| Hotline: 0983.970.780

Người miền xuôi ở nơi miền ngược

Bài 2. Chuyện của những người đến sau nhưng luôn đi trước

Thứ Bảy 08/05/2021 , 08:17 (GMT+7)

Người miền xuôi định cư ở Xóm Hòa Khê 1 (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã hơn 60 năm và hiện tại nơi đây nổi danh với nghề làm chè.

Niềm vui người nông dân có đất

Được công nhận năm 2014, Hoà Khê 1 là làng nghề chè truyền thống đầu tiên của xã Văn Hán - vùng chè lớn nhất của huyện. Đây cũng là xóm của những người miền xuôi lên làm kinh tế mới.

Trưởng xóm kiêm Trưởng làng nghề chè xóm Hòa Khê 1 là ông Đoàn Văn Vạn, quê gốc xã Đức Thắng huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), theo cha mẹ lên khai hoang từ năm 1963. Ông Vạn nhớ lại: Năm đó, tôi lên 8 tuổi, nghe cha tôi là cụ Đoàn Văn Bình, lúc đó 45 tuổi, là đội trưởng đội sản xuất ở quê, bàn với các bác các chú trong họ là ở quê đất chật người đông, muốn làm cũng không có đất đai mà làm.

Nghe người chú làm cán bộ trên Thái Nguyên nói trên ấy còn nhiều nơi mới có ít bà con dân tộc ở, đất rừng bỏ hoang nhiều lắm. Nhà nước đang có chính sách động viên người miền xuôi lên khai hoang, nhiều thuận lợi. Các cụ đơn thuần là những người nông dân chân lấm tay bùn, chỉ tính đến cái lợi là lên vùng đất mới sẽ có đất đai rộng rãi để làm ăn không bị đói khổ, đồng thời nhường lại đất ở quê cho người thân.

Ba gia đình họ hàng trong xóm đã nghe theo ông Bình, đem toàn bộ con cái, tài sản lên vùng kinh tế mới, chỉ với một nguyện vọng duy nhất là được đến nơi nào càng nhiều đất đai càng tốt.

Ông Vạn cười hóm hỉnh, đấy, chỉ vì ham nhiều đất mà ông bà tôi đến tận cái nơi “khỉ ho cò gáy” này. Những năm đó đất rộng ít người ở, các đoàn khai hoang khác  họ chọn ngay gần trung tâm huyện, còn chúng tôi vào tận xứ đồng Na Bó nơi vốn dĩ chỉ có 1 gia đình người dân tộc ở nhưng họ cũng bỏ đi lâu rồi.

Thế hệ thứ 4 của các gia đình từ miền xuôi lên khai hoang, thành lập xóm Hoà Khê 1. Ảnh: Nguyễn Toán.

Thế hệ thứ 4 của các gia đình từ miền xuôi lên khai hoang, thành lập xóm Hoà Khê 1. Ảnh: Nguyễn Toán.

Ký ức về miền quê mới buổi ban đầu trong tâm trí ông Vạn là những rừng cây nối tiếp nhau, những nương đốt bãi của đồng bào du canh du cư bỏ hoang nhiều mùa cây cỏ mọc um tùm, những con đường mòn bị phủ kín bởi những cây dương xỉ và cây dại.

Thuộc lớp người đầu tiên mang gia đình lên khai hoang, cụ bà Đoàn Thị Loan, 85 tuổi, kể, ban đầu chúng tôi được các gia đình ở gần xung quanh cho ở nhờ nhà. Họ tốt lắm, coi người xuôi lên khai hoang như người thân. Chúng tôi ở nhà quê đang thiếu công ăn việc làm, vớ được đất tha hồ làm, nhà nào nhà nấy phấn khởi, hăm hở lắm.

Xa quê, lại đều là những người anh em họ hàng ruột thịt, cả 4 gia đình xúm lại cùng nhau làm mọi việc để nhanh chóng ổn định cuộc sống, cùng đốt cây phát bãi để tra ngô, lúa, trồng lạc, đỗ, chặt cây dựng nhà ở. Làm chung, ăn cũng chung, như ở tập thể vui lắm.

Nhờ chăm chỉ và căn cơ, chỉ sau vài vụ sản xuất, các gia đình đã tự túc đủ lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi. Lúc ấy bắt đầu chia ra ở riêng, mỗi nhà tự làm ăn và tiếp tục mở rộng diện tích đất đai của gia đình mình.

Nói thì là như vậy, nhưng dù lạc quan đến mấy thì không phải lúc nào cuộc sống cũng màu hồng. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, xa khu dân cư chỉ mấy gia đình thui thủi làm ăn, con cái thất học vì trường ở quá xa, ốm đau bệnh tật cũng tự chữa trị. Song niềm say mê đất đai và khát vọng về một tươi lai tươi sáng đã giúp các gia đình vượt qua tất cả những khó khăn, trở ngại để dốc sức xây dựng quê mới.

Chế biến chè tại hộ gia đình ông Đoàn Văn Thái. Ảnh: Nguyễn Toán.

Chế biến chè tại hộ gia đình ông Đoàn Văn Thái. Ảnh: Nguyễn Toán.

Người miền xuôi lên miền ngược: Vắt đất ra tiền

Từ bốn hộ đầu tiên, thấy làm ăn được, một số họ nữa cũng lên theo, đến nay đã thành hơn 50 hộ. Hầu hết các hộ đều khá giả, mỗi nhà có từ 2 đến 10 ha rừng, chè; ít cũng trên 1 ha; chăn nuôi lợn thịt mỗi năm xuất bán cả trăm con. Người dân dư dả tiền bạc đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi, xây những căn biệt thự và mua xe ô tô làm phương tiện đi lại. Có không ít nhà có cả xe đắt tiền và xe tải để chở hàng hoá.

Ông Vạn tự hào “khoe” rằng Hoà Khê 1 hiện có tới 60  -70% số hộ khá và giàu; thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 40 triệu đồng/người/ năm, cao nhất xã. Điều này cũng dễ hiểu vì người dân không những chăm chỉ làm ăn mà còn luôn đi đầu thực hiện những cái mới. Nhớ những năm xưa, vốn dĩ bà con trong vùng làm ăn theo kiểu phó mặc cho trời, thì các ông đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Vụ đầu tiên trồng lạc, bà con các xóm khác đều can ngăn vì đã trồng nhiều rồi nhưng lạc không đậu hạt. Khi thu hoạch thấy đúng như vậy, bèn đi khắp nơi tìm hiểu, mới biết cần phải rắc vôi bột lên trên khi gieo hạt để xử lý đất. Những vụ sau đều trồng thành công, khóm nào khóm nấy sai lúc lỉu, mẩy hạt khiến bà con thán phục lắm. Rồi sử dụng phân để cấy lúa, trồng rừng, đưa lúa lai, chè cành về trồng… Hầu như các cuộc “cải cách” trong sản xuất nông nghiệp ở Văn Hán đều do các hộ từ miền xuôi lên làm trước rồi bà con địa phương mới làm theo.

Nói về cây chè cũng vậy, gần 100% số hộ xóm Hoà Khê 1 đều trồng và chế biến chè, tổng diện tích chè toàn xóm hiện đạt 80ha. Do chất lượng tốt, chè bán ra thị trường từ 200-300 nghìn đồng/ kg, thậm chí một số hộ bán tới 700 nghìn đồng/kg. Tính bình quân, mỗi năm làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê 1 xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh được khoảng 40 tấn chè búp khô, doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm.

Cây chè trung du là một trong những loại cây đầu tiên được bà con trồng làm cây chủ lực phát triển kinh tế. Gần đây, nhiều hộ đã chuyển đổi trồng sang các giống chè cành năng suất chất lượng cao, như: LDP1, TRI777... Hơn 90% diện tích chè được phun tưới bằng vòi phun tự động, 100% số hộ sử dụng tôn quay, máy vò bằng mô tơ tự động, khoảng gần 10 hộ có máy hút chân không để đóng gói sản phẩm chè xuất ra thị trường.

Người em trai út của ông Vạn, cũng là người con thứ 9 của cụ Đoàn Văn Bình là Đoàn Văn Thái, năm nay 54 tuổi. Mặc dù tất cả các anh em đều khá giả nhưng ông Thái được cho là giỏi làm ăn nhất. Ông Thái đã nhiều năm được tôn vinh cấp tỉnh, cấp huyện vì thành tích xuất sắc trong sản xuất và trong xây dựng nông thôn mới.

Với 1ha chè lai sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến cao, sản phẩm chè của gia đình ông Thái thuộc hàng đặc sản của địa phương, luôn bán với giá cao so với thị trường, hằng năm thu trên 400 triệu đồng. Nhằm phát triển mở rộng sản xuất, con trai ông là Đoàn Văn Lộc, 29 tuổi, đã đăng ký thành lập HTX chè Thuỳ Lộc.

Mới thành lập từ tháng 10 năm 2019, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid song nhờ uy tín lâu năm của gia đình nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX khá hiệu quả. Hiện, Lộc liên kết với gia đình bà con cô bác và nhiều hộ trong xóm để thu mua nguyên liệu. Lộc đang đầu tư làm những sản phẩm chè cao cấp để nâng cao uy tín, giá trị của chè Hoà Khê nói riêng, chè Văn Hán - Đồng Hỷ nói chung. Sản phẩm chè Lộc Thuỳ có giá đến 2 triệu đồng/kg vẫn được tiêu thụ tốt.

Thu hái chè tại xóm Hoà Khê 1. Ảnh: Nguyễn Toán.

Thu hái chè tại xóm Hoà Khê 1. Ảnh: Nguyễn Toán.

Gần 60 năm làm ăn xây dựng quê hương mới, nhiều thế hệ con cháu xóm mới Hoà Khê 1 đã được sinh ra trên mảnh đất ông cha tự tay khai phá, được hưởng cuộc sống ấm no, sung túc, được học hành.

Có được những “mùa vàng” hôm nay là nhờ các chính sách của Đảng và nhà nước đã khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho đồng bào miền xuôi lên khai hoang, phát triển kinh tế miền núi, nhưng quan trọng hơn, đó chính là sự chủ động nắm bắt cơ hội của người dân. Không chỉ làm giàu cho gia đình, người dân Hoà Khê 1 còn tích cực xây dựng quê hươn, đất nước đẹp giàu.

Tự hào là con em của người miền xuôi lên xây dựng quê hương mới, ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết Hòa Khê 1 cũng luôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của xã. Xóm đã sớm hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới và được chọn làm xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.