| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu bàn hướng thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Thứ Năm 09/05/2024 , 18:37 (GMT+7)

Ngày 9/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị đánh giá tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thời gian qua và triển khai nhiệm vụ năm 2024 - 2025.

Chưa doanh nghiệp nào có dự án, kế hoạch liên kết đáp ứng nghị quyết của tỉnh

Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu xác định liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là giải pháp trọng tâm giúp nâng cao hiệu quả và thu nhập của nông dân, HTX và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.

Để thúc đẩy việc liên kết, tiêu thụ nông sản theo đúng định hướng của Trung ương, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và đặc thù sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Bạc Liêu đã ban hành nhiều cơ chế, quy định hướng dẫn trình tự, hồ sơ, thủ tục triển khai hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để người dân, HTX và doanh nghiệp có nhu cầu triển khai thực hiện.

Bạc Liêu chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Trọng Linh.

Song tới thời điểm này, vì nhiều lý do, tỉnh Bạc Liêu chưa có doanh nghiệp nào xây dựng được dự án hay kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đáp ứng theo tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của tỉnh để được nhận hỗ trợ theo quy định. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu: Ngành hàng lúa gạo và thủy sản của tỉnh đang phát triển tốt, trình độ sản xuất của nông dân được nâng lên. Nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Dần thay đổi tư duy, không còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, bà con chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Qua liên kết sản xuất đã hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, gắn liên kết sản xuất tập trung với tiêu thụ sản phẩm, quy mô cánh đồng lớn sản xuất từ 1 - 2 giống lúa/cánh đồng. Trên từng cánh đồng, nông dân tham gia liên kết sản xuất được hỗ trợ chi phí, cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu lúa hàng hóa ổn định. Đặc biệt, giảm được mức độ rủi ro do thương lái ép giá và thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 50 - 200 đồng/kg lúa.

Thủy sản của Bạc Liêu chưa có nhiều chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Thủy sản của Bạc Liêu chưa có nhiều chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Qua khảo sát, theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp cho thấy, giai đoạn 2021 - 2023, các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, muối, rau màu…) thông qua 3 hình thức liên kết chủ yếu: Liên kết bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín.

Trong đó, hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ là hình thức đang được triển khai phổ biến nhất hiện nay.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Bạc Liêu thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và đã đạt được một số kết quả cụ thể như: Cây lúa có tỷ lệ bao tiêu cao nhất với trên 93.600ha, chiếm gần 49% diện tích gieo trồng. Rau màu, tôm có liên kết nhưng chưa nhiều. Chỉ có 7,2% diện tích gieo trồng rau màu được thực hiện liên kết. Với con tôm, việc liên kết chỉ chiếm tỷ lệ hơn 2,5% diện tích.

Liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản có ý nghĩa với ĐBSCL

Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhấn mạnh, liên kết là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ nông sản có ý nghĩa đặc biệt đối với khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa, việc phát triển nông nghiệp không tuân thủ các đề án, quy hoạch, kế hoạch, định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh và thiếu tính bền vững.

Sản xuất lúa của Bạc Liêu đã có mức độ tổ chức liên kết sản xuất khá tốt. Ảnh: NNVN.

Sản xuất lúa của Bạc Liêu đã có mức độ tổ chức liên kết sản xuất khá tốt. Ảnh: NNVN.

Ông Hòe cho rằng, Bạc Liêu cần đẩy mạnh trong xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, nông dân sẽ có điều kiện tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đánh giá, tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng thông qua các HTX, doanh nghiệp sẽ giúp nông dân có thể yên tâm sản xuất, giảm chi phí đầu vào, được sản xuất theo yêu cầu thị trường. Đồng thời, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, nâng cao lợi nhuận trong sản xuất.

Qua đó, tạo tiền đề để hình thành các nguồn cung ứng nông sản lớn, mang tính hàng hóa cao, chất lượng được nâng lên thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Vì vậy, cần thực hiện liên kết giữa các hộ nông dân, HTX nông nghiệp, các doanh nghiệp mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm ra thị trường và làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của 2 giống lúa nổi tiếng ST24, ST25 đánh giá cao việc tổ chức thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua.

Theo ông Cua, Bạc Liêu rất có điều kiện để thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản, nhất là đối với cây lúa, con tôm. Tỉnh hoàn toàn có thể xây dựng thành công thương hiệu nông sản Bạc Liêu thông qua mô hình sản xuất hữu cơ “lúa thơm – tôm sạch” theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Để nâng cao hiệu quả liên kết trong tiêu thụ nông sản, ông Cua đề nghị tỉnh Bạc Liêu cần quan tâm, tăng cường quản lí chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng tthương hiệu nông sản.

Dưới góc nhìn của người sản xuất, ông Nông Văn Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: HTX được xem là điểm nhấn trong triển khai thực hiện thành công liên kết. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, những rào cản trong thực hiện liên kết vẫn còn, đó là nhiều thành viên HTX chưa quen với việc hợp đồng kinh tế trong sản xuất và sản xuất chưa đồng loạt, thống nhất.

Bên cạnh đó, các đối tác liên kết thường bắt buộc sử dụng theo gói sản phẩm đầu vào, đôi lúc chưa phù hợp với điều kiện kỹ thuật và đất đai của từng người dân; việc sản xuất theo quy trình, số lượng, diện tích lớn nhưng giá cả sản phẩm chưa có sự chên lệch so với thị trường nên chưa thu hút được người dân.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Ba Đình đề nghị các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX để tiếp tục giúp HTX mở rộng thành viên và diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu liên kết sản xuất. Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn, mở các lớp đào tạo chuyên sâu về khả năng quản trị cho bộ máy HTX cũng như kiến thức về kinh doanh, mua bán, hợp đồng kinh tế... Đối với doanh nghiệp liên kết, cần chọn sản phẩm phục vụ sản xuất có thương hiệu trên thị trường, gần gũi với nông dân.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: Để liên kết thực sự đi vào chiều sâu, cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu; chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia hợp tác để cùng có lợi.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản tập trung là lúa và tôm, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá, tự động hoá dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú, đáp ứng yêu cầu của thị trường...

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của từng địa phương để đảm bảo ổn định đầu ra, phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.