| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang xây dựng kịch bản tiêu thụ vải thiều trong các tình huống dịch Covid-19

Thứ Ba 18/05/2021 , 17:44 (GMT+7)

UBND tỉnh Bắc Giang vừa đưa ra các kịch bản ứng phó để đảm bảo tiêu thụ gần 200 nghìn tấn vải thiều cho người dân trong các tình huống dịch Covid-19.

Kiểm soát phương tiện ra vào vùng trồng vải thiều tập trung ở Tân Yên. Ảnh: BBG.

Kiểm soát phương tiện ra vào vùng trồng vải thiều tập trung ở Tân Yên. Ảnh: BBG.

Ngày 18/5, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn là 28.100 ha, sản lượng ước đạt gần 200.000 tấn, trong đó, vải sớm khoảng 40.000 tấn, còn lại là vải chính vụ, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 đến 10/6.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ vải thiều nên UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng Kế hoạch tiêu thụ.

Theo đó, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, 50% xuất khẩu.

Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart, qua các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hoặc các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, Bắc Giang sẽ cố gắng tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, còn 30% xuất khẩu.

Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các chợ truyền thống…

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra vùng sản xuất vải thiều tập trung. Ảnh: BGGOV.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra vùng sản xuất vải thiều tập trung. Ảnh: BGGOV.

Trong trường hợp dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt thì dự kiến 90% sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Lúc đó, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Kênh tiêu thụ khi kịch bản này xảy ra sẽ tập trung vào các chợ đầu mối, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống.

Chính quyền tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình tiêu thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử…

Để thực hiện tốt các phương án tiêu thụ vải thiều này, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ động tổ chức tốt hoạt động quảng bá, chương trình kết nối cung cầu vải thiều tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên và các sở, ngành liên quan để hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc sang khảo sát, thu mua vải thiều tại Bắc Giang.

Mặt khác, sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các điều kiện xuất khẩu quả vải thiều như: Tem, nhãn, bao bì theo quy định của nước nhập khẩu...

Riêng Sở NN - PTNT, UBND tỉnh Bắc Giang giao tiếp tục hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc vải đúng quy trình, bảo đảm vải thiều được sản xuất tại các vùng như: Lục Ngạn, Tân Yên có chất lượng vượt trội, không có dịch bệnh, an toàn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.