| Hotline: 0983.970.780

Bắc bộ nguy cơ mưa lũ lớn

Thứ Tư 11/05/2022 , 17:23 (GMT+7)

Những ngày tới, Bắc bộ, sau đó là Bắc Trung bộ dự báo có mưa lớn. Vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng, thấp.

Mưa lớn những ngày qua gây ngập cục bộ ở khu vực Ải Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: NNVN.

Mưa lớn những ngày qua gây ngập cục bộ ở khu vực Ải Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: NNVN.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong đêm 11/5 và ngày 12/5, ở khu vực vùng núi và Trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng sớm, với lượng mưa phổ biến 40 - 70mm/24h, có nơi trên 80mm/24h. Riêng khu vực Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh phổ biến 50 - 100mm/24h, có nơi trên 120mm/24h.

Từ đêm 12/5 đến khoảng ngày 15/5, ở khu vực vùng núi và Trung du Bắc bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ nay đến khoảng ngày 15/5, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, thời gian mưa tập trung vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đưa ra cảnh báo từ khoảng ngày 15 - 16/5, mưa dông có khả năng dịch chuyển xuống khu vực Bắc và Trung Trung bộ. Phía bắc khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế từ khoảng ngày 13 - 14/5 dự báo có mưa rào và dông rải rác, mưa tập trung chiều tối và đêm; từ ngày 15 - 16/5 sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Từ ngày 11 - 16/5, các sông suối khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đó, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động 1; thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ khu vực Bắc bộ có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3; đỉnh lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương và trên sông Lục Nam tại Lục Nam có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bị ngập sâu do mưa lớn những ngày qua. Ảnh: NNVN.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bị ngập sâu do mưa lớn những ngày qua. Ảnh: NNVN.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, ngày 11/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã gửi công văn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền núi và Trung du Bắc bộ tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 02/CĐ-VPTT ngày 10/5/2022.

Các tỉnh, thành phố có đê khu vực Bắc bộ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều.

Đồng thời kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”. Rà soát các công trình thi công dở dang trong phạm vi bảo vệ đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, đồng thời triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, đê điều khi xảy ra mưa, lũ. Trường hợp xét thấy không đảm bảo an toàn phải tiến hành hoành triệt ngay để đảm bảo yêu cầu chống lũ.

Song song đó, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.