Tiểu thương chợ Núi Voi phản đối
Chợ Núi Voi là chợ nông thôn thuộc phường Chùa Hang, TP. Thái nguyên, được xây dựng và đi hoạt động từ năm 2000 đến nay. Hiện chợ là nơi kinh doanh, buôn bán thường xuyên của 62 hộ gia đình, gần 2/3 trong số này là tiểu thương có gian hàng cố định tại chợ.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, UBND TP. Thái nguyên đã triển khai xây dựng một dãy chợ tạm nằm trên vỉa hè, bám sát theo con đường dân sinh của tổ 9, phường Chùa Hang. Với mục đích di dời toàn bộ các hộ kinh doanh trong chợ Núi Voi ra đó, quỹ đất của ngôi chợ cũ sẽ được sử dụng làm đất ở.
Thời hạn ban đầu được TP. Thái nguyên đưa ra là trong tháng 3/2021 thì các tiểu thương sẽ phải chuyển đi hàng đến chợ tạm. Nhưng đến thời điểm này, không có bất kỳ một hộ kinh doanh nào chịu di chuyển và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.
Lý do mà những tiểu thương đưa ra, đó là các kiốt ở chợ tạm bé, xong lại bưng bằng tôn sẽ rất nóng, khu vực đó mưa thì ngập lụt nhưng không có hệ thống thoát nước,… Trời nắng thì nóng, trời mưa thì bẩn, đến người còn không ngồi được chứ chưa nói gì đến việc bảo quản hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm như thịt, cá, rau, quả, bánh kẹo,…
Chợ tạm làm trên vỉa hè, sát mép đường dân sinh rồi, muốn cải tạo cái mái hiên che mưa, nắng cũng không được, sẽ ảnh hưởng tới giao thông, gây mất an toàn cho cả người bán hàng lẫn người mua và phương tiện qua lại.
Bà Hoa, một tiểu thương đã kinh doanh ở chợ Núi Voi từ hơn 20 năm nay nói, 100% các hộ kinh doanh không nhất trí di dời sang chợ tạm, vì bên đó không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho việc kinh doanh, nguy cơ mất an ninh trật tự,…. Tâm tư nguyện vọng của người dân là được tiếp tục kinh doanh ở chợ cũ, nếu Nhà nước quan tâm thì đầu tư cho chợ Núi Voi khang trang hơn.
Bà Thủy, một người dân ở sát với chợ tạm (tổ 9, phường Chùa Hang) và cũng đang kinh doanh ở chợ Núi Voi cho biết, tuyến đường dân sinh (đã dựng kiốt chợ tạm) vốn đã nhỏ, nền thì thấp mà lại không có mương thoát nước, bình thương cứ mưa là ngập lụt. Nếu chợ mà hoạt động tại đây thì chắc chắn sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối từ hàng cá, hàng thịt là không tránh khỏi. Chưa kể việc kiốt làm nhỏ như vậy, trời mùa hè nắng nóng thì thịt chỉ có thối, rau và hoa quả sẽ bị héo hét.
Chợ tạm và những vấn đề lớn khó giải quyết
Đã nhiều lần đại diện các cơ quan chuyên môn của TP. Thái Nguyên và UBND phường Chùa Hang đối thoại với người dân, thuyết phục các hộ kinh doanh di dời nhưng chưa nhận được sự đồng thuận. Các tiểu thương cho rằng, ở gần đó có hàng chục hecta đất bỏ hoang đến hơn 20 năm nay, sao không dùng để xây dựng chợ hoặc khu tái định cư, mà lại cứ phải lấy đất chợ, rồi dồn ra ngoài hành lang giao thông như vậy.
Trả lời về những vấn đề này, ông Vi Tân Cảnh, Chủ tịch UBND phường Chùa Hang cho biết, đúng là gần chợ có hàng chục hecta đất bỏ hoang nhiều năm, nhưng đó là đất tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Công ty CP Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên (Mỏ Núi Voi) thuê lâu dài, họ đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Hiện tại tạm thời làm chợ tạm như vậy để lấy quỹ đất làm khu tái định cư cho 30 hộ dân của tổ dân phố số 8, phường Chùa Hang phải di dời để nhường đất thực hiện dự án khu đô thị Danko City.
Ông Cảnh cho biết thêm: Biết là có nhiều bất cập, nhưng các hộ kinh doanh cần phải khắc phục khó khăn, chỉ tạm thời ở chợ tạm 2 – 3 năm. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ sửa chữa kiốt khắc phục những vấn đề mà bà con thắc mắc và sẽ làm thêm mương thoát nước. Thành phố cũng đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại, có không gian dành cho chợ truyền thống ở khu vực gần sân bóng Núi Voi hiện nay, lúc đó các hộ tiểu thương sẽ chuyển tới đó kinh doanh.
Thời điểm hiện tại đã bước sang tháng 4/2021, những vấn đề tồn tại liên quan tới các kiốt ở chợ tạm Núi Voi vẫn chưa được khắc phục. Nhưng có một vấn đề chắc chắn, tuyến đường vốn đã nhỏ hẹp này thành chợ không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến 2 trường học là Trường mầm non Núi Voi và Trường tiểu học Núi Voi ở sát đó. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm mỗi trường, phát sinh mầm bệnh thì chính những em nhỏ sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương và lây truyền nhất.