
Toàn cảnh hội nghị liên ngành tháo gỡ thủ tục giao biển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Thanh Phương.
Ngày 21/2, tại Quảng Ninh, Sở NN-PTNT và Sở TN-MT Quảng Ninh phối hợp tổ chức hội nghị liên ngành tháo gỡ thủ tục giao biển nuôi trồng thủy sản cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Hội nghị nhằm họp bàn, tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục giao biển nuôi trồng thủy sản; thống nhất việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, xây dựng dự án, lập sơ đồ khu vực biển trong thủ tục hồ sơ đề nghị phê duyệt đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch khu vực biển nuôi trồng thủy sản với diện tích lên đến 45.146ha, bao gồm các vùng biển từ 03 hải lý đến ngoài 06 hải lý. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn đã tích cực hướng dẫn các địa phương lập phương án sử dụng không gian biển, cung cấp dữ liệu nền bản đồ địa hình đáy biển, đồng thời thành lập các tổ công tác để hỗ trợ trực tiếp các tổ chức, cá nhân trong việc lập hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản.
Tính đến ngày 20/02/2025, 91 tổ chức đã đề xuất các dự án và yêu cầu cấp phép, giao khu vực biển để thực hiện nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh. Trong đó, 64 đơn vị đã thực hiện lập dự án và xin ý kiến thuyết minh dự án; 22 đơn vị đã và đang thực hiện thủ tục về môi trường; 7 đơn vị đã được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển, số đơn vị còn lại đang triển khai các thủ tục liên quan.
Tuy nhiên hiện nay chỉ duy nhất HTX Thủy sản Trung Nam được cấp phép giao khu vực biển với tổng diện tích là 48ha. Theo đánh giá, kết quả cấp phép nuôi trồng thủy sản còn khá khiêm tốn, tiến độ chậm hơn so với quy định đề ra

Ông Trần Văn Bảo, đại diện HTX Thủy sản Thắng Lợi đề xuất những giải pháp tháo gỡ thủ tục nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Thanh Phương.
Tại hội nghị liên ngành tháo gỡ thủ tục giao biển nuôi trồng thủy sản, đại diện các doanh nghiệp, HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số nội dung cụ thể.
Đại diện HTX Thủy sản Thắng Lợi (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) - ông Trần Văn Bảo đề xuất: “2 Sở cùng các địa phương cần có hướng dẫn thủ tục hành chính cụ thể hơn, đồng thời đưa ra bộ tiêu chuẩn, quy trình để các đơn vị nuôi trồng thủy sản dễ áp dụng. Cùng với đó là việc thu phí thuê mặt biển theo công năng sử dụng, hỗ trợ nhiều hơn trong công tác hậu cần nghề cá thiết yếu…”.
Bên cạnh những đề xuất, một số doanh nghiệp cũng bày tỏ những khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Bà Vũ Thị Ngọc Quỳnh, đại diện HTX Vạn Lợi (TP Móng Cái) bày tỏ vướng mắc về việc địa phương chậm trễ trong việc ký xác nhận tọa độ, địa điểm nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, doanh nghiệp mong muốn Sở TN-MT sớm có hướng dẫn cụ thể về việc dự án có thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường hay không để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp phép nuôi trồng thủy hải sản.

Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Thanh Phương.
Trước những kiến nghị, vướng mắc từ các doanh nghiệp, HTX nuôi trồng thủy sản, đại diện Sở NN-PTNT, Sở TN-MT cùng các địa phương đã đưa ra những giải đáp cụ thể, chi tiết. Trong đó tập trung vào việc thực hiện các thủ tục liên quan đến lập, sửa đổi khu vực biển; duyệt thuyết minh dự án và đánh giá tác động của môi trường.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp phép nuôi trồng thủy sản, ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh nhấn mạnh:
“Trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản biển, vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong công tác lập dự án và thực hiện thủ tục môi trường. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc lập dự án chi tiết, dẫn đến việc các hồ sơ dự án không đạt yêu cầu, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển của tỉnh về nuôi trồng thủy sản biển. Ngoài ra, vấn đề xác định yêu cầu cụ thể theo thủ tục môi trường chưa rõ ràng dẫn đến các doanh nghiệp, hợp tác xã lúng túng trong quá trình thực hiện thủ tục này…”.

Việc giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản giúp người dân an tâm sản xuất. Ảnh: Thanh Phương.
Trong năm 2025, để hoàn thành công tác cấp phép và giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND các địa phương ven biển tới các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản thực hiện các hồ sơ về môi trường, cấp phép, giao khu vực biển theo quy định.
Đồng thời, UBND các địa phương cần bố trí, sắp xếp vị trí, diện tích nuôi trồng và xác nhận sự phù hợp của vị trí, ranh giới dự án đối với quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chuyên ngành của địa phương. Trong đó, không ảnh hưởng đến giao thông thủy và đảm bảo hiện trạng khu vực biển không chồng lấn dự án khác cũng như phù hợp với công tác bố trí, sắp xếp của địa phương.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, cần chấp hành nghiêm quy định về sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản và sự xắp xếp của UBND các địa phương trong tỉnh. Tập trung thời gian, nhân lực và nguồn lực, chủ động và bám sát hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, UBND địa phương để hoàn thiện các thành phần hồ sơ về môi trường, cấp phép, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; phấn đấu hoàn thiện các thủ tục này để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định trong tháng 3/2025.
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trước ngày 15/3/2025, các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện thủ tục. Đặc biệt, trong tháng 3/2025, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thủ tục giao khu vực biển cho ít nhất 40% doanh nghiệp, HTX đã hoàn thiện thủ tục; cấp phép nuôi trồng thủy sản cho ít nhất 70% và hoàn thành đánh giá tác động môi trường cho 100% doanh nghiệp, hợp tác xã đã hoàn thành thủ tục.
Với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương và các doanh nghiệp, HTX, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng đạt được nhiều thành công, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản, bảo vệ tài nguyên biển và nâng cao đời sống người dân ven biển.