| Hotline: 0983.970.780

Ba lần hoãn cưới, nhìn nhau qua... hàng rào

Thứ Hai 21/02/2022 , 10:05 (GMT+7)

Dịch Covid-19 bùng phát, nhân viên, y bác sĩ phải hoãn đám cưới, tạm gác niềm vui riêng, hạnh phúc riêng để cùng đồng đội tham gia tuyến đầu chống dịch, chăm sóc người bệnh.

Đại úy Lê Quang Vinh, bác sĩ khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Quân y 175) và Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Thoa (điều dưỡng - tổ điều trị Vùng 4 hải quân). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại úy Lê Quang Vinh, bác sĩ khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Quân y 175) và Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Thoa (điều dưỡng - tổ điều trị Vùng 4 hải quân). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ba lần hoãn cưới

Yêu nhau được ba năm, Đại úy Lê Quang Vinh, bác sĩ khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Quân y 175) và Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Thoa (điều dưỡng - tổ điều trị Vùng 4 hải quân) dự định sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 9/2021. Thế nhưng, đúng lúc ấy, TP.HCM rơi vào đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 căng thẳng và khốc liệt. Đại úy Vinh được điều động tăng cường làm bác sĩ điều trị cho Trung tâm điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện (BV) Quân y 175; còn Thiếu úy Thoa được tăng cường cho BV Dã chiến số 4 Tổng cục hậu cần tại Khánh Hòa. Cả hai đã cùng phải trải qua thời điểm rất căng thẳng khi ấy.

Một bên là áp lực bệnh nhân, một bên là áp lực từ gia đình, bởi khi ấy họ đã định ngày chụp hình cưới, tất cả mọi việc cho một đám cưới đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng họ đã phải hoãn lại hạnh phúc riêng để thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm khó khăn chung của cả nước.

Và rồi họ xa nhau 6 tháng, người ở Sài Gòn, người ở Khánh Hòa, chỉ có thể nhắn tin cho nhau, nhìn nhau qua zalo, động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Ở trong tâm dịch, nỗi lo lớn nhất lúc đó không phải cho bản thân mình, mà em lo cho anh ấy, sợ anh ấy nhiễm bệnh. Dù phải hoãn cưới, nhưng em không buồn lắm, bởi em nghĩ, nhiều anh chị đồng nghiệp cũng ở trong hoàn cảnh như mình”, Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Thoa tâm sự.

Chúng tôi vinh dự được chứng kiến buổi chụp hình album cưới của Đại úy Vinh và Thiếu úy Thoa ngay trên nóc đỗ trực thăng Viện chấn thương Chỉnh hình BV Quân y 175 vào ngày 10/2 vừa qua để chuẩn bị cho một Lễ cưới tập thể cùng đồng nghiệp vào tối 20/2 tại khuôn viên bệnh viện – nơi họ công tác. Nhìn cách mà họ sửa lễ phục cho nhau, nhìn nhau âu yếm trìu mến, chúng tôi cảm nhận được, hạnh phúc trọn vẹn của họ khi hoàn thành xong nhiệm vụ của người Thầy thuốc, khi được nắm tay nhau, đồng hành chia sẻ cùng nhau để vẽ lên một trang mới về hạnh phúc lứa đuôi, về một tương lai “trăm năm tình viên mãn”.

Trung úy Trần Văn An (khoa Hồi sức Ngoại BV Quân y 175) và Trung úy Bùi Thị Hoài Thu (khoa Răng BV Quân y 175).

Trung úy Trần Văn An (khoa Hồi sức Ngoại BV Quân y 175) và Trung úy Bùi Thị Hoài Thu (khoa Răng BV Quân y 175).

Cùng nhau có mặt trong đội hình Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên được Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam cử đến Nam Sudan (châu Phi) tham gia phái đoàn Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2018, Trung úy Trần Văn An (khoa Hồi sức Ngoại BV Quân y 175) và Trung úy Bùi Thị Hoài Thu (khoa Răng BV Quân y 175) đã nảy sinh tình cảm trong những tháng ngày đồng cam cộng khổ với nhau nơi đất khách quê người.

“Ở Nam Sudan, 10 chị em trong đội chỉ mong muốn nấu được những món ngon của Việt Nam để cùng đồng đội vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Chắc có lẽ, con đường chinh phục được trái tim của anh ấy từ “cái bao tử””, Trung úy Hoài Thu xúc động kể lại với chúng tôi.

Họ vừa là anh em, vừa là đồng đội, đồng chí, cùng nhau hỗ trợ, chia sẻ, nắm tay nhau cùng hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó. Tháng 12/2019 họ về nước và đăng ký kết hôn, quyết định sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 3/2020. Thế nhưng, ngày cưới sắp đến, thì đúng ngày 23/1/2020 ca mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, họ lại hoãn đám cưới đến ngày 1/8/2020 để tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Người tính không bằng trời tính, dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, Trung úy An được tăng cường vào khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19. Một lần nữa, đám cưới dự định của đôi trẻ lại tiếp tục hoãn, nhà hàng nơi họ đăng ký tổ chức đám cưới “cho tạm hoãn vô thời hạn”.

Đời người con gái chỉ có một lần mặc váy cưới, lên xe bông, nhưng với Hoài Thu và lực lượng tuyến đầu, họ đã không thể có được khoảnh khắc ấy. Hoài Thu mang bầu đúng vào thời điểm Trung úy An tham gia chống dịch. “Thương vợ thiệt thòi vì không được tổ chức đám cưới, lại không có chồng bên cạnh chăm sóc những ngày thai nghén. Tôi chỉ biết động viên vợ cố gắng ăn uống, bồi dưỡng, tự chăm sóc tốt cho hai mẹ con. Những ngày bệnh viện cấm trại để bảo toàn quân số, tôi nhớ lắm những món ăn vợ nấu. Khi ấy, Thu lại tìm cách nấu những món tôi thích, đem vào treo ở phía hàng rào của khu điều trị Covid-19 cho tôi”, Trung úy An xúc động kể cho chúng tôi với niềm hạnh phúc tự hào.

Rồi Trung úy An mắc Covid-19 khi tham gia chăm sóc bệnh nhân. Lại một lần nữa, những tháng ngày lo lắng lại tiếp diễn, Hoài Thu “khóc như mưa” khi hay tin mà mình không thể ở bên chăm sóc. Thế rồi, mọi việc cũng đã qua, Thiếu úy An bình phục sau vài ngày điều trị và tiếp tục cùng đồng đội tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Khi TP.HCM chiến thắng dịch bệnh, trở về “trạng thái bình thường mới”, cũng là lúc con trai của An và Thu chập chững biết đi.

Lê Thị Huỳnh Như (Ban quản lý chất lượng BV Quân y 175) và Huỳnh Tấn Lực (giảng viên trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM) chụp hình cưới trên nóc đỗ trực thăng Viện chấn thương chỉnh hình BV Quân y 175. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lê Thị Huỳnh Như (Ban quản lý chất lượng BV Quân y 175) và Huỳnh Tấn Lực (giảng viên trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM) chụp hình cưới trên nóc đỗ trực thăng Viện chấn thương chỉnh hình BV Quân y 175. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Còn gặp được nhau đã là tốt rồi!

Đó là cảm nghĩ của cặp đôi Lê Thị Huỳnh Như (Ban quản lý chất lượng BV Quân y 175) và Huỳnh Tấn Lực (giảng viên trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM) trong thời gian cao điểm TP.HCM đối mặt với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Yêu nhau 9 năm từ khi còn cùng nhau tham gia chuyến xe tình nguyện Mùa hè xanh của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho đến nay, Như và Lực đã trải qua những tháng ngày hồi hộp, lo lắng, xen lẫn hạnh phúc khi được nhìn thấy nhau, cùng nhau ăn những bữa cơm tối. “Chúng em dự định cưới vào cuối năm 2020, nhưng do em học thêm Cao học, nên quyết định sau khi tốt nghiệp sẽ tổ chức đám cưới vào đầu tháng 1/2021. Tuy nhiên, dịch bùng phát, đám cưới phải tạm hoãn, em được điều động vào tổ lấy mẫu xét nghiệm lưu động nên đám cưới lại tạm hoãn thêm lần nữa”, Như nói.

Với những bỡ ngỡ, lo sợ ban đầu khi dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, nhưng Như và các đồng nghiệp cũng đã quen dần, và đối diện với dịch bệnh, góp phần cùng TP.HCM chiến thắng dịch bệnh. “Lúc đầu, em cũng lo lắm, nhưng thấy các anh chị làm được thì mình cũng làm được. Thêm nữa, chúng em được tiêm hai mũi vacxin phòng Covid-19 nên yên tâm hơn”, Như chia sẻ.

Những ngày Như phải cấm trại trong bệnh viện, tham gia lấy mẫu là những ngày đôi bạn trẻ phải xa nhau. “Bình thường, 1 tuần ít nhất 1 lần chúng tôi ăn cơm cùng nhau, nhưng nay, mấy tháng trời không được gặp nhau, không được ăn bữa cơm chung. Thay vì buồn, và lo lắng, tôi lại nghĩ sẽ làm những món ăn, đem những ly nước trái cây gửi vào cho Như để tiếp thêm năng lượng cho em hoàn thành nhiệm vụ”, Lực giãi bày với chúng tôi.

Vậy là, Lực lại vượt qua những chốt chặn “xin anh cho tôi đem đồ ăn vào cho bạn gái tham gia chống dịch…”, để chỉ được nhìn thấy bạn gái vẫn khỏe mạnh, bình an qua hàng rào, qua hình dáng nhỏ nhắn và đôi mắt sáng ấy. “May mắn là cả hai đều làm việc ở thành phố nên chúng em nghĩ, còn gặp được nhau đã là tốt lắm rồi, nhiều người yêu nhau ở hai tỉnh khác nhau không thể gặp nhau cơ mà!”, Như nói khi nhớ lại thời điểm ấy.

Những cô dâu xinh đẹp trong bộ váy cưới trắng của nhà tạo mẫu Minh Hạnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Những cô dâu xinh đẹp trong bộ váy cưới trắng của nhà tạo mẫu Minh Hạnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngày chung đôi, nắm tay nhau lên lễ đường

Để tri ân, động viên và bù đắp cho những cặp đôi như Vinh – Thoa, An – Thu, Như – Lực, Bệnh viện Quân y 175 và nhà tạo mẫu Minh Hạnh, cùng các đơn vị tài trợ đã tổ chức một đám cưới tập thể cho lực lượng tuyến đầu chống dịch vào tối 20/2. "Nhiều bạn trẻ không được tổ chức lễ cưới, không được hưởng hạnh phúc lứa đôi khi đã đăng ký kết hôn. Để toàn tâm toàn ý, dành toàn bộ thời gian cùng bệnh viện phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19. Sự dấn thân của họ đã làm lay động hàng triệu con tim và ngày hôm nay họ đã cùng nhau bước vào một cuộc sống mới, đúng nghĩa của một cuộc sống bình thường mới. Họ xứng đáng để nhận được hạnh phúc và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và toàn xã hội. Chúng tôi thấy, cần phải bù đắp một phần cho các em”, Đại tá, Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nói.

Tối 20/2, tại khuôn viên Bệnh viện Quân y 175, 20 cặp đôi đại diện cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, lần đầu tiên sẽ nắm tay nhau trong một lễ cưới tập thể cùng đồng nghiệp. Lần đầu tiên, họ được trao nhẫn cưới cho nhau, trước sự chứng kiến của hai bên gia đình, của thủ trưởng, của đồng nghiệp và lần đầu tiên họ chính là những nhân vật chính trong lễ cưới của mình.

“Đến bây giờ, Thành phố vượt qua được đại dịch, chúng tôi hạnh phúc khi được thủ trưởng, các cấp đơn vị quan tâm, đã tổ chức cho vợ chồng tôi cùng tham gia đám cưới tập thể với các đồng nghiệp. Niềm vui như được nhân lên, hạnh phúc như được lan tỏa để chúng tôi cùng nhau cố gắng, nắm tay nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất, hoàn thành nhiệm vụ”, Đại úy Lê Quang Vinh nói.

Họ hạnh phúc khi được nắm tay nhau sau chuỗi ngày khó khăn nhất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Họ hạnh phúc khi được nắm tay nhau sau chuỗi ngày khó khăn nhất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhìn lại hành trình cùng nhau trải qua những khó khăn, phải hoãn cưới và cùng nhau chống dịch của mình, Trung úy Trần Văn An cho biết, qua những thử thách, cùng tham gia nhiều nhiệm vụ, đến giờ được bệnh viện tổ chức cho đám cưới tập thể, anh cảm thấy hạnh phúc xen lẫn tự hào. “Khi khoác trên mình màu áo quân y, chúng tôi tự hào vì đã góp ích cho người dân, cũng như được góp phần vào nhiệm vụ cao cả của đất nước ra quốc tế gìn giữ hòa bình. Chúng tôi sẽ cùng nắm tay nhau, nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng là người lính trong sắc phục quân y.

Đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ không thể nào quên của vợ chồng tôi cũng như các đồng nghiệp. Sau này, chúng tôi sẽ kể cho con nghe về ngày hôm nay, về hành trình của ba mẹ”, Trung úy Trần Văn An nói.

Đó là những câu chuyện đẹp, một cái kết viên vãn cho những chuỗi ngày khó khăn nhất họ đã từng trải qua để đến bến bờ hạnh phúc.

Xem thêm
Trưng bày 70 tác phẩm mỹ thuật về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm ‘Đường lên Điện Biên’ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm