| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 04/11/2019 , 14:10 (GMT+7)

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh chuyển đổi, phát triển mô hình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, công nghệ sinh thái đạt các tiêu chuẩn gắn với tiêu thụ sản phẩm và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, qua đó góp phần to lớn vào kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM).

20-30-21_dc_nguyen_nhn_chien_uy_vien_trung_uong_dng_bi_thu_tinh_uy_truong_don_dbqh_tinh_cung_cc_dc_lnh_do_tinh_thm_trng_tri_nong_nghiep_cong_nghe_co_ecofrm_ti_x_thuy_ho_yen_phong
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến (giữa) và Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Đại (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bắc Ninh.

Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Đại sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vậy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được địa phương xác định như thế nào trong mục tiêu này, thưa ông?

Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, Bắc Ninh tiếp tục chủ trương huy động tối đa nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã đảm bảo cho 96/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, vượt kế hoạch đến năm 2020 về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỷ lệ dân cư nông thôn tại Bắc Ninh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt xấp xỉ 100%, trong đó trên 67% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tỷ lệ người nghèo nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 87%, số hộ có nhà tiêu vệ sinh đạt 86%. Đặc biệt, tỷ lệ trường học và trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như hệ thống đê điều, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu… được tỉnh Bắc Ninh đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với gần 200km đê, hơn 3.000km kênh mương nội đồng được cứng hóa trên 52%, hàng năm, tỉnh Bắc Ninh đều có kế hoạch tu bổ, nâng cấp đảm bảo ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, tăng khả năng chống lũ, điều tiết nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh rất cơ bản và bền vững.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đổi mới cơ chế chính sách, thay đổi các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ là một trong những nội dung trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, ông có thể nói rõ hơn về điểm nhấn đổi mới này?

Trước đây, khi chưa có đề án tái cơ cấu, Bắc Ninh đã có rất nhiều Nghị quyết, chính sách hỗ trợ, thức đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, như hỗ trợ cải tạo cơ cấu giống, xây dựng mô hình, dự án quy mô lớn,…

Tuy nhiên, sau khi có Đề án, Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều nghị quyết và quyết định hỗ trợ toàn diện phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao gắn với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.

Các chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp bước đầu đã khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp, HTX, cá nhân, góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các tiến bộ về giống, công nghệ cao giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo động lực cho việc dồn điền đổi thửa, tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất của Bắc Ninh đạt 95%, khâu thu hoạch đạt trên 80%, khâu tưới tiêu đạt trên 95%, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt trên 50%.

Qua đó, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thương hiệu, tạo điều kiện liên kết sản xuất và mở rộng quy mô, góp phần phát triển sản xuất trên địa bàn theo đúng định hướng của tỉnh Bắc Ninh và Bộ NN-PTNT.

Vậy việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết, dịch vụ theo chuỗi đến nay kết quả ra sao, thưa ông?

Sau 5 năm tái cơ cấu, đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 505 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 310 HTX dịch vụ nông nghiệp và 195 HTX chuyên ngành nông nghiệp, dự kiến đến cuối năm 2019 này sẽ có thêm 18 HTX nữa đi vào hoạt động.

Tỉnh hiện đã hình thành được 250 trang trại tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng 172 trang trại so với năm 2013, trong đó 153 trang trại chăn nuôi, 49 trang trại trồng trọt, 27 trang trại thủy sản và 21 trang trại tổng hợp. Giá trị trồng trọt trên 1ha canh tác mỗi năm của Bắc Ninh liên tục tăng qua các năm, năm 2018 đạt 104 triệu đồng/ha, tăng xấp xỉ 13 triệu đồng/ha so với năm 2014.

Đây làm một trong những định hướng quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Ninh để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Théo đó, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Bắc Ninh đạt xấp xỉ 54 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2017 và tăng 22 triệu đồng so với 2013.

Bên cạnh đó, các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn đang từng bước được xây dựng, phát triển. Trong đó, các cơ sở sản xuất lúa, rau chất lượng cao, chăn nuôi hiện đại khép kín đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP đều đã có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hoặc có cửa hàng kinh doanh riêng.

Nhìn chung, đến thời điểm này có thể khẳng định quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới của Bắc Ninh đã và đang đi đúng hướng khi phát triển toàn diện, hiệu quả, bền vững trong xu hướng biến đổi quá nhanh của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa với các sản phẩm sạch, vành đai xanh, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung công nghệ cao, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, về lâu dài hướng tới việc hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu đô thị mới gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị.

Xin cảm ơn ông!

Sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh hình thành được một số chương trình liên kết điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất giống giữa Công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh với các HTX dịch vụ nông nghiệp, hàng năm sản xuất cung cấp ra thị trường 300 - 350ha lúa giống các loại; Chương trình liên kết sản xuất lúa thương phẩm Thiên ưu 8 giữa Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam VINASEED với huyện Quế Võ quy mô 20ha; Mô hình cánh đồng mẫu gắn với việc cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra liên kết với Công ty CP Đại Thành; Mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại vùng trồng rau trọng điểm cung cấp cho TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt là các mô hình liên kết chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao giữa các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam tại các huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.