| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu đặc sản

Thứ Năm 28/07/2016 , 10:15 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Giang có nhiều đặc sản nổi tiếng, sản lượng hằng năm lớn đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước. 

Đây là lợi thế đồng thời cũng là nguy cơ để tổ chức, cá nhân nước ngoài "nẫng" mất bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở quốc gia khác. 

Bảo hộ ở nhiều quốc gia

Trong xu thế hội nhập, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Bắc Giang có nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao như vải thiều, mật ong, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế… 

Để nâng cao giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh, tạo chỗ đứng cho nông sản, năm 2014 UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2014 - 2016. Kế hoạch này giao cho Sở KH-CN chủ trì, trong đó chú trọng bảo hộ một số sản phẩm đặc sản tại nước ngoài. 

Với nỗ lực của ngành từ khâu thiết kế logo, lập hồ sơ, tăng cường trao đổi với cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước nên đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp với nhóm vải khô, đóng chai, đóng hộp, quả tươi chưa qua chế biến tại 5 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Singapore.

 Sản phẩm mỳ Chũ, mỳ Kế đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Nhật Bản và 3 quốc gia đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ là Lào, Campuchia, Hàn Quốc. Những năm tới sẽ nộp hồ sơ đề nghị bảo hộ vải thiều Lục Ngạn tại các nước EU, Mỹ; rau cần tại Hàn Quốc... 

Lý giải về việc chọn các quốc gia trên để ưu tiên bảo hộ, đại diện lãnh đạo Sở KH-CN Bắc Giang cho biết, đó là những nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm của Bắc Giang cao. Hiện Sở KH-CN tiếp tục làm các thủ tục để bảo hộ thành công nhãn hiệu gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong Lục Ngạn ở nước đã nộp đơn. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh cho phép bảo hộ sở hữu công nghiệp sản phẩm gà đồi Yên Thế tại Lào và 2 quốc gia đang trong quá trình theo dõi, xét nghiệm đơn (Campuchia, Singapore).

Chất lượng là tiên quyết

Được biết, ngay trong vụ này, ngoài các thị trường truyền thống, vải thiều Lục Ngạn có cơ hội xuất khẩu sang quốc gia đã được bảo hộ nhãn hiệu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Malaysia, Mỹ.

Theo đại diện một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản trong tỉnh, bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Khi xâm nhập vào thị trường nước đã bảo hộ sản phẩm thì doanh nghiệp giảm một phần khâu tiếp thị, do trước đó họ đã biết đến sản phẩm nhờ công đoạn rà soát thủ tục bảo hộ.

Hơn nữa, khi sản phẩm bán được tại nhiều nước, dù lượng không lớn nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đối tác, làm lợi cho người sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. 

Ông Phan Nhật Tú, GĐ Cty TNHH Thương mại - dịch vụ Ánh Dương Sao (TP.HCM), đơn vị nhiều năm liền thu mua vải tại Bắc Giang để xuất khẩu viện dẫn: “Nhờ được bảo hộ ở nước ngoài và chất lượng cao, vải thiều Lục Ngạn đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nước sở tại, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của một số nước khác”.

Bên cạnh bảo hộ nhãn hiệu thành công cần phải thường xuyên giữ vững chất lượng, đồng thời tổ chức sản xuất tạo ra lượng sản phẩm đủ lớn để xuất khẩu mới thu được lợi nhuận, phát triển thương hiệu. Yêu cầu này được phổ biến sâu rộng trong các hộ sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ nhiệm HTX mỳ Thủ Dương (Lục Ngạn) cho biết: "Thôn có gần 300 hộ sản xuất mỳ, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Chúng tôi chia thành nhiều tổ, giám sát lẫn nhau về quy trình sản xuất, bảo đảm sản phẩm an toàn, chất lượng. Có như vậy, làng nghề mới duy trì và phát triển bền vững được”. 

“Nếu không được bảo hộ ở nước ngoài kịp thời, có thể những nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh không còn thuộc về những chủ nhân thực thụ. Dù đã được đăng ký bảo hộ trong nước nhưng khi bị đánh cắp thương hiệu ở nước ngoài thì sản phẩm sẽ không xuất khẩu được”, ông Nguyễn Đức Kiên, GĐ Sở KH-CN Bắc Giang.

 

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.