Giá thực phẩm nông nghiệp của Trung Quốc đã tăng 0,5% trong tuần trước so với tuần trước nữa, dữ liệu từ Bộ Thương Mại nước này ngày 16/8 cho thấy. Với việc thiên tai với cường độ mạnh bất thường diễn ra thời gian qua, giới quan sát nhận định sản lượng lương thực, đặc biệt là giá gạo Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, qua đó khiến giá thị trường tăng mạnh.
“Mưa lớn ở vùng sản xuất lương thực phía đông bắc Trung Quốc sẽ làm giảm sản lượng và có khả năng gây áp lực tăng giá gạo toàn cầu vốn đã tương đối cao”, công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo hồi tuần trước.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới và mức cảnh báo lũ đã được nâng lên đối với ba tỉnh vốn chiếm 23% sản lượng gạo cả nước, gồm Nội Mông, Cát Lâm và Hắc Long Giang.
Lũ lụt đã mang đến những tác động không mong muốn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bão Doksuri đổ bộ hồi đầu tháng được đánh giá là cơn bão tồi tệ nhất tấn công miền bắc Trung Quốc suốt nhiều năm, khiến thủ đô Bắc Kinh phải hứng chịu lượng mưa lớn kỷ lục trong hơn 140 năm. Hệ quả từ bão lũ là các cánh đồng ngũ cốc bị ngâm nước, qua đó làm giảm năng suất, mặc dù mức độ thiệt hại đầy đủ vẫn chưa rõ ràng.
Kelly Goughary, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường Gro Intelligence, nhấn mạnh đây là một tin xấu bởi lượng gạo tồn kho thấp ở các nước xuất khẩu gạo có thể khiến giá tăng, ở thời điểm mà giá lương thực toàn cầu đã bị đẩy lên quá cao vì xung đột Nga - Ukraine. Goughary thêm rằng "khả năng chịu nước đọng kém" của cây lúa khiến giá gạo Trung Quốc bị tác động.
Mặt khác theo Fitch Ratings, Trung Quốc cũng có khả năng thúc đẩy nhập khẩu gạo cao hơn trong nửa cuối năm 2023 để bù đắp một phần tổn thất năng suất tiềm tảng, gây áp lực lớn lên giá gạo thế giới.
Giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, theo Chỉ số Giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp.
Các nhà phân tích thị trường ước tính giá gạo sẽ còn cao hơn trong thời gian tới sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng trước và Thái Lan kêu gọi nông dân trồng ít lúa hơn để tiết kiệm nước do lượng mưa thấp. Gạo non-basmati là loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ và Pakistan.
Theo Genevieve Donnellon-May, chuyên gia tại Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) và Hiệp hội châu Á Australia, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang “chạy đua với thời gian” để rút nước lũ khỏi ruộng lúa nhằm giảm thiểu thiệt hại, vì họ hiểu rõ hơn ai hết rằng nếu bị mất an ninh lương thực, Trung Quốc sẽ đối mặt "biến động chính trị và kinh tế xã hội khó lường”.
Các vấn đề liên quan đến sản xuất toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến giá gạo Trung Quốc hay Ấn Độ bởi năng suất giảm “chắc chắn sẽ tác động tới an ninh lương thực ở nhiều quốc gia, dẫn đến suy dinh dưỡng và suy giảm sức khỏe”, Donnellon-May nói, thêm rằng những người thu nhập thấp có thể buộc phải lựa chọn giữa việc mua gạo hay mua nhu yếu phẩm khác.
Kể từ khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, giá gạo toàn cầu đã tăng hơn 20%.
Một số ngành công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá gạo toàn cầu tăng, trong đó có dịch vụ khách sạn, thực phẩm và đồ uống. Thậm chí, các siêu thị có thể buộc phải tính đến phương án phân bổ gạo theo định mức nếu tình hình trở nên quá trầm trọng.
Các nhà nghiên cứu cho biết năng suất lúa của Trung Quốc đã giảm 8,3% trong vòng 20 năm qua do lượng mưa lớn, tương đương mức giảm do nắng nóng khắc nghiệt. Donnellon-May lưu ý rằng những tai ương do khí hậu gây ra cho ngành lương thực Trung Quốc là một lời nhắc nhở với các quốc gia khác về tầm quan trọng của việc thiết lập “những hệ thống nông nghiệp bền vững, có khả năng phục hồi”.
Bắc Kinh trong thập kỷ qua đã tập trung vào an ninh lương thực khi biến đổi khí hậu gây lo ngại về nguồn cung trong nước. Theo các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hợp tác công tư đã giúp duy trì an ninh lương thực Trung Quốc những năm gần đây. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến việc sản xuất lúa gạo trở nên vô cùng khó khăn.
Gạo là lương thực chính của 65% dân số Trung Quốc và chiếm khoảng 28% tổng sản lượng gạo thế giới. Trong khi đó 50% dân số Ấn Độ dùng gạo trong bữa ăn hàng ngày. Họ đã xuất khẩu lượng gạo trị giá 10 tỷ USD vào năm 2021 sang nhiều quốc gia, như Bangladesh, Arab Saudi và thậm chí cả Trung Quốc. Những con số trên cho thấy tầm quan trọng của hai quốc gia này trong chuỗi cung ứng gạo, không chỉ đối với chính nước họ mà còn đối với cả thế giới.
Theo Donnellon-May, các quốc gia khác có thể "buộc phải tranh đấu với nhau" để đảm bảo nguồn cung gạo nếu lo ngại về tình trạng thiếu dự trữ gia tăng hoặc tệ hơn là xảy ra tình trạng thiếu gạo toàn cầu. Các quốc gia dễ bị tổn thương gồm có Myanmar, Campuchia, Nepal, Indonesia và Philippines.
Hồi tháng 4, Fitch Solutions cũng dự đoán rằng thế giới sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt sản lượng gạo lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023, ở mức 8,7 triệu tấn, đánh dấu mức thâm hụt gạo toàn cầu lớn nhất kể từ năm 2004.