Bạc Liêu là địa phương có bờ biển dài 56km với ngư trường rộng lớn, kinh tế biển được xác định là một trong 5 trụ cột chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong đó, cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải được xem như một “đòn bẩy” hiệu quả để góp phần phát triển tiềm năng kinh tế biển của tỉnh.
Trước nhu cầu phát triển ngày càng mạnh của nghề khai thác đánh bắt thủy sản, khai khác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU) cảng cá Gành Hào đã không đủ đáp ứng nhu cầu và đã bộc lộ nhiều bất cập, kìm hãm sự phát triển của nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Chưa đáp ứng được mục tiêu đưa huyện Đông Hải trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển.
Trước thực tế trên, từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương, dự án nâng cấp, mở rộng, Cảng cá Gành Hào đã được tỉnh bạc Liêu triển khai, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nêu trên.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Gành Hào hướng đến đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I, qua đó đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa thủy hải sản cho tàu thuyền khai thác có công suất đến 600CV và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt những quy định về Luật Thủy sản 2017, góp phần cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) trong khai thác và đánh bắt thủy sản của tỉnh Bạc Liêu.
Theo ông Đức, Dự án cảng cá Gành Hào được thực hiện từ năm 2017-2021, với tổng nguồn vốn 180 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 120 tỷ đồng để đầu tư cho các hạng mục thủy công và ngân sách địa phương 60 tỷ đồng để đầu tư cho hạng mục trên bờ.
Dự án đã triển khai gồm 3 gói thầu thi công xây dựng, gói số thầu 08, 09 và số 10. Trong đó, hai gói thầu số 09 và số 10 mới ký hợp đồng tháng 12/2020. Riêng gói thầu số 08 thi công các công trình khu mở rộng gồm cầu tàu 600CV mới, trạm xử lý nước thải.
Tuy nhiên, khu phân loại dịch vụ hiện đang tạm ngưng thi công do trong quá trình thi công do ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ biển, dẫn đến công trình có nhiều hiện trạng thay đổi, do đó cần phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với tình hình thực tế.
Sau đó, điều chỉnh phương án làm tăng tổng mức đầu tư trên 270 tỷ đồng, cao hơn khoảng 90 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 80 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc chậm giải phóng mặt bằng cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án, cụ thể là 13 hộ trong khu vực cảng cá. Trong đó, một số hộ thuê điểm mua bán trong cảng cá, tự xây dựng nhà cửa nên việc xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, thời gian để thực hiện dự án thì chỉ còn khoảng 7 tháng để thi công các gói thầu. Nếu cuối năm 2021 không hoàn thành dự án, Trung ương sẽ rút nguồn vốn hỗ trợ.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, thông tin Cảng cá hiện tại đã quá tải, xuống cấp, nên không đáp ứng được nhu cầu hoạt động của ghe tàu. Chủ đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương triển khai thi công gia cố hố xói lòng sông để đảm bảo ổn định cho công trình.
Đối với các hạng mục còn lại của 3 gói thầu xây lắp không thể triển khai thi công do phải chờ thiết kế điều chỉnh được duyệt và thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Đến thời điểm này, dự án cảng cá Gành Hào thi công này rất chậm, Ban quản lý dự án Công trình NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cũng chậm trễ trong việc báo cáo những khó khăn, vướng mắc trên đến lãnh đạo tỉnh để tìm hướng khắc phục, tháo gỡ và thời gian còn lại để thực hiện dự án không còn nhiều, nếu các đơn vị có liên quan không quyết liệt trong công tác thi công thì dự án khó mà hoàn thành thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, yêu cầu, sắp tới, các đơn vị có liên quan phải tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp, hỗ trợ giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, để dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào phải tiếp tục triển khai thực hiện, quyết tâm phải hoàn thành dự án như thời gian đã định, nhất là cần quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng.
Để qua đó, khi dự án hoàn thiện, ngư dân Bạc Liêu nói chung và huyện Đông Hải nói riêng mới có thể làm giàu từ phát triển kinh tế biển, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân thực hiện tốt luật khai thác đánh bắt thủy sản, báo cáo nhật ký khai thác đúng quy định...qua đó góp phần đưa Bạc Liêu cùng với cả nước tháo gỡ thẻ vàng của EC.