Kiểm tra kè chắn sóng biển trước mùa mưa bão |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2018 dự báo bão và áp thấp nhiệt đới phức tạp. Đặc biệt là từ nay đến cuối năm có khả năng xuất hiện 4 - 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông vào các tháng 11, 12 ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.
Vì vậy, Ban đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động và phối hợp thực hiện tốt đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng"; sẵn sàng tham gia ứng cứu, cứu hộ cứu nạn kịp thời; thống nhất công tác chỉ huy, điều hành, phối hợp lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ; thông tin rộng rãi đến người dân về tình hình thiên tai, bão, lũ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác an toàn và vận hành hồ đập chứa nước, đê, kè, hệ thống công trình thủy lợi…
Ông Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho biết: “Để đảm bảo an toàn các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa bão, Sở đã ráo riết chỉ đạo các địa phương và các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai việc kiểm tra, quản lý an toàn công trình thủy lợi (đặc biệt đối với các hồ chứa nước); vận hành, điều tiết hồ chứa theo đúng quy trình, đồng thời có phương án tích, xả nước kịp thời”.
Những công trình đê kè đang khẩn trương hoàn thành |
Theo ông Thái, kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị về PCTT - TKCN của các địa phương đã thực hiện tốt với trách nhiệm cao. Hầu hết các địa phương đều có phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo từng cấp độ rủi ro, đặc biệt là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh BR-VT, do hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ trước năm 1993, do ảnh hưởng thời tiết khí hậu khiến một số hạng mục công trình đã bị hư hỏng. Đồng thời, các công trình do chưa được lắp đặt thiết bị quan trắc như chuyển vị, lún, thấm… gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành và kiểm tra. Đặc biệt, một số công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, như tuyến đê Chu Hải, Phước Hòa…
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh BR-VT, thực trạng biển xâm thực diễn ra ngày càng nhanh và mạnh hơn. Khu vực bờ biển bị xói lở nghiêm trọng đa phần gần cửa sông lớn, có dòng chảy ven bờ phức tạp như Hồ Tràm - Hồ Cốc, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Lộc An (huyện Đất Đỏ); Trại Nhái (TP Vũng Tàu)…
Từ tháng 4 đến tháng 12 (âm lịch) hàng năm là khoảng thời gian biển xâm thực dữ dội nhất. Để ứng phó, nhiều DN du lịch ven biển đã tự xây kè chắn sóng. Một trong 6 điểm được Sở KH&CN tỉnh BR-VT xác định là có mức độ sạt lở cao nhất là khu vực nằm phía đầu nhánh sông Cửa Lấp thuộc ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.
Những điểm sạt lở ven biển cần đầu tư kè chắn sóng |
Mới đây, Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (Busadco) đã hợp tác với một số đơn vị đầu tư xây dựng 40 căn nhà PCTT cho những hộ nghèo, khó khăn về nhà ở (không chỉ riêng ở BR-VT mà còn cho các tỉnh Bến Tre, Cà Mau). Những căn nhà PCTT được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt phi kim lắp ghép cách âm, cách nhiệt, chống thấm bằng công nghệ của Busadco.
Theo Sở KH-CN tỉnh BR-VT, việc vận động sự hỗ trợ của các DN đã góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa PCTT. Trong đó, Cty TNHH MTV Thoát nước đô thị BR-VT tích cực đưa ra giải pháp công nghệ nhà ở bằng bê tông lắp ráp có khả năng tăng tính chống chịu gió, chống tốc mái do dông, lốc… |