| Hotline: 0983.970.780

Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Thứ Bảy 05/02/2011 , 07:33 (GMT+7)

Năm 2011 kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước (1941 – 2011). Ra đi từ Bến Nhà Rồng, sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại Người đã trở về đặt bước chân đầu tiên trên đất mẹ.

Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương hòn đất, ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi!

(Tố Hữu)

Năm 2011 kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước (1941 – 2011). Ra đi từ Bến Nhà Rồng, sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại Người đã trở về đặt bước chân đầu tiên trên đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó – Cao Bằng) lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Với độ lùi lịch sử 70 năm chúng ta ngày càng nhận chân và hiểu rõ nhiều điều về những năm đầu cách mạng gian khổ mà hào hùng khi Bác Hồ chọn Pác Bó làm căn cứ địa cách mạng để rồi mảnh đất nơi biên thuỳ ấy mãi mãi đi vào lịch sử. Pác Bó đó là sự lựa chọn sáng suốt của vị lãnh tụ thiên tài, là khởi đầu của mọi thắng lợi. 

Bác Hồ về nước (tranh Trịnh Phòng)

Trở lại những năm 20 của thế kỷ trước, hồi đó ở Paris (Pháp), Bác Hồ nhận được thư của cụ Phan Chu Trinh tỏ ý không tán thành phương pháp cách mạng mà cụ gọi là “Ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” (Ngồi ở ngoài chiêu hiền, chờ thời cơ đột nhập về nước). Đúng ra Bác Hồ không chủ trương như vậy nhưng phải chờ thời cơ, không được nôn nóng mà hỏng việc. Phải đãi thời một cách chủ động bằng cách xây dựng lực lượng cách mạng đủ mạnh chờ ngày trở về. Ba mươi năm chờ thời quả là quá dài! Không phải Bác Hồ không sốt ruột, Người đã vài lần "đột nội" theo ngả Thái Lan, theo hướng Lạng Sơn,... nhưng không thành công.  

Trong thời gian dự đại hội Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva, nhà văn I-ri-a Erenbua đã hỏi Bác cảm nghĩ về mùa xuân năm 1935, Người đã trả lời rằng: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc”. Không chỉ là mong ước mà Người luôn tìm đường về nước. Sau nhiều lần "đột nội" không thành công, Người chuyển hướng về nước theo ngả đường qua Urumxi, qua khu căn cứ địa cách mạng Trung Quốc Thiểm – Cam – Ninh, năm 1938. Người xuống Vân Nam chọn điểm "đột nội" qua cửa Hà Khẩu mạn Lào Cai.  

Người phái Bùi Thanh Bình và Hoàng Văn Lộc đi khảo sát tuyến đường. Cuối tháng 6/1940, hai người đến Hà Khẩu thì cầu Hồ Kiều bị máy bay Nhật đánh gãy. Kế hoạch về nước theo tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai bị huỷ bỏ. Ngày 22/6, Pháp mất nước vào tay phát xít Đức, thời cơ và nhiệm vụ về nước càng trở nên cấp thiết. Người nói với các đồng chí của mình: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.  

Đường Hà Khẩu bị tắc, từ Vân Nam Bác Hồ đã cùng các đồng chí của mình chuyển qua Liễu Châu, về Tịnh Tây, “đột nội” thành công vào Pác Bó - Cao Bằng ngày 28/1/1941. Về với người là những hiền sĩ: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp,... và sau này là Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), Cao Hồng Lãnh, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm...

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã có nhiều phân tích, chứng minh mảnh đất Pác Bó, Cao Bằng hội tụ đủ ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà để Bác Hồ chọn làm căn cứ địa kể cũng không cần nhắc lại, tôi chỉ muốn nói một điều rằng: Núi non ở Pác Bó không cao lắm, sông suối ở Pác Bó không sâu lắm, chẳng hùng vĩ như chính Bác Hồ đã nhìn nhận: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là”. Đúng vậy, “nào phải thênh thang mới gọi là”. Người xưa nói: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh/ Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh” (Núi chẳng cần cao lắm, có tiên ở thì núi có danh/ Nước chẳng cần sâu, có rồng tắm thì trở nên linh thiêng).  

Hẳn vậy, truyền thuyết kể rằng Pác Bó xưa là nơi tiên ở - nay Bác về Pác Bó với cốt cách của một tiên ông và Bác đã thực sự là một ông tiên, một ông thánh của núi rừng Pác Bó, xác định thêm một lần nữa Pác Bó là nơi tiên ở với việc đặt tên núi Đào là núi Các Mác, suối Giàng - suối nhà trời - là suối Lênin. Vùng rừng núi linh thiêng ấy đã được lịch sử chọn làm căn cứ địa cách mạng, lưu danh muôn đời.

5 năm (1941-1945), Bác Hồ ở Pác Bó, Cao Bằng, sang Trung Quốc, rồi lại quay về Pác Bó. Con đường cách mạng Người đi thật gian nan, khổ ải, dù sự vật có thay đổi nhưng lòng người dân Pác Bó vẫn tin và theo Bác, theo Đảng làm cách mạng. Đó là điều quan trọng nhất. Con đường cách mạng khởi nguồn từ Pác Bó đã toả đi muôn phương, thẳng tiến về Thái Nguyên – Hà Nội đến quảng trường Ba Đình ngày mùng 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.  

Năm 2004, cùng đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam làm bộ phim tài liệu "Từ Pác Bó đến Tân Trào", tôi đã được nghe những lời nói từ gan ruột, chí tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Pác Bó – nơi cội nguồn cách mạng. Đại tướng nhắc lại nhiều lần: “Không có Pác Bó không có ngày độc lập mùng 2/9/1945. Không có Pác Bó không có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Không có Pác Bó không có ngày 30/4/1975 ở thành phố Hồ Chí Minh. Pác Bó không chỉ là của riêng Cao Bằng - Pác Bó là của cả nước Việt Nam”. 

Quả vậy “Pác Bó là của cả nước” - cả nước đã dành cho Pác Bó những tình cảm đặc biệt, dành cho Pác Bó nhiều điều kiện đi lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Con đường từ thị xã Cao Bằng lên Pác Bó dài 60km đã được mở rộng, sẽ hoàn thành vào năm 2011. Du khách lên thăm Pác Bó từ thị xã Cao Bằng chỉ mất có một giờ xe chạy trên con đường phẳng, êm ái là đến vùng đất thiêng, ngước nhìn ngọn núi Mác uy nghiêm, soi mình trên dòng suối Lênin trong xanh, vào hang Cốc Bó nơi ngày xưa Bác Hồ ở, lên đầu nguồn tận mắt nhìn “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”... để mà “Hỏi dòng khe ấy, hỏi tre lau/ Những tháng ngày xưa Bác ở đâu”. Thấm sâu công ơn trời biển của Đảng và Bác Hồ với dân, với nước.  

Rồi ta đi qua những bản làng Pác Bó ngày nay với những ngôi nhà to đẹp, đi qua những ngôi trường mới “Líu lo i tờ, môi đọng trẻ thơ...”. Một hành trình thú vị và ý nghĩa đến với Pác Bó Lịch sử - Pác Bó Thơ.

Một mùa xuân nữa lại về. Mùa xuân này hoa Bjoóc Cà nở trắng núi rừng Pác Bó, tỏa ngát hương ngàn xa, ta lại nhớ những cánh hoa Bjoóc Cà ngày đón Bác Hồ về nước 70 năm trước. Những bông hoa Bjoóc Cà mang trong mình hương sắc những bông hoa Huệ tinh khiết nơi Bến Nhà Rồng ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước – hình ảnh đoá hoa Huệ Người luôn mang theo bên mình để ngày về chợt gặp hoa Bjoóc Cà bỗng dâng trào tình yêu đất nước, tình yêu con người. Giữa thâm u núi rừng tâm hồn bỗng trở nên tĩnh tại, siêu thoát:

Thơm lá, thơm hoa, thơm rừng, thơm suối

Thơm ngát hồn ta, xuân lắng đợi Người

...

Nghe Lênin giọng suối đang cười

Lắng tiếng suối Bác ngồi viết sử

Chương mới: Ngày mai. Dòng nước ngày mai. 

 (Chế Lan Viên)

Cao Bằng, Xuân Tân Mão 2011

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam để nhường ghế cho HLV ngoại

HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc nhiệm vụ dẫn dắt tạm quyền đội U23 Việt Nam sau vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm