| Hotline: 0983.970.780

Áp thấp nhiệt đới khả năng cao mạnh lên thành bão số 7

Thứ Hai 12/10/2020 , 11:24 (GMT+7)

Dự báo 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15-20km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão số 7.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp bàn phương án đối phó với áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp bàn phương án đối phó với áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và tan dần. Trong khi đó trên vùng biển Đông Bắc biển Đông xuất hiện một ATNĐ mới. Dự báo 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15-20km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão số 7.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 12-13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế từ 200-400mm, có nơi trên 500mm; các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng từ 100-200mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng từ 80-150mm.

Hiện nay, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế dao động ở mức cao và lên chậm; các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông ở Quảng Ngãi, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống. Lũ trên sông Đắkbla tại Kon Tum đã đạt đỉnh là 521,16m (20h ngày 11/10), dưới BĐ3 0,34m và đang xuống.

Trong thời gian tới, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế tiếp tục dao động ở mức cao; sông Kiến Giang, Thạch Hãn lên lại, các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum xuống dần.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tính đến 22h ngày 11/10, còn 176 xã, phường, 94.277 hộ bị ngập (giảm 30 xã, phường/14.757 hộ so với ngày 10/10), độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,8m, cá biệt có nơi ngập sâu đến 3m (Quảng Bình 32 xã; Quảng Trị 80 xã; Thừa Thiên - Huế 54 xã/phường; Đà Nẵng 10 xã/phường, Quảng Nam 16 xã).

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Phú Yên có 85 vị trí đê điều xung yếu (71 đoạn đê, kè với tổng chiều dài 154,5km; 14 cống qua đê) và 37 công trình đang thi công dở dang cần sẵn sàng phương án ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 7.

Tính đến 22h ngày 11/10, có tổng số 17 tàu và 106 người bị nạn, trong đó 11 tàu bị chìm, 6 tàu bị sự cố, đã cứu hộ an toàn được 99 người, 3 người bị chết, 4 người mất tích. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục triển khai tìm kiếm người bị mất tích.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và ATNĐ trên biển Đông.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.

"Trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ trên biển Đông và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt là công tác quản lý, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển trú, tránh ATNĐ và tại các khu neo đậu, tránh để lặp lại các sự cố về tàu, thuyền những ngày vừa qua.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đã đầy nước", ông Trần Quang Hoài chỉ đạo.

Tính đến 22h ngày 11/10, đã có tổng cộng 18 người chết, 14 người mất tích; 382 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập; 108 điểm Quốc lộ, 8.656m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng, 584 ha lúa, 3.879 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141ha thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 150.489 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.