Trong 2 ngày (9 - 10/5), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã có chuyến làm việc tại tỉnh Bắc Kạn để nắm và đưa ra khuyến nghị về sản xuất nông, lâm nghiệp và thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF).
FAO thực hiện Chương trình FFF tại tỉnh Bắc Kạn theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) thực hiện tại xã Chu Hương và Mỹ Phương (huyện Ba Bể); Giai đoạn 2 (2018 - 2022) tại 3 xã Phương Viên của huyện Chợ Đồn và xã Mỹ Phương, Yến Dương thuộc huyện Ba Bể; Giai đoạn 3 (2023 đến 2025) tại 5 xã thuộc các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn.
Chương trình FFF hướng đến 3 mục tiêu, cải thiện năng lực quản trị và thúc đẩy cơ chế, chính sách liên quan đến các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thông qua diễn đàn đa ngành; Tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các HTX, tổ hợp tác thông qua dịch vụ phát triển kinh doanh và chuỗi giá trị công bằng; Giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cao nhận thức về môi trường, sự tham gia trực tiếp của các HTX, tổ hợp tác với biện pháp sinh kế tổng hợp.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương của tỉnh Bắc Kạn, đoàn công tác của FAO Việt Nam đánh giá, chương trình đạt được mục tiêu đề ra, các HTX, tổ hợp tác đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra sự thay đổi rõ nét về tư duy, đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Chương trình FFF đã giúp các HTX, tổ hợp tác lập kế hoạch sản xuất, cách tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường. Chương trình cũng đã gắn kết người dân phát triển kinh tế rừng và trang trại theo hướng canh tác thân thiện với môi trường.
Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, hỗ trợ từ chương trình đã giúp HTX xây dựng được vùng trồng lúa nếp Tài hữu cơ với diện tích hơn 20ha, sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ quốc gia, đang hướng đến đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản. Chương trình FFF cũng giúp HTX trong việc tổ chức sản xuất gắn với cộng đồng dân cư trên địa bàn, bà con là chủ thể được tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị của sản phẩm do HTX sản xuất.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam ấn tượng với nhiều sản phẩm nông sản của các HTX tại Bắc Kạn như mật ong rừng, trà bí xanh, miến dong. Ông cho rằng những sản phẩm này mang bản sắc vùng miền rõ rệt, được người dân canh tác, chế biến cầu kỳ, bao bì bắt mắt. Nhiều HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu trồng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng có hiệu quả cao.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Rémi Nono Womdim đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, gắn phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm để tạo thu nhập cho người dân. Ngoài ra tỉnh Bắc Kạn cũng cần lồng ghép hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ để các HTX, tổ hợp tác phát huy tốt nhất lợi thế, tạo ra những sản phẩm nông, lâm sản, du lịch có khả năng cạnh tranh, mang bản sắc địa phương.
Thời gian tới FAO sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tại Bắc Kạn để phát triển nông, lâm nghiệp. Trong đó FAO sẽ chú trọng hỗ trợ những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.