| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng vật lộn với xâm nhập mặn

Thứ Ba 14/11/2023 , 08:56 (GMT+7)

Hải Phòng là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất do biến đổi khí hậu, trong đó xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Xâm nhập mặn đe dọa nhiều vùng sản xuất

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều năm trở lại đây, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Hải Phòng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về cả mức độ và cường độ.

Kiểm tra độ mặn ở hệ thống thủy lợi An Kim Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Kiểm tra độ mặn ở hệ thống thủy lợi An Kim Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn cử như tại khu đồng Chiều, thôn Kinh Điền, xã Tân Viên huyện An Lão vào vụ xuân năm 2023, khi lúa đang bước vào giai đoạn sinh trưởng, phát triển thì tình trạng xâm nhập mặn diễn ra, kèm theo mùa mưa đến muộn khiến nhiều diện tích sản xuất lúa tại các địa phương thiếu nước kéo dài.

Trước khó khăn này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ lắp đặt máy bơm dã chiến, bơm liên tục từ kênh cấp 1 vào kênh mương nội đồng rồi người dân tiếp tục bơm nước lên ruộng lúa, chống hạn.

“Diện tích sản xuất nông nghiệp của chúng tôi hơn 350 ha. Những năm gần đây, tình trạng hạn, mặn xâm nhập sâu, xã có hơn 100 ha lúa bị thiếu nước. Địa phương phải kiến nghị huyện và Công ty thủy lợi Đa Độ bố trí lắp đặt 3 máy bơm dã chiến tại khu đồng Chiều, hoạt động 20/24h mới đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Vĩ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Viên thông tin.

Tại huyện Tiên Lãng, một trong hai địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất Hải Phòng, dù mùa khô năm 2023 mới bắt đầu, nhưng tình trạng xâm nhập mặn tại các cống đầu mối trên địa bàn tăng cao, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024.

Thời gian qua, nhiều cống thủy lợi ở huyện Tiên Lãng phải hoành triệt để ngăn chặn xâm nhập mặn. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, nhiều cống thủy lợi ở huyện Tiên Lãng phải hoành triệt để ngăn chặn xâm nhập mặn. Ảnh: Đinh Mười.

Những ngày đầu tháng 11/2023, mực nước sông Thái Bình lên cao, nhưng tại cống Rỗ Mới (xã Quyết Tiến), công nhân không thể mở cống để lấy nước bổ sung vào hệ thống do độ mặn cao hơn mức cho phép nhiều lần.

Trong khi đó, ở xã Vinh Quang, ngay sau khi hoàn thành việc thu hoạch lúa mùa và rau màu, UBND xã đã phải cấp tốc yêu cầu các thôn vận động người dân tham gia chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương kết hợp đắp bờ, mở rộng bờ vùng bờ thửa tại 3 tuyến kênh với chiều dài hơn 2.000m. Đồng thời sửa chữa, khắc phục bất cập cống Bà Nhông và khuyến khích người dân sử dụng giống lúa có khả năng chịu mặn để ứng phó lâu dài với xâm nhập mặn.

Ông Vũ Hồng Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng cho biết, vụ đông xuân 2023-2024, huyện Tiên Lãng đặt mục tiêu tổ chức sản xuất lúa trên diện tích 5.646 ha và trồng 2.100 ha rau màu trở lên. Do đó, để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, công tác phòng, chống xâm nhập mặn thời gian qua được địa phương triển khai quyết liệt, cấp bách

Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Tiên Lãng (Công ty thủy lợi Tiên Lãng), hệ thống thủy lợi Tiên Lãng có 3 cống đầu mối chính là: Rỗ Mới, Rỗ Cũ và Sông Mới. Thời gian qua, do lượng mưa thấp, tình trạng xâm nhập mặn đến sớm và nồng độ cao hơn so với nhiều năm trước.

Mới nhất, con nước cuối tháng 10/2023, có tới 2 ngày độ mặn cao, không thể vận hành cống lấy nước bổ sung vào hệ thống. Với những ngày còn lại thời gian lấy nước không nhiều, chỉ từ 2 đến 3 tiếng, trong khi nhu cầu mỗi con nước phải lấy nước từ 8 đến 10 tiếng. Do không có nước bổ sung, nên nửa tháng nay đơn vị không thể thực hiện việc thau đảo, nếu kéo dài nguy cơ ô nhiễm nguồn nước gia tăng.

Để ngăn chặn hiệu quả xâm nhập mặn, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, Công ty thủy lợi Tiên Lãng đã ký hợp đồng với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Đông Bắc để triển khai việc đo độ mặn tự động tại các cống đầu mối trên hệ thống, tận dụng tối đa thời gian lấy nước ngọt vào hệ thống.

Bên cạnh đó, khẩn trương sửa chữa, chống rò rỉ tại cống đầu nguồn, xử lý hoành triệt các cống cuối nguồn không để rò nước ngọt, nhiễm nước mặn vào đồng. Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, sửa chữa máy móc thiết bị các công trình cống, đập, trạm bơm, kênh mương và sẵn sàng vận hành 75 trạm bơm điện trong hệ thống để bơm nước bổ sung vào hệ thống.

“Việc lấy nước vụ đông xuân 2023-2024 diễn ra từ tháng 11/2023 đến 5/2024 và có 39 cống có thể lấy được nước phục vụ sản xuất. Gần đây, xâm nhập mặn chiều hướng tăng cao, nước mặn ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi của 18 xã, thị trấn khu vực Nam sông Mới. Riêng năm 2023, mùa khô mới bắt đầu, nhưng độ mặn có thời điểm lên tới 3-4‰, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất của địa phương”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, tại hệ thống thủy lợi lớn nhất Hải Phòng - hệ thống thủy lợi Đa Độ, thời gian qua, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài khiến việc lấy nước vào hệ thống thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

Riêng trong năm 2023, thời điểm xâm nhập mặn diễn ra, ít nhất có khoảng hơn 200 ha lúa trên địa bàn các huyện: An Lão, Kiến Thụy và quận Dương Kinh xuất hiện tình trạng thiếu nước. Cao điểm nhất là tháng 3, độ mặn tăng cao bất thường, có thời điểm lên đến 5,6‰, gấp 8-9 lần so với các năm trước. Do vậy, mực nước trung bình trong hệ thống thủy lợi Đa Độ thấp hơn so với yêu cầu khoảng 25cm. Nước nhiễm mặn, lượng nước trong các hệ thống kênh mương nội đồng không được bổ sung dẫn tới cạn kiệt, khô hạn.

Lắp hệ thống quan trắc tự động đo độ mặn ở hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Lắp hệ thống quan trắc tự động đo độ mặn ở hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: Tình trạng xâm nhập mặn với hệ thống thủy lợi do công ty quản lý ngày càng phức tạp, xâm nhập sâu, đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, có những thời điểm đã phủ kín trên toàn hệ thống.

Vào đầu vụ (tháng 11, 12), nước mặn đã xâm nhập đến cả cửa cống Trung Trang với nồng độ vào thời điểm cao nhất đo được là 3,7‰. Thực trạng này khiến việc lấy nước vào hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất rất khó khăn, chúng tôi chỉ có thể lấy 1/3 thời gian so với những năm trước và kế hoạch đề ra.

Trước khó khăn như vậy, công ty đã tập trung tất cả nguồn lực và các giải pháp về phòng chống nhiễm mặn, tăng cường công tác điều tiết các tiểu vùng, tăng cường lấy nước ở cống Trung Trang khi điều kiện cho phép để thau chua, rửa mặn, thau đảo nguồn nước. Đồng thời thực hiện các biện pháp công trình để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm nhập mặn vào hệ thống thủy lợi.

Nâng cấp hệ thống cống dưới đê để phục vụ điều tiết nước, ngăn chặn xâm nhập mặn hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

Nâng cấp hệ thống cống dưới đê để phục vụ điều tiết nước, ngăn chặn xâm nhập mặn hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi luôn làm tốt công tác chống xâm nhập mặn để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, trong tương lai, trước tình trạng xâm nhập mặn như thế này, chúng tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa, thứ nhất là tổ chức nghiên cứu và sau đó là đầu tư kinh phí để triển khai các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ nguồn nước trong hệ thống thủy lợi”, ông Trai chia sẻ.

Xâm nhập mặn ở Hải Phòng thời gian qua xảy ra ở hầu khắp các hệ thống thủy lợi, trong đó có cả hệ thống An Kim Hải. "Trong những năm vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn tại các cửa sông tương đối sâu và độ mặn tương đối cao. Ví dụ tháng 11/2019, xâm nhập mặn lên đến cống Tịnh Thủy, hệ thống các cống ngang 2 triền đê hữu sông Cấm và Tả Lạch Tray, chúng tôi chỉ còn mỗi cống Kim Sơn là có thể lấy được nước vào hệ thống thống thủy lợi. Việc lấy nước hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước lấy từ Kim Thành, Hải Dương thông qua cống Bàng Lai và Quảng Đạt", ông Vũ Xuân Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.