| Hotline: 0983.970.780

ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai

Thứ Ba 13/06/2023 , 18:59 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn các nước ASEAN cùng chung một tầm nhìn, một hành động nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Ngày 13/6 tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM).

Hội nghị có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong, hơn 60 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN.

ASEAN là khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai. Ảnh: L.K.

ASEAN là khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai. Ảnh: L.K.

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai nhất trên thế giới. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc về châu Á - Thái Bình Dương, các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán, thậm chí là động đất và sóng thần, đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm hơn 86 tỷ USD.

Thống kê từ năm 2012 - 2020 đã có trên 2.900 thảm họa, thiên tai xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có một số trận quy mô lớn như bão Bopha (2012) ở Philippines; bão Haiyan (2013) ở Philippines; động đất và sóng thần miền Trung Sulawesi (2018) ở Indonesia, bão Mangkhut (2018) ở Philippines và bão Damrey (2017) ở Việt Nam…

Trong bối cảnh như vậy, hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong quản lý thiên tai đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong sự hợp tác, cam kết đa ngành - đa lĩnh vực trong khu vực, cũng như với các đối tác ngoài khu vực. Giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030.

Ý tưởng về sự phối hợp trong ứng phó chung của các quốc gia ASEAN với các đợt thiên tai lớn đã được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ sau trận động đất và sóng thần Ấn Độ Dương 2004 tàn phá nhiều khu vực của các quốc gia. Có thể coi trận thiên tai này là động lực để ASEAN hoàn tất quá trình xây dựng Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, đặt nền móng cho các hoạt động về quản lý thiên tai giữa các quốc gia trong khu vực.

Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM). Trên cương vị này, Việt Nam đã và đang thể hiện tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong hợp tác ASEAN, trong đó quản lý thiên tai là một nội dung quan trọng trong trụ cột cộng đồng văn hóa - xã hội của hợp tác ASEAN.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn ASEAN không chỉ làm tốt công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho cộng đồng mà còn thực sự là 1 tổ chức dẫn dắt về quản lý rủi ro thiên tai ở trên toàn cầu. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn ASEAN không chỉ làm tốt công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho cộng đồng mà còn thực sự là 1 tổ chức dẫn dắt về quản lý rủi ro thiên tai ở trên toàn cầu. Ảnh: L.K.

Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là nghĩa vụ của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta chủ động dẫn dắt, nâng cao hiệu quả, vị thế và thể hiện vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng cộng đồng ASEAN và quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung.

“Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” là chủ đề do Việt Nam đề xuất và được cơ quan quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN thống nhất lựa chọn cho hợp tác khu vực về quản lý thiên tai năm 2023.

“Hành động sớm” tuy là một khái niệm mới đối với Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung, song về bản chất chính là các hoạt động, biện pháp can thiệp ngay trong giai đoạn phòng ngừa trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang chủ động triển khai dựa trên các dự báo, cảnh báo sớm hoặc phân tích rủi ro trước thiên tai.

Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và uy tín cao trong khối ASEAN. Để có thể đạt được vị thế nhất định trong khối ASEAN, ngoài yếu tố vị thế quốc gia, còn có một phần đóng góp quan trọng của các đại diện cho quốc gia.

Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT là cơ quan đầu mối tích cực tham gia hoạt động theo Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp và Hiệp định thành lập Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, ASEAN là một khu vực phát triển nhanh nên có nhiều vấn đề đang là thách thức như: môi trường, sự ổn định. Đặc biệt ASEAN cũng là khu vực dễ bị tổn thương về thiên tai. Năm 2005, ASEAN đã thành lập Ủy ban quản lý rủi ro về thiên tai. Chính ủy ban này sau thời gian hoạt động đã mang lại hiệu quả rất lớn trong ứng phó chung của ASEAN.

Năm nay với vai trò là Chủ tịch Ủy ban quản lý rủi ro về thiên tai, Việt Nam mong muốn ASEAN cùng một tầm nhìn, cùng một hành động và cùng một ứng phó trong phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, ASEAN sẽ phải tập trung hơn trong tất cả các vấn đề đặt ra trong phòng chống thiên tai từ truyền thông nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực, hỗ trợ thông tin và các hành động mà khi có thiên tai xảy ra.

“Với cách nhìn của Việt Nam, chúng tôi cũng rất mong muốn thông qua những hoạt động như thế này, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ có hành động, ứng phó và đặc biệt là có một cam kết mạnh mẽ hơn để ASEAN không chỉ làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho cộng đồng mà còn thực sự là tổ chức dẫn dắt về quản lý rủi ro thiên tai ở trên toàn cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Điều chỉnh chương trình đào tạo ngành nông nghiệp theo nhu cầu thị trường

Học viện Nông nghiệp đề xuất một số giải pháp trước thực tế tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã qua đào tạo giảm.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.