“Đây không phải là lỗi của con. Đây là do nghịch cảnh của xã hội thôi. Gia đình quá nghèo, quá khó khăn nên cha mẹ mới giới thiệu như vậy bởi muốn con có được cuộc sống tốt hơn. Nhưng chẳng may rơi vào hoàn cảnh như thế này, mình phải chấp nhận sự thật và đối mặt với nó. Chứ bây giờ con cứ nghĩ đây là lỗi của mình, rồi hành hạ bản thân mình thì được cái gì? Con phải đứng lên để còn làm trụ cột trong gia đình, lo cho ông, lo cho em, lo cho con, lo cho cháu”, bà Trương Kim Ênh - Phó trưởng phòng Phòng Chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu kể. Trong 4 vụ án cha mẹ bị xử tội mua bán con dưới 16 tuổi ở tỉnh Bạc Liêu thì đây là hoàn cảnh trớ trêu và bi đát nhất…
Tôi về ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình trong một ngày cuối tháng 8. Căn nhà mới của Huỳnh Thị Gia H. (hay còn gọi là Huỳnh Thị Da H.) nằm sát mép kênh Cái Cùng, được bộ đội biên phòng kêu gọi mạnh thường quân xây ủng hộ. Kế bên là căn nhà của ông nội cô, mái tôn, vách tôn đã mục nát, nóng như nung. Một đứa trẻ chừng 3 tuổi, chân tập tễnh, tay còng queo, miệng tri trô những lời không rõ. Đó chính là đứa con lai Trung Quốc của H. mà ngay cả cô cũng không biết gia đình chồng đã lấy tinh trùng từ ai vì bản thân chồng bị vô sinh.
Câu chuyện đẫm nước mắt của cô gái sinh năm 2001 bắt đầu vào năm 2015, khi đang học lớp 9. Đó cũng là thời điểm mà Ngô Thị Mỹ Chi có chồng và sinh sống ở Trung Quốc về nhà tại ấp Vĩnh Tiến dự đám hỏi vợ của Ngô Thanh Lang là em ruột cưới Huỳnh Thị Cẩm Tiên là chị ruột của Huỳnh Thị Gia H. Thấy H. dễ coi nên Chi bắt đầu gạ gẫm.
“Chị ấy nói mai mối cho em sang Trung Quốc lấy chồng nhưng em cũng cười cho qua, bởi lúc đó đang học lớp 9. Sau đám hỏi thì chị ấy đi về bển, đám cưới xong thì mới liên hệ với chị gái của em. Lúc trước, chị gái em với anh rể em xài chung một cái điện thoại, có wechat (ứng dụng nhắn tin, gọi điện thoại rất phổ biến ở Trung Quốc). Nói chuyện qua lại thì chị ấy bảo bên đó có người muốn mai mối, kêu chị gái em hỏi ý em, ý mẹ em. Mà lúc đó mẹ không biết nhiều, chỉ bảo quyết định là ở em, em đi hay không là do em. Gia đình em ban đầu không có chịu.
Cha em làm nghề bốc vác muối, cát, đá hay đồ ăn, hơn 40 tuổi đã bị bệnh đau cột sống đâu có lao động được nhiều nên phải vay nợ. Nợ gốc có mấy chục triệu nhưng cộng dồn lãi tới hơn 140 triệu. Các chủ nợ cứ 4-5 người, sáng, trưa, chiều lại đòi rồi chửi, nói những lời rất nặng. Thương cha mẹ quá nên em mới đồng ý sang Trung Quốc lấy chồng”, H. tâm sự.
Tháng 11/2016, Ngô Thị Mỹ Chi đã nhờ Ngô Văn Vĩnh là cha ruột đang lao động bên Trung Quốc về đón H. với số tiền sính lễ 97 triệu đồng. Nơi lấy chồng thuộc về vùng nội mông, một miền núi rất xa của Trung Quốc, mùa đông tuyết rơi trắng xóa khiến cho cô gái lúc đó nặng chỉ 40 kg thường cảm thấy rét run người. Ngày nào cô cũng nhớ cha mẹ, nhớ về Việt Nam, nhớ tiếng Việt nữa.
Hành trình trốn chạy 7 ngày 7 đêm
Chồng của H. là một người không bình thường. Những lúc lên cơn tâm thần, có những chuyện không vui với bố mẹ thường kiếm cớ để trút giận lên vợ. “Nó đập đồ xung quanh, em hỏi thì nó đánh, trói rồi bóp cổ. Sức nó mạnh hơn em nhiều, không chống lại được. Nhà chồng sống theo phòng xen kẽ nên lúc đầu không ai biết, về sau mới hay”.
Lúc đầu bị đánh đập H. giấu, không dám báo cho gia đình biết, với lại chưa biết tiếng Trung Quốc. Sau này cô xem tivi tự học tiếng, bắt đầu hiểu chuyện mới tìm cách liên lạc với chị gái Huỳnh Thị Cẩm Tiên qua zalo và singnow bởi mẹ mình không có điện thoại. Chị gái nói chuyện cô bị đánh đập bên Trung Quốc với người chồng khi đó là Ngô Thanh Lang, ngỏ ý muốn Ngô Thị Mỹ Chi đưa em mình về. Nhưng anh này chỉ nghe lời bố mẹ, chị gái mình. Trong một lần tức giận anh ta đã lôi Tiên đang mang thai hơn 7 tháng ra đánh khiến cho con của cô bị chết ngay trong bụng…
Khi biết con mình thường xuyên bị đánh đập, bố, mẹ và em trai của H. mới theo gia đình thông gia vượt biên sang Trung Quốc để làm thuê, bẻ bắp, giữ bò cho chính gia đình chồng của cô với mục đích lấy tiền để dẫn con về. Khoảng 3 tháng sau, đủ tiền cứu thì gia đình Ngô Thị Mỹ Chi không chịu đưa cô về Việt Nam. Họ dọa nếu H. về thì sẽ để cha mẹ và em trai cô tự mò đường về chứ không ai dẫn lối. Mẹ ruột của Chi còn nói với cha mẹ cô rằng dẫn H. về Chi sau này về sẽ bị công an bắt. Chi lấy chồng bên Trung Quốc cuộc sống cũng cực khổ, không hợp với mẹ chồng nên rất muốn về Việt Nam. Sợ cha mẹ và em trai bị bỏ bên Trung Quốc nên H. nói cha mẹ về trước đi vì mẹ ruột Mỹ Chi hứa đến cửa khẩu sẽ kiếm người rước cô về.
Nhưng lời hứa chỉ cũng chỉ như mây, như khói khiến cho cô gái trẻ chờ đợi trong mỏi mòn, dưới những trận đòn roi liên miên của gia đình chồng. Chồng của H. không bình thường cả về tâm hồn lẫn thể xác, bị vô sinh nhưng là người kế thừa của dòng họ nên vẫn bị ép lấy vợ.
Cô kể: “Cô của chồng làm trong bệnh viện, có bảo với em rằng tinh trùng của chồng em chết nhiều, phải đi cấy tinh trùng, còn của ai em không có rành vì đó là chuyện của gia đình họ. Em suy nghĩ rằng nếu được đi cấy tinh trùng thì mình sẽ tìm đường bỏ trốn tiếp. Ở chỗ có bệnh viện thì mới có xe chứ ở nhà chồng không có.
Nhưng đi chung một chiếc xe đến bệnh viện với em có 4 người gồm dượng, cô chồng, mẹ chồng và ông nội chồng theo canh chừng. Em đi vệ sinh còn có cô chồng và mẹ chồng theo. Từ nhà ra tới bệnh viện chỗ cô chồng làm khoảng 2 tiếng chạy xe. Đó là một bệnh viện đàng hoàng, có sử dụng giấy tờ. Họ lấy giấy tờ của Ngô Thị Mỹ Chi - chị chồng của chị em bởi dáng người tương đương, khuôn mặt thì hồi ấy Covid phải đeo khẩu trang suốt cũng chẳng mấy ai để ý. Tuy nhiên lần cấy này không thành công.
Lần thứ hai, họ đưa em đến một bệnh viện đen, không hợp pháp, không sử dụng giấy tờ. Đi ở nhà từ 5 giờ sáng mà chiều mới tới nơi. Vô bệnh viện họ lấy mỗi lần 5-8 ống máu để xét nghiệm, hoàn thành hết họ bảo cấy được rồi đánh thuốc mê em. 1 tháng sau em quay trở lại xét nghiệm họ báo không thành công do sức khỏe yếu, về dưỡng sức đi rồi mới cấy tiếp được chứ cứ làm liên tục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Cấy tinh trùng cũng giống như một lần đi sanh nở vậy đó. Ông nội của chồng mới dắt em về nhà, lấy một loại thuốc ngày nào cũng chích 3 mũi vào vai, hông và bụng em. Chích đâu khoảng hơn 1 tháng em bị tê liệt chân, chỉ nằm trên giường, ngồi dậy là đau, đi đứng khó khăn”.
Đầu năm 2020 gia đình H. ở Việt Nam gửi cho cô số điện thoại của một người đàn ông thuộc tổ chức phi chính phủ Trẻ em Rồng Xanh. Người này cùng với một phụ nữ nữa đã bày cho cô cách bỏ trốn.
“Em ơi, chị tới ở đầu ngõ rồi. Em chuẩn bị đi”. Người phụ nữ thuộc tổ chức Trẻ em Rồng Xanh gọi cho H. Lúc này may là cả gia đình chồng chỉ có người già ở nhà. H. nói rằng mình đi sang nhà họ hàng chồng ở gần đó chơi rồi thừa cơ bỏ trốn với bộ đồ mặc trên người cùng cái mũ và cái điện thoại:
“Khi lên xe, chị kêu em nằm xuống và đắp cái mền (chăn) lên để đi qua đoạn gần đó đang làm nhà, nhiều người biết em. Lúc bỏ trốn nhà chồng cũng không biết em mang thai và bản thân em cũng không biết vì thai đã lớn nhưng không có bụng. Xe đi liên tục, đến chỗ nào vệ sinh, mua đồ ăn thì nghỉ xíu rồi lại đi tiếp. Đi chừng 7 ngày thì về anh chị dẫn em băng qua núi về Việt Nam vì em không có giấy tờ.
Đi trong bóng tối, không đèn khoảng hơn 1 tiếng, quá mệt thì tới đồn biên phòng của tỉnh Cao Bằng rồi một mình em vào. Ở đây 15 ngày để cách ly Covid thì em về Hà Nội chừng 1 tuần để dưỡng sức. Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh mới chở em đi khám thì biết có bầu. Khi em về quê, tới Bạc Liêu cũng không ai biết có bầu vì rất ốm (gầy), chỉ 42 kg. Về được 2 ngày thì em sanh, được một cặp một trai, một gái. Bé gái thì sức khỏe bình thường, được hơn 5 tháng, đi chích ngừa ở Trạm Y tế, sau 2 ngày thì mất. Bé nam khi đó bị bệnh không đi chích”. (còn nữa).
“Có lần em tìm cách trốn đi nhưng bị bắt lại. Cô chồng là người đánh em trước rồi đem về nhà xích lại tới 4-5 ngày. Mỗi lần em đi vệ sinh phải có cô chồng dẫn. Sau đó em phải quỳ lạy từng người của gia đình chồng, hứa không bỏ trốn nữa thì họ mới tha”, Huỳnh Thị Gia H. kể.