Nhà văn Bà Tùng Long là một nữ sĩ nổi tiếng trước năm 1975 tại Sài Gòn. Không chỉ là người đầu tiên làm công việc “gỡ rối tơ lòng” tư vấn tâm lý ứng xử cho bạn đọc trên báo, nhà văn Bà Tùng Long cũng là một cây bút chuyên viết truyện dài kỳ (feuilleton) rất ăn khách.
Sau năm 1975, nhà văn Bà Tùng Long không còn sáng tác, nhưng dư âm những trang viết của nữ sĩ vẫn được tồn tại trong sự thương nhớ của nhiều người. Như một phép thử, Nhà xuất bản Trẻ cách đây không lâu đã in lại một loạt tiểu thuyết của nhà văn Bà Tùng Long như “Người xưa đã về”, “Một lần lầm lỡ”, “Duyên tình lạc bến”, “Con đường một chiều”, “Những ai gieo gió”… và được giới mộ điệu đón nhận khá nồng nhiệt.
Đã chứng minh được tiểu thuyết của nhà văn Bà Tùng Long vẫn chinh phục được độc giả hôm nay, Nhà xuất bản Trẻ tiếp tục phối hợp với gia đình Bà Tùng Long để khai thác lại di sản văn chương nữ sĩ quá cố. Nhân kỷ niệm 15 năm nhà văn Bà Tùng Long rời xa cõi tạm, 6 tác phẩm từng in trên các báo Sài Gòn dưới dạng truyện dài kỳ, đã được in thành sách lần đầu tiên, gồm: “Tình yêu và thù hận”, “Hồng nhan đa truân”, “Nghĩa tình ràng buộc”, “Người của oán thù”, “Một thoáng mây bay” và “Hành trang vào đời”.
Nhà văn Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân. Thời trẻ, Bà Tùng Long từng làm giáo viên dạy Pháp văn và Việt văn ở một số trường trung học phổ thông, sau đó chuyển hẳn sang nghề cầm bút. Tác phẩm đầu tiên của nhà văn Bà Tùng Long xuất hiện vào năm 1953, với tên gọi “Ái tình và danh dự”. Sự nghiệp của nhà văn Bà Tùng Long có khoảng 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn. Đề tài của nhà văn Bà Tùng Long chủ yếu xoay quanh các quan hệ đời thường, đề cao sự chung thủy và sự tha thứ trong cuộc sống hôn nhân.
Nhà văn Bà Tùng Long là vợ của nhà thơ Hồng Tiêu - Nguyễn Đức Huy. Một trong 9 người con của nhà văn Bà Tùng Long sau này theo nghiệp viết là nhà văn Nguyễn Đông Thức hồi tưởng: “Nhà đông anh em, mỗi buổi sáng thức giấc, việc đầu tiên là bà ghi thực đơn các món ăn trong ngày để người giúp việc đi chợ. Xong ngồi uống trà với ba tôi, rồi tranh thủ buổi trưa buổi chiều là viết văn. Thậm chí đêm khuya chờ anh em tôi ngủ hết, bà mới cặm cụi ngồi viết cho kịp mang bản thảo tới nhà in. Bà khuyên các con đừng đứa nào theo nghiệp văn chương của bà vì nó quá nhọc nhằn, nhưng rồi cũng có đứa không theo lời căn dặn nên đã lỡ làm…nhà văn”.