| Hotline: 0983.970.780

Bà Nguyễn Phương Hằng nhận sai, mong sớm được trở về

Thứ Năm 21/09/2023 , 18:57 (GMT+7)

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thừa nhận khi bị bắt mới nhận ra mình sai, mong muốn tòa xem xét để bị cáo sớm được trở về nhà.

Ngày 21/9, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, quê An Giang; Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Các đồng phạm của bị cáo Nguyễn Phương Hằng gồm có ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, cựu giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (cựu trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (cựu nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (cựu Trưởng Phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam).

Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt cách đây hơn 1 năm. Ảnh TL.

Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt cách đây hơn 1 năm. Ảnh TL.

Ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam, chồng bà Hằng) được tòa triệu tập với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan nhưng không đến tòa, và ủy quyền cho luật sư.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, và Huỳnh Công Tân.

Trong phần thủ tục tại tòa, bà Hằng cho biết sức khỏe hiện tại tốt, sẵn sàng tham gia phiên xử. Bị cáo khai từng bị xử phạt một lần về hành vi vi phạm an ninh mạng. Là người đầu tiên bị xét hỏi, bà thừa nhận mình không bị oan nhưng cho rằng cáo trạng thiếu câu chuyện mấu chốt về nguyên nhân khiến bị cáo trở thành người vi phạm pháp luật.

“Bản thân bị cáo cũng là nạn nhân, không kiềm chế được bức xúc khi bị nhiều người xúc phạm. Mới đầu bị cáo không biết mình vi phạm, khi bị bắt mới biết mình sai”, bà Hằng nói thêm rằng được chồng là ông Huỳnh Uy Dũng căn ngăn nhưng không nghe lời vì "nghĩ mình không làm gì sai hết".

Theo cáo trạng truy tố bổ sung của VKSND TP.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ, sử dụng 12 tài khoản mạng xã hội, thực hiện nhiều buổi livestream. Trong đó có 57 lần livestream với nhiều nội dung bịa đặt, sai sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của 10 cá nhân gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà.

Bà Nguyễn Phương Hằng: 'Bị cáo đã phải trả cái giá quá đắt. Một lời xin lỗi không là gì nhưng bị cáo cũng đã bị xúc phạm nhiều, nên không thể xin lỗi'. Ảnh chụp màn hình.

Bà Nguyễn Phương Hằng: "Bị cáo đã phải trả cái giá quá đắt. Một lời xin lỗi không là gì nhưng bị cáo cũng đã bị xúc phạm nhiều, nên không thể xin lỗi". Ảnh chụp màn hình.

Theo HĐXX, các đồng phạm trong vụ án dù giúp sức cho sai phạm của bị cáo Hằng, nhưng cũng chỉ là những người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo. Hành động của các bị cáo không chặt chẽ, chủ yếu xuất phát từ tình cảm trong nội bộ công ty.

Trong đó, bị cáo Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Đại Nam) tham gia giúp sức cho bà Hằng từ tháng 3/2021, với nhiệm vụ sắp xếp các góc máy quay, sân khấu... để livestream. Theo chỉ đạo của bà chủ Đại Nam, Hà lập kênh Fanpage Ha Lee thông báo lịch phát sóng, đăng tải các bài viết xúc phạm những người bà Hằng mong muốn.

Bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng) được bà Hằng chỉ đạo lập 8 tài khoản TikTok; lập trang Fanpage Hoang Nhi để thông báo lịch livestream, đăng tải bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.

Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Đại Nam) được giao nhiệm vụ phát sóng trực tiếp qua nhiều kênh YouTube; đọc các bình luận, dẫn chương trình các buổi livestream.

Ngoài ra, từ tháng 10/2021 đến 3/2022, bà Hằng đã mời tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) tham gia 11 buổi livestream với vai trò cố vấn pháp lý để tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình. Ông Quân đồng tình với quan điểm của bà Hằng trong việc xúc phạm người khác công khai trên sóng livestream.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến dự phiên tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Ảnh: HT.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến dự phiên tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Ảnh: HT.

Liên quan đến việc ông Huỳnh Uy Dũng có vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Hằng trong các buổi livestream hay không? Sau khi điều tra, cơ quan điều tra xác định, không đủ cơ sở để xử lý hình sự ông Dũng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thừa nhận cáo trạng và mong muốn tòa xem xét cho bà sớm được trở về gia đình. “Ở ngoài xã hội còn rất nhiều người nghèo chờ đợi bị cáo, nên mong muốn sớm được trở về để giúp đời, giúp người. Bản thân bị cáo được sinh ra trong gia đình có giáo dục, bị cáo chưa bao giờ cãi nhau với ai cả, nhưng bị cáo đau khổ do bị biết bao nhiêu con người tấn công nên đã sai phạm. Bị cáo đã biết sai, xin tòa xem xét cho bị cáo sớm trở về làm việc kiếm tiền lo cho dân nghèo”, bị cáo Nguyễn Phương Hằng nói.

Trước phiên tòa, bà Phương Hằng có đơn xin tự nguyện khắc phục hậu quả nên dù những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu bồi thường, bà Hằng vẫn thể hiện thiện chí của mình. Từ đó, luật sư bào chữa đề nghị HĐXX cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất. Cụ thể, phạt bị cáo Phương Hằng hình phạt bằng thời gian tạm giam; cho các bị cáo Nhi, Hà, Tân được hưởng án treo.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.