Người dân kéo đến vây kín nhà bà Thu để đòi nợ
CA huyện Giá Rai (Bạc Liêu) vừa xuống tận nhà bà Lâm Thị Thu- một chủ hụi có tiếng tăm ở ấp 18, xã Phong Tân để giải quyết vụ bể hụi. Lúc đó hơn 50 người, đều là các nạn nhân đang kéo đến vây kín nhà bà Thu đòi nợ.
Rất nhiều người dân bức xúc bởi các dây hụi như: hụi ngày, tuần, tháng và có cả hụi mùa, tính tổng cộng gần 40 dây hụi (mỗi dây có từ 20 đến 50 hội viên), với số tiền lên đến hàng tỉ đồng trong phút chốt đã mất sạch khi bà chủ hụi tuyên bố bể hụi.
Theo điều tra ban đầu của CA huyện Giá Rai, bà Lâm Thị Thu đã bắt đầu làm chủ hụi từ năm 2000. Ban đầu chỉ làm chủ vài dây hụi, với hơn chục "hụi viên", dần dà bà trở thành chủ hụi lớn của xã, "hụi viên" không chỉ là người dân ở ấp 18 nơi bà Thu cư ngụ mà gần như cả xã Phong Tân. Đủ loại hụi từ hụi ngày, tuần, tháng đến hụi…mùa (tức là đến mùa lúa mới khui, một chân 3 triệu đồng để làm vốn mua sắm nông cụ, VTNN…phục vụ sản xuất- hụi mùa một năm chỉ khui có 3 đợt).
Đến khoảng năm 2006, bà Thu bắt đầu mở nhiều dây hụi, rủ thêm nhiều người chơi và tăng số tiền lời khi bỏ thăm hốt hụi. Hầu hết những người tham gia các dây hụi của bà Thu đều muốn để dành tiền (phần vì thấy hụi lời nhiều, phần cũng muốn tiết kiệm để có được số tiền vài triệu hay vài chục triệu mà sửa nhà cửa, dựng vợ gả chồng cho con hay mua sắm nông cụ sản xuất…) nên không ai muốn hốt hụi mà chờ đến kết thu dây hụi rồi hốt luôn.
Từ thực tế đó, cứ đến kỳ khui hụi là bà Thu ghi tên khống những người khác vào dây hụi rồi tự bỏ tự khui và hốt những chân hụi này để lấy tiền. Khi những hụi viên hỏi thì chủ hụi đổ cho người này, người kia hốt. Do chân hụi thường từ trên 20 chân đến 50 chân và ở nhiều ấp, thậm chí khác xã nên các hụi viên không biết hết nhau và cũng không kiểm tra vì tin tưởng bà chủ hụi. Cuối năm 2009, bà Thu bỏ nhà khỏi địa phương, nay khi mới trở về nhà thì tuyên bố bể hụi.
Hầu hết các hụi viên hơn 50 người đều là nạn nhân của bà Thu, họ đều là hụi “sống”, đóng tiền đầy đủ để nuôi hụi. Rõ ràng, thủ đoạn và hành vi của bà Thu là lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người dân đã tin tưởng vào mình. Tuy nhiên, việc xác định bà Thu đã lừa bao nhiêu thì hết sức khó khăn. Trong 10 dây hụi, cơ quan điều tra xác định có gian dối bằng hình thức ghi khống tên rồi tự chủ hụi lấy tiền của các hụi viên để tiêu xài cá nhân. Ngoài ra, theo bà con nhân dân ở xã cho biết, còn hơn 20 dây hụi nữa (bà Thu cũng giật hết của hụi viên) hiện vẫn còn nằm tại xã Phong Tân.
Rất nhiều người như bà Nguyễn Thị Nương, Trần Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Á, Châu Thị Nên, Trương Thị Búp, Lê Thị Hường, Nguyễn Thị Châu Úc, Nguyễn Thị Loan, Thu Tím, Nguyễn Thị Khổ…đều ở xã Phong Tân đã đồng lòng cho rằng, tiền để gom góp đóng cho bà Thu đều là tiền mồ hôi nước mắt và các hụi viên đã đóng hụi từ hơn 10 chân, thậm chí có người đã mãn hụi vẫn không lấy được đồng nào. Mỗi người bị bà Thu giựt nợ từ 20- 50 trịêu đồng. Bà Lê Thị Hường đại diện cho nhiều bà con bức xúc: “Hiện giờ gia đình bà Thu vẫn rất khá giả. Chúng tôi đến yêu cầu bà phải có trách nhiệm giải quyết bởi nhiều người rất nghèo khổ thì bà Thu còn có ý thách thức, kêu bà con cứ đi thưa đi”.
Xót lòng nhất là nhiều trường hợp, để đóng hụi cho bà Thu, bà con hụi viên nghèo phải tích cóp từng đồng, không dám ăn, không dám mặc để dành. Bà Châu Thị Nên, người đã ngoài 70 tuổi để đóng hụi cho bà Thu, con bà Nên phải đi làm thuê, ở mướn cho người ta tại thị trấn Hộ Phòng, lấy tiền công gửi về cho mẹ đóng hụi để mẹ dưỡng già. Bà Nên nói trong nước mắt: “Tui nghèo muốn chết, tính có ít tiền để dành lúc hữu sự hay đau ốm bệnh tật. Nó (tức bà Thu) ác lắm”.
Hay trường hợp của chị Tuyết Dung, hai vợ chồng nghèo “rớt mồng tơi”, chị đi làm móng tay móng chân, chồng bán cà rem dạo cũng tích cóp vô hai chân hụi 50 ngàn (hụi tuần) để dành trả nợ vay ngân hàng. Đóng được 25 chân, thì bà Thu trốn. Giờ khoản nợ ngân hàng không biết lấy tiền đâu mà trả.