| Hotline: 0983.970.780

Trợ lực giúp người dân giữ rừng đặc dụng

Thứ Bảy 04/05/2024 , 15:50 (GMT+7)

Nhiều thôn, bản xung quanh những cánh rừng đặc dụng ở Bắc Kạn được đầu tư hạ tầng, đời sống người dân từng bước cải thiện, việc giữ rừng nhờ đó cũng tốt hơn.

Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) có hệ động, thực vật phong phú, và đặc biệt có nhiều loại gỗ quý như nghiến, đinh, lim. Xung quanh rừng đặc dụng ở đây có hàng chục thôn bản, người dân đã sinh sống ở đây từ trước khi thành lập Vườn quốc gia.

Ngày 01/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Từ đó đến nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể đã giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng và hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn vùng đệm. Theo đó, một thôn mỗi năm được hỗ trợ 40 triệu đồng để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tuyến đường nội đồng ở xã Khang Ninh (huyện Ba Bể) được thực hiện từ gói hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn. Ảnh: Ngọc Tú.  

Tuyến đường nội đồng ở xã Khang Ninh (huyện Ba Bể) được thực hiện từ gói hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn. Ảnh: Ngọc Tú.  

Năm 2023, Vườn quốc gia Ba Bể hỗ trợ 44 thôn thuộc 8 xã (6 xã của huyện Ba Bể và 2 xã thuộc huyện Chợ Đồn) thực hiện 55 công trình. Từ số tiền được hỗ trợ, người dân đã làm đường bê tông nội thôn, nội đồng, đường sản xuất, công trình nước sạch, thủy lợi.

Chúng tôi đến xã Khang Ninh (huyện Ba Bể), tuyến đường nội đồng ở thôn Bản Nản vừa làm xong giúp xe máy, máy nông nghiệp đi lại dễ dàng. Từ gói hỗ trợ 40 triệu đồng, người dân trong thôn hiến đất, huy động nhân lực để thi công. Tuyến đường nội đồng dài hơn 600m, rộng từ 1,2 đến 1,5m đã hình thành, từ đây việc sản xuất, chở nông sản của bà con đã thuận lợi hơn.

Ông Hoàng Văn Lang, xã Khang Ninh (huyện Ba Bể) cho biết, kể từ khi làm xong tuyến đường nội đồng giờ đây việc thu hoạch lúa không phải vác vai hàng cây số nữa mà xe máy có thể chở tận nơi, khi mùa vụ đến, máy nông nghiệp lại chở phân bón đến từng thửa ruộng. Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó làm được tuyến đường này.

Ngoài gói hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, những năm qua, Vườn quốc gia Ba Bể còn thực hiện giao khoán hơn 9.400ha rừng đặc dụng. Từ khi giao khoán người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng, nhờ đó nhiều năm nay không xảy ra điểm nóng về phá rừng.

Theo ông Dương Văn Giao, Phó Chủ tịch UBND xã Khang Ninh (huyện Ba Bể), nguồn hỗ trợ chủ yếu để thực hiện các công trình phúc lợi như nhà họp thôn, đường giao thông. Năm 2024, các thôn được hỗ trợ sẽ tập trung làm đường vào khu sản xuất, công trình chiếu sáng công cộng. Điểm đáng chú ý của chính sách này là nếu có người dân trong thôn tham gia phá rừng thì thôn đó sẽ không được hỗ trợ, nhờ đó rừng đặc dụng được bảo vệ tốt hơn.

Xây dựng nhà văn hoá thôn từ nguồn hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ rừng đặc dụng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Xây dựng nhà văn hoá thôn từ nguồn hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ rừng đặc dụng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tỉnh Bắc Kạn có 3 khu rừng đặc dụng lớn thuộc Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Xung quanh những khu rừng đặc dụng này có hàng trăm thôn, bản. Tuy nhiên đời sống người dân còn khó khăn do đất canh tác ít, đặc biệt là rất ít đất rừng sản xuất.

Hiện nay, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ đang thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng và gói hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn cho các thôn bản ở vùng lõi và vùng đệm. Năm 2024, đơn vị đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 33 cộng đồng thôn, tổng diện tích được phê duyệt trên 9.000ha. Ngoài ra còn 41 thôn được hỗ trợ 40 triệu đồng/năm để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Những ngày cuối tháng 4/2024, chúng tôi đến thôn Lủng Vai, xã Công Minh (huyện Na Rì), tuyến đường bê tông nội thôn cũng vừa làm xong, dọc hai bên đường lắp bóng điện chiếu sáng. Kinh phí một phần lấy từ gói hỗ trợ 40 triệu đồng của năm 2023. 

Ông Lâm Văn Linh, trưởng thôn Lủng Vai (xã Côn Minh) phấn khởi cho biết, trước đây đường qua bản nhỏ hẹp, trời mưa đi lại rất khó khăn. Do đời sống người dân còn khó khăn nên đến bây giờ được hỗ trợ từ nhà nước mới làm được đường mới, bà con trong thôn rất phấn khởi.

Ông Đặng Văn Hải, Giám đốc Ban quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, năm 2024 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị đã yêu cầu các trạm kiểm lâm họp với người dân để tổng hợp nhu cầu đầu tư, dự kiến đến quý III sẽ thực hiện.  

Rừng Kim Hỷ được bảo vệ tốt hơn nhờ sự vào cuộc của cộng đồng dân cư. Ảnh: Ngọc Tú. 

Rừng Kim Hỷ được bảo vệ tốt hơn nhờ sự vào cuộc của cộng đồng dân cư. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đánh giá về hiệu quả chính sách hỗ trợ, ông Lê Xuân Diệu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, từ khi cộng đồng thôn nhận khoán và các thôn vùng đệm được hỗ trợ người dân đã chủ động thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng nên hiệu quả nâng lên rõ rệt.

Nhờ có sự giám sát của cộng đồng nên hầu hết các vụ vi phạm ở quy mô nhỏ, được phát hiện kịp thời, thiệt hại không nhiều.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

TP.HCM nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ

TP.HCM nghiên cứu Đề án phủ kín và mở rộng rừng phòng hộ Cần Giờ. Từ đó, tạo ra giá trị lớn hơn, hướng tới bán tín chỉ carbon, thu lợi từ rừng.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.