,6 ha.

Ngoài ra, 7 ha rau màu của người dân phường Đông Giang, Đông Thanh, thành phố Đông Hà cũng bị nước lũ nhấn chìm, không thể phục hồi. Hồ tôm của một hộ dân ở thành phố Đông Hà bị vỡ bờ với chiều dài 350m. Hiện công tác thống kê thiệt hại đang được chính quyền địa phương gấp rút thực hiện.

Tại huyện Hải Lăng, trong các ngày từ 16 -17/10, do ảnh hưởng của mưa lũ, các tuyến tỉnh lộ đã bị ngập nhiều đoạn như: ĐT 582 đoạn qua xã Hải Định, ĐT 581, đường liên xã Tân - Sơn - Hòa.

Các tuyến đường giao thông ở trong khu dân cư tại khu vực ven sông, thấp trũng như: thôn Mai Đàn, Trường Phước xã Hải Lâm; các tuyến đường thôn, xóm của các xã Hải Định, Hải Phong… đã bị ngập, có nơi đến 0,7m.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, từ ngày 17/10, một số khu vực thấp trũng trên địa bàn huyện đã bị ngập sâu từ 1-2m. Trước tình hình đó, địa phương đã khẩn trương chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện COVID - 19, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động kê cao đồ đạc, máy móc, vật dụng thiết yếu để tránh thiệt hại.

Riêng tại xã Hải Ba, một số đoạn của tuyến đê cát bị xói lở khiến nước lũ tràn vào đã ảnh hưởng đến diện tích rau màu sản xuất vụ đông, chủ yếu là cây ném, mướp đắng và khoai lang. Sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khắc phục kịp thời nên đã giảm được thiệt hại cho diện tích hoa màu trên vùng cát.

Đến sáng 18/10 nhiều tuyến đường tại huyện Hải Lăng vẫn còn ngập nước. Ảnh: Công Điền.

Đến sáng 18/10 nhiều tuyến đường tại huyện Hải Lăng vẫn còn ngập nước. Ảnh: Công Điền.

Ông Võ Viết Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ba, huyện Hải Lăng cho biết, vụ đông năm nay toàn xã gieo trồng được khoảng 90 ha hoa màu. Mưa lũ trong những ngày qua đã làm nhiều diện tích khoai lang bị chìm trong nước nhiều ngày. Khả năng phục hồi đối với diện tích khoai lang ngày không nhiều. Hiện xã đang tập trung chỉ đạo người dân khắc phục diện tích ném, mướp đắng để kịp tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Được biết, vụ đông năm nay, toàn huyện Hải Lăng gieo trồng được gần 400 ha hoa màu, gồm ném, mướp đắng, ngô, sắn, khoai lang... Riêng cây ném chiếm hơn 1/2 diện tích với khoảng 200 ha. Qua ghi nhận từ người dân, nếu không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ thì đây là nguồn thu nhập đáng kể trong thời kỳ giáp hạt.

Đối với diện tích hoa màu vụ đông bị hư hại, hiện người dân đang tập trung khắc phục để tránh hư hại thêm.

Các địa phương vùng cao nước đã rút

Mưa lớn trong các ngày 16 -17/10 đã gây chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc địa bàn huyện miền núi Đakrông, Hướng Hoá.

Tại huyện Đakrông, tràn Tà Rụt - A Vao trên đường vào trung tâm xã A Vao; tràn Ba Lòng, xã Ba Lòng; cầu Tràn Đá Đỏ, xã Ba Nang; tràn Ly Tôn, xã Tà Long; cầu tràn khu tái đinh cư Húc Nghì, xã Húc Nghì; tràn Khe Nghi, Kreng bản Gia Giã, xã Hướng Hiệp; tràn Làng Cát, cầu tràn Chân Rò, Tà Lềnh thuộc xã Đakrông; tràn Đakrông bản A Rồng thuộc xã A Ngo (trên tuyến quốc lộ 15D); tràn La Hoi, A Liêng, xã Tà Rụt mực nước ngập sâu (0,5-2m) gây chia cắt đường vào trung tâm các xã Ba Nang, A Vao…

Lực lượng chức năng chốt chặn ở các địa điểm nguy hiểm. Ảnh: PV.

Lực lượng chức năng chốt chặn ở các địa điểm nguy hiểm. Ảnh: PV.

Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây bị ngập nhiều điểm, nặng nhất là tại Km 265 thuộc địa phận xã Tà Long, mực nước cao 0,5m chiều dài khoảng 20m gây chia cắt giao thông đi lại.

Đến trưa 18/10, nước tại các cầu tràn, ngầm tràn trê địa bàn huyện Đakrông đã rút, cơ bản đi lại được, riêng ở cầu tràn xã Ba Lòng nước vẫn đang ngập mực nước vượt mặt tràn khoảng 2m trung tâm xã Ba Lòng vẫn đang bị chia cắt. Các điểm ngập trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây nước cũng rút dần, giao thông đã thông suốt.

Trong khi đó, tại huyện Hướng Hóa, mưa lớn cũng làm một số cầu tràn từ bản Cha Ly đi vào bản Cuôi, Tri mực nước dâng cao và chia cắt giao thông đi lại; tràn bản Sê Pu đi bản Cu Bai và bản Tà Păng nước ngập tràn và chia cắt giao thông khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Một số cầu tràn bản Giai, bản 2, bản 3, Úp Ly 2 mực nước dâng cao và chia cắt giao thông đi lại.

Hiện tại, nước đã rút và người dân đã có thể lưu thông qua lại.

Tại huyện Đakrông, mưa lũ đã cuốn trôi 1 người mất tích. Người bị cuốn trôi được xác định là anh H.V.D (sinh năm 2001, trú khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa). Thông tin ban đầu, người này đi bóc vỏ tràm thuê, không may sẩy chân xuống suối và bị cuốn trôi khi lội qua tràn bản Ly Tôn xã Tà Long vào lúc 18h30 ngày 16/10. Đến chiều 18/10, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất