| Hotline: 0983.970.780

Bà con Vân Kiều mong có công trình lấy nước để trồng lúa

Thứ Hai 05/12/2022 , 13:18 (GMT+7)

Bà con dân tộc Vân Kiều (xã miền núi Trường Sơn tỉnh Quảng Bình), mong muốn được hỗ trợ xây dựng công trình thủy lợi để có thêm diện tích ruộng sản xuất lúa nước…

Gần trưa, chúng tôi đến bản Trung Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), trưởng bản Hoàng Văn Dũng đưa đi xem công trình thủy lợi đập tràn.

Theo trưởng bản thì công trình thủy lợi đập tràn Trung Sơn được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Công trình này có một đập tràn bê tông dài chừng hơn hai chục mét khá vững chắc. Phía trên lòng hồ, nước dâng lên chừng 3-5m.

“Từ hồi đó đến nay, nước trên lòng hồ lúc nào cũng đầy. Có năm hạn, mưa không có mà hồ vẫn không cạn nước mô”- trưởng bản Dũng cho hay.

11

Tuyến mương cuối nguồn không có nước nên đồng ruộng khô hạn. Ảnh: T.P

Từ đập tràn, có hệ thống đường ống bằng gang có đường kính khoảng 0,3m dẫn nước về tuyến mương nhỏ. Từ tuyến mương này, nước sẽ được đưa về tưới cho cánh đồng Rục rộng khoảng 10 ha để bà con làm lúa nước 2 vụ.

Ở vùng đất này, khi chưa có công trình thủy lợi đập Trung Sơn thì bà con làm lúa nương, phụ thuộc vào may rủi. Trời mưa nhiều thì có thu hoạch, trời hạn thì mất trắng.

Sau khi công trình thủy lợi đập Trung Sơn được đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn thì không phát huy hiệu quả. Theo nhiều người dân, nguyên nhân là do công trình xuống cấp.

Trưởng bản Hoàng Văn Dũng cho hay: “Mặt khác, trong quá trình thi công, tuyến mương cuối nguồn lại được đặt cao hơn tuyến ống dẫn nước đầu nguồn. Vì vậy, tuyến mương này không dẫn nước về được đồng ruộng. Từ lúc đưa vào hoạt động thì mương đã khô cho đến giờ. Chỉ có cỏ lau sậy mọc lên thôi”.

Đưa chúng tôi đến điểm đặt van khóa điều tiết nước thì thấy hệ thống van điều chỉnh nước cũng đã bị hư hỏng, không sử dụng được. “Cái van này hư rồi nên không thể điều chỉnh cho nước từ hồ chảy về ống mương dẫn ra mương nhỏ về ruộng. Từ đó, đã làm cho công trình giảm hiệu quả sử dụng”- trưởng bản  Dũng nói thêm.

22

Người dân bản Trung Sơn trồng sắn trên cánh đồng bị khô hạn. Ảnh: T.P

Trên cánh đồng, hiện bà con mới chỉ canh tác được gần 4 ha lúa nước 2 vụ. Lúa đang lên xanh. “Do có nước nên vụ nào cũng được mùa. Bà con mừng lắm”- trưởng bản Hồ Văn Dũng nói.

Diện tích gần 6 ha còn lại không có nước tưới nên bà con làm hoa màu trồng lạc, ngô, sắn… Nhưng vì không có nước nên cây sắn, cây lạc cũng èo uột, năng suất thấp.

Bà Hồ Thị Ta Buôn đang làm cỏ sắn, thấy chúng tôi thăm đồng nên dừng tay gửi gắm: “Bà con mong có được nước về để làm ruộng lúa thôi. Chứ trồng mấy cây sắn, cây lạc cũng không có gạo mà ăn mô. Năm mô cũng bị thiếu lương thực mà”.

 Hiện, bản Trung Sơn có 80 hộ dân phần lớn là bà con dân tộc Vân Kiều với gần 400 nhân khẩu. Theo ông Hồ Văn Dũng, để đảm bảo lương thực cho bà con thì Nhà nước gấp rút đầu tư lại tuyến thủy lợi này để có nước tưới cho 10 ha làm lúa 2 vụ. “Bà con rất mong và đã đề nghị lên cấp trên rồi đó”- trưởng bản Hồ Văn Dũng hy vọng.

Trên đường về thì anh Hồ Văn Kiu, trưởng bản Cây (xã Trường Sơn), đã đón để đưa chúng tôi đi xem cánh đồng làm lúa bị khô hạn.

Vùng đất dưới chân núi gần con suối Ông Tường, một phần diện tích bà con đang làm ngô, lạc và một phần đang bị hoang hóa. Trưởng bản Hồ Văn Kiu cho hay, trước đây bà con làm lúa nước được hơn 2 ha. Năm 2020, trận lũ lớn đẩy đất, cát lấp hết ruộng nên bà con đành chịu, đất để hoang phần nhiều. Diện tích trồng ngô, lạc cũng không được tốt vì thiếu nước.

33 (1)

Trưởng bản Hồ Văn Kiu nói: “Nếu có được đập ngăn khe Ông Tường thì khoảng 3,5 ha được bà con trồng lúa nước 2 vụ đấy”. Ảnh: T.P

Đi lên phía sưối Ông Tường, trưởng bản Hồ Văn Kiu ao ước: “Nếu được cấp trên đầu tư cho con đập ngăn ở suối Ông Tường, rồi nước theo mương dẫn về cánh đồng thì bà con cũng làm được khoảng 3,5 ha lúa 2 vụ. Như vậy là lương thực cũng được đủ trông nhà đó mà”.

Bản Cây Sú có 41 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Đời sống của bà con chủ yếu trồng trọt nương rẫy nên rất muốn có được vùng đất chủ động nước tưới để làm lúa 2 vụ ăn chắc, góp phần ổn định lương thực.

“Chỉ cần có con đập ngăn dòng suối Ông Tường vầ hệ thống kênh dẫn nước về là bà con chủ động sản xuất lúa nước hai vụ. Tiền đầu tư cũng không nhiều đâu, nhưng mà bà con hưởng lợi được lâu dài và không còn cảnh thiếu lương thực”- trưởng bản Hồ Văn Kiu bộc bạch thêm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất