Cơ sở sản xuất rau thất thu
Sau hơn 10 ngày kể từ trận lũ lụt kinh hoàng 140 năm mới thấy, nhiều diện tích sản xuất rau ở Bắc Kinh bị khô héo do ngập úng. Một nông trại sản xuất rau trong nhà kính rộng hơn 100 mẫu ở thị trấn Thạch Lâu, quận Phòng Sơn chuyển biến xấu, với 70% diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 1,5 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 300 triệu đồng).
Để giúp những người trồng rau sớm khôi phục sản xuất, gần đây, một nhóm chuyên gia do Viện Rau và Hoa thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã tiến hành điều tra tại chỗ về quá trình phục hồi sản xuất rau sau thảm họa ở các khu vực bị thiên tai tại Bắc Kinh và đưa ra các giải pháp phục hồi cụ thể.
Ông Trương Dương Dũng - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Rau và Hoa của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết: “Việc khôi phục sản xuất rau sau thiên tai nên căn cứ vào điều kiện của địa phương, thời gian ngập lụt, ảnh hưởng của thiên tai. Đối với trường hợp nhẹ cần tiến hành các biện pháp tiêu úng càng sớm càng tốt để tăng cường công tác quản lý đồng ruộng. Còn đối với những thửa ruộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể khắc phục được thì sau khi tiêu úng, các giống rau có chu kỳ sinh trưởng ngắn có thể trồng lại để giảm thiệt hại”.
Trong nhà kính trồng cà chua, số cây trồng cách đây hai tháng đã ra quả hai vụ, và vụ thứ ba cà chua đã to bằng quả bóng bàn. Hiện tại, số cà chua này bị khô héo toàn bộ, rễ bị thối.
Ông Tạ Học Văn, một chuyên gia bảo vệ thực vật tại Viện Nghiên cứu Rau và Hoa nhổ một cây cà chua lên xem. Khác với những gì mong đợi, cà chua đã thối rễ. Ông chắc chắn rằng hầu hết số cà chua trong nhà kính này đều bị thối thân sau khi bị ngập nước.
Hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất
Ông Tạ Học Văn đưa ra hướng dẫn và đề xuất cụ thể để khôi phục vùng đất bị ngâm nước trong nhà kính: "Cần phải cày xới, khử trùng rồi phơi khô đất. Quá trình này sẽ mất ít nhất 20 ngày, do đó cần trồng các giống rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn”.
Nếu đất không được xử lý sau thảm họa, đợt rau trồng tiếp theo cũng sẽ bị ảnh hưởng, dễ sinh bệnh tật. Cần lưu ý rằng trong quá trình khử trùng, đầu tiên hãy khử trùng bằng vôi đạm, sau đó sử dụng các tác nhân vi sinh vật, điều này không chỉ có lợi cho việc loại bỏ các vi sinh vật có hại trong đất mà còn bổ sung các vi sinh vật có lợi trong đất, điều đó rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại cây trồng tiếp theo.
Nhìn chung, khác với sự tích tụ phù sa trên đồng ruộng, sau trận lụt, độ phì nhiêu của đất sẽ thay đổi, chất dinh dưỡng của đất trong nhà kính sẽ bị cuốn trôi. Giai đoạn sau đó sẽ cần bón bổ sung đạm, lân, kali và phân hữu cơ.
Ông Trương Dương Dũng nhấn mạnh rằng ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa, cần đặc biệt chú ý đến quản lý khoa học trong việc khôi phục sản xuất sau thảm họa, đặc biệt là kiểm soát sâu bệnh, tránh rủi ro sâu bệnh hại rau giai đoạn sau.
Ông Đổng Xuân Quyên - chuyên gia trồng rau tại Viện Rau và Hoa thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, củ cải phát triển nhanh và các giống rau khác có chu kỳ sinh trưởng tương đối ngắn có thể được trồng ở những cánh đồng trống nơi nước lũ đã rút. Theo như tình hình hiện tại, chu kỳ tăng trưởng sẽ kịp thời.
Ông Tô Đồng Binh, một nhà nghiên cứu tại Viện Rau của Học viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Bắc Kinh, đã tham gia nghiên cứu về di truyền, nhân giống và sinh học phân tử cải thảo cho rằng: “Hiện tại, thời điểm này đã qua thời gian trồng cải thảo trên đất trống”.
Ông nói với các phóng viên rằng phần lớn bắp cải nên được trồng vào 10 ngày sau tiết Hạ chí nhưng hiện đang là đầu mùa thu. Ông khuyến nghị nông dân nên trồng một số loại rau ăn lá phát triển nhanh, có thể gieo vào ngày 20/8.
Để giúp nông dân tiếp tục sản xuất rau, Phòng Nông nghiệp và Nông thôn huyện Phòng Sơn đã hướng dẫn kỹ thuật tương ứng và tích cực điều phối các vật tư như thuốc trừ sâu, hạt giống và phân bón cần thiết để phục hồi và tiếp tục sản xuất.