Điểm tựa cho ngư dân
Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, có diện tích khoảng 2,5km2 khi thủy triều lên và 4km2 khi thủy triều xuống, cách đất liền khoảng 140km. Cuộc sống của người dân trên hòn đảo này có nhiều thiếu thốn, ban ngày thường nhộn nhịp với tàu thuyền đánh cá, nhưng đêm đến rất vắng vẻ, thường chỉ có ngọn hải đăng lặng lẽ tỏa sáng chỉ đường cho các tàu thuyền đi lại.
Là hòn đảo tiền tiêu nằm giữa vịnh Bắc Bộ, ngư trường Bạch Long Vĩ thường xuyên có lượng lớn tàu, thuyền ngư dân từ khắp cả nước đến khai thác thủy sản. Do đó, khi có sóng to gió lớn, đặc biệt là những đợt có bão lớn tràn về Vịnh Bắc bộ, huyện đảo Bạch Long là nơi tránh trú bão cho hàng nghìn tàu thuyền và là điểm tựa vững chắc cho ngư dân khi đang lênh đênh mưu sinh giữa biển khơi.
Anh Trần Văn Quý, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi có tàu neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vĩ cho biết đã có thời gian đi biển gần 20 năm và nhiều lần vào tránh trú bão trong âu tàu thuộc đảo Bạch Long Vĩ. Mỗi lần vào đây đều trong tình trạng không kịp về đất liền, thiếu thốn đủ thứ nhưng luôn được các lực lượng chức năng hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản.
“Chúng tôi lênh đênh trên biển mưu sinh, đôi lúc sóng gió không cập nhật được thông tin thường xuyên, khi biết tin có bão thì đã cận kề. Lúc này nếu không có khu tránh trú bão Bạch Long Vĩ thì chúng tôi thật sự không biết phải xử lý như thế nào và không biết tránh trú ở đâu”.
Trong khi đó, là một ngư dân ở Hải Phòng, mỗi chuyến đi biển kéo dài chưa đến 1 tháng trời nhưng ông Nguyễn Đức Hòa, trú tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, chủ tàu vỏ gỗ HP- 92368 TS cho biết, đảo Bạch Long Vĩ là điểm đến quen thuộc của ông và đội tàu khi đi đánh bắt hải sản ở ngư trường này suốt mấy mươi năm qua.
Với ông Hòa, đảo Bạch Long Vĩ không chỉ là nơi tránh trú bão an toàn cho ngư dân mà còn là nơi để các tàu cá cập cảng, lên đảo mua rau xanh, bổ sung nước ngọt trong những chuyến đi dài ngày lênh đênh trên biển.
“Trên đảo Bạch Long Vĩ có đầy đủ đồ thiết yếu phục vụ nhu cầu thường ngày, do vậy, ngoài những dịp bão gió, chúng tôi thường ghé đảo để chúng tôi thường ghé để mua nhu yếu phẩm, rau xanh, nghỉ ngơi lấy sức và sửa chữa phương tiện nếu bị trục trặc”, ông Hòa bộc bạch.
Là người đứng đầu Trạm Kiểm ngư Bạch Long Vĩ (Chi cục Kiểm ngư vùng I) và gắn bó với hòn đảo này nhiều năm, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, ngoài nhiệm vụ chính là thực thi pháp luật trên biển với đánh bắt thủy sản, lực lượng kiểm ngư tại đây cũng là một trong những thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bạch Long Vĩ.
Khi có bão bão đổ bộ, lực lượng kiểm ngư tham gia tuyên truyền cho người dân, kiểm đếm tàu thuyền và hỗ trợ di dân, chằng chống tàu thuyền để đảm bảo an toàn tốt nhất cho ngư dân khi họ ghé đảo Bạch Long Vĩ tránh, trú .
Bạch Long Vĩ một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc bộ, dân số trên đảo hiện nay có khoảng 700 người. Tại ngư trường này, luôn có hàng nghìn tàu, thuyền của ngư dân trong cả nước tham gia đánh bắt hải sản.
“Trạm Kiểm ngư chúng tôi có 4 người, được bố trí 2 xuồng, khi có bão chúng tôi luôn tích cực hỗ trợ ngư dân để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Về lương thực, thực phẩm, thuốc men thì chính quyền phải bố trí, thường thì người dân chỉ tránh trú bão chỉ 2 - 3 ngày, chính quyền đã có kế hoạch chuẩn bị và dự trữ từ đầu năm như mì tôm, gạo… nên khi bão xảy ra cơ bản là không vướng mắc và người dân hoàn toàn yên tâm khi vào tránh trú bão suốt bao năm qua”, ông Nam chia sẻ.
Phòng là chính, chống phải tích cực
Theo UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, những năm qua, việc phòng chống thiên tai ở trên đảo được chuẩn bị và triển khai trên tinh thần “Phòng là chính, chống phải tích cực”, đồng thời thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Hàng năm, ngoài ban hành kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đầu năm huyện sẽ tổ chức diễn tập với hai nội dung. Thứ nhất là diễn tập về việc vận hành cơ chế, triển khai phương án phòng chống bão.Thứ hai là diễn tập về việc thực hành kêu gọi kiểm đếm tàu thuyền trên biển, sơ tán người dân về nơi tránh trú an toàn.
Khi các cơn bão đổ bộ, huyện Bạch Long Vĩ ban hành thông báo và triển khai tuyên truyền thường xuyên trên các hệ thống loa truyền thanh thông tin về cơn bão để người dân, ngư dân phòng, tránh. Mặt khác, sẽ huy động đầy đủ lực lượng, phương tiện bảo đảm sẵn sàng cho công tác phòng, chống bão, rà soát, bảo đảm lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ người dân khi cần thiết.
Cùng với đó sẽ thông tin, kêu gọi các phương tiện còn đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn và đôn đốc, hướng dẫn ngư dân trên các phương tiện neo đậu trong cảng neo buộc, chằng chống tàu thuyền.
Với những trường hợp ngư dân không kịp về đất liền, phải ở lại thì sẽ bố trí lực lượng quân đội và các lực lượng trên đảo hỗ trợ ngư dân chằng chống, neo buộc tàu thuyền an toàn. Đối với những khu vực dân thuộc khu vực xung yếu, sẽ có phương án di dời người dân về nơi tránh trú bão an toàn là khu nhà đa năng của huyện, công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, liên đội thanh niên xung phong và các khu vực khác an toàn trong phòng tránh trú bão.
Ông Đào Minh Đông - Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết, ngư dân trên đảo chủ yếu đánh bắt thủy hải sản, khi có cơn bão, tùy theo cường độ của bão để lực lượng chức năng sẽ có phương án ứng phó và di chuyển ngư dân vào nơi an toàn. Về cơ bản từ trước đến nay không thiệt hại gì nhiều do đã chủ động trong việc thông tin, khi có bão thì các tàu đánh cá cơ bản đã được thông báo và buộc phải vào đất liền hết, còn lại ở đảo chủ yếu là những tàu nhỏ.
Tuy vậy, có những đợt cao điểm, hàng chục tàu cá không về kịp, lực lượng chức năng phải hỗ trợ cả trăm người, đưa lên đảo rồi vào tránh trú bão tại Khu thanh niên xung phong, tòa nhà đa năng của huyện Bạch Long Vĩ, lo nơi ăn uống, nghỉ ngơi… khi đảm bảo an toàn mới cho xuống thuyền tiếp tục vươn khơi.
Cũng theo ông Đông, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã được quy hoạch xây dựng thành trung tâm nghề cá, tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc. Với định hướng này, trong nhiều năm qua, huyện tập trung cao cho việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và đã xây dựng cảng cá Tây Nam. Cùng với đó, hiện tại huyện đang xây dựng cảng cá Tây Bắc, sau khi hoàn thiện, 2 cảng cá sẽ đảm bảo nơi neo đậu, tránh trú bão cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường.
Tuy vậy, hiện nay việc phòng chống thiên tai trên đảo Bạch Long Vĩ gặp không ít khó khăn do điều kiện khách quan. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là cảng cá Tây Nam mới là loại 3 nên chỉ đảm bảo cho tránh trú gió, chưa đảm bảo cho tránh trú bão. Nhiều cơn bão lớn đổ bộ, tàu thuyền không kịp di chuyển về đất liền, buộc phải vào đây để tránh trú, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Do đó, thời gian tới cần được quan tâm đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu thực tế trong phòng chống thiên tai.
Theo ông Nguyễn Hồng Sinh, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc, những năm gần đây, các cơn bão trên Vịnh Bắc bộ có hướng đi phức tạp, khó lường. Ngoài bão, áp thấp nhiệt đới cũng gây ra hiện tượng giông lốc, sét, mua đá, gió giật ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, việc dự báo thời tiết, thiên tai trên Vịnh Bắc bộ có nhiều khó khăn hơn so với trên đất liền, trên vịnh mới chỉ có 1 trạm dự báo đặt tại đảo Bạch Long Vĩ.