Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau cải của gia đình tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Yên Viên (HTX Yên Viên), huyện Gia Lâm, Hà Nội, bà Hồ Thị Phương, 60 tuổi chia sẻ, hiện là thời đại của khoa học công nghệ nên nông dân như bà cũng phải bắt kịp các xu thế canh tác tiên tiến mới để sẵn sàng áp dụng trên đồng ruộng.
"Càng học nông dân chúng tôi càng thêm nhiều kiến thức, từ đó vận dụng trong canh tác sẽ chắc chắn hơn. Nhờ vậy, bà con HTX Yên Viên chúng tôi đã sản xuất ra được những sản phẩm rau xanh đảm bảo chất lượng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đơn cử như hệ thống tưới bán tự động mà anh thấy, do chính xã viên chúng tôi tìm tòi, học hỏi nhau để triển khai trên diện rộng như hiện nay", bà Phương cho biết.
Vừa vận hành hệ thống tưới tự động, bà Phương vừa kể, trước kia bà con nông dân trồng rau ở Yên Viên đều phải tưới thủ công, công đoạn này rất bất tiện và tốn rất nhiều sức lao động nên các xã viên đã vận động nhau đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động để giải phóng sức lao động.
Các xã viên của HTX Yên Viên đánh giá, áp dụng hệ thống tưới bán tự động tiết kiệm nước giúp cây trồng tăng năng suất 25% và giảm công lao động rõ rệt. Đặc biệt là lượng nước tiết kiệm được từ 40-45% so với phương pháp tưới truyền thống.
Với khoản đầu tư 2-3 triệu/sào cho một hệ thống tưới bán tự động, bà Hồ Thị Phương khẳng định, dễ dàng thu hồi vốn nhờ doanh thu bán rau đạt khoảng 5 triệu/sào/tháng. Nhờ giải phóng được công lao động tưới rau, bà Phương mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác từ 2 lên 4 sào.
Được biết, hiện toàn bộ 10,5ha canh tác rau của HTX Yên Viên đều đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động, doanh thu mỗi năm của hơn 800 xã viên HTX đạt trung bình 1 tỷ đồng/ha.
Ông Ngô Duy Hưng, Giám đốc HTX Yên Viên cho biết, áp dụng hệ thống tưới bán tự động giúp bà con xã viên giảm rất nhiều công lao động và lượng nước tưới. Cùng với đó, cây trồng nhờ được cung cấp nước đầy đủ, cân đối nên sinh trưởng, phát triển đồng đều. Nhờ vậy, sản phẩm rau cải xanh của HTX Yen Viên được TP. Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao năm 2021.
"Trước kia, tưới thủ công mất tới nguyên một buổi sáng, một người cũng chỉ có thể tưới được 2-4 sào, nhưng nay áp dụng hệ thống tưới bán tự động, chỉ bằng một thao tác dập cầu dao, hệ thống tưới sẽ tự vận hành, thời gian đó bà con tranh thủ làm được rất nhiều công việc khác trên đồng", ông Ngô Duy Hưng tâm sự.
Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lâm Nguyễn Trung Hiếu, cho hay, việc đưa kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm vào sản xuất rau không chỉ giúp giảm lượng nước tưới, giảm công lao động, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại, sâu bệnh hại mà còn góp phần thay đổi dần tập quán canh tác của nông dân, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác trên một diện tích và đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Thực hiện chủ trương của UBND TP. Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm, toàn bộ vùng sản xuất rau của huyện Gia Lâm đến năm 2025 sẽ chuyển hướng sang canh tác công nghệ cao, VietGAP và hữu cơ. Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lâm (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội) sẽ triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về canh tác an toàn, hữu cơ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.