| Hotline: 0983.970.780

Khơi dậy sức dân: [Bài 2] Cộng đồng làm du lịch tạo diện mạo mới ở Cồn Chim

Thứ Tư 26/06/2024 , 11:13 (GMT+7)

Cồn Chim là điểm du lịch cộng đồng dựa trên cuộc sống thường nhật của người dân theo nguyên lý ‘thuận thiên’, tạo ra thu nhập và là động lực xây dựng nông thôn mới.

Người Cồn Chim chỉ có tấm lòng

Những năm gần đây, phong trào phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại ĐBSCL khá phát triển. Cồn Chim là điểm du lịch cộng đồng mới tại Trà Vinh, từ khi ra mắt đến nay đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch đến tham quan.

Khu du lịch sinh thái Cồn Chim là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh, tạo thu nhập và động lực xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.

Khu du lịch sinh thái Cồn Chim là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh, tạo thu nhập và động lực xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Cồn Chim đã giữ được nét đẹp hoang sơ của vùng nông thôn miền Tây qua nhiều năm. Nơi đây có sông nước, ao hồ, cây cối tỏa bóng mát cùng phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng. Người dân sống giản dị, thân thiện và luôn giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên một nét đẹp hiếm có.

Qua 5 năm hình thành và phát triển, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim trở thành điểm du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL và được Tạp chí Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn Top 7 điểm du lịch sinh thái ấn tượng của Việt Nam năm 2022.

Vào tháng 9/2019, tỉnh có chủ trương phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại Cồn Chim. Được sự động viên của chính quyền địa phương, 13 hộ dân ở đây đã mạnh dạn tham gia làm du lịch.

Theo đó, Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME) đã hỗ trợ xây bến tàu và nhà chờ phục vụ khách du lịch đến tham quan, với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 70 và số 01 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí để người dân chỉnh trang nhà cửa... hoàn thiện điểm lưu trú cho du khách. Ngân sách huyện cũng đã hỗ trợ 450 triệu đồng để đầu tư lại các biển chỉ dẫn và cổng chào trước làng. Do được tỉnh quan tâm đầu tư cùng với sự hiếu khách của người dân, lượt khách đến tham quan Cồn Chim tăng dần qua các năm.

Theo lời giới thiệu của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thùy Linh, tôi di chuyển từ TP Trà Vinh đến Cồn Chim mất khoảng 15 phút đi xe máy và 30 phút qua phà. Đặt chân tới Cồn Chim, tôi ấn tượng nhất với sự thân thiện của người dân cù lao khi có người bắt chuyện.

Ông Nguyễn Tấn Thành, người dân ấp Cồn Chim kể, khi xưa cù lao này là chỗ trú ngụ của nhiều loài chim nên có tên gọi là Cồn Chim. Cồn Chim có 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước mặn. Những tháng nước ngọt, người dân trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Khi nước chuyển mặn, họ chuyển sang nuôi tôm sú và nuôi cua, cứ thế xoay vòng. Đặc biệt, ở đây người dân canh tác lúa và nuôi tôm theo tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Người dân cũng không đánh bắt cá bằng lưới nhỏ, không dùng kích điện, không đăng mé và hạn chế khai thác thủy sản tự nhiên vào mùa sinh sản.

Điểm du lịch sinh thái Cồn Chim thu hút du khách và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ảnh: Hồ Thảo.

Điểm du lịch sinh thái Cồn Chim thu hút du khách và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ảnh: Hồ Thảo.

Được ông Thành hướng dẫn, chúng tôi đạp xe dưới những rặng dừa xanh mát, trên con đường nhỏ rợp hoa tươi rực rỡ. Cách vài trăm mét lại có một ngôi nhà hay quán nước, trang trí bằng cây cỏ và hoa lá, tạo nên khung cảnh thật bình dị.

Chúng tôi ghé vào nhà ông Nguyễn Văn Quới, là một trong những người đầu tiên tham gia tập thể làm du lịch cộng đồng Cồn Chim. Thưởng thức chén sâm ăn với nước cốt dừa, do chính gia đình ông Quới trồng và chế biến. Ông Quới kể, trước đây công việc của ông khá cực nhọc: sáng ra đồng cắt cỏ cho bò ăn, trưa thăm ao tôm, chiều thì xuống ruộng nhổ cỏ lúa. Cứ thế năm này sang năm nọ, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày.

Khi được chính quyền địa phương vận động thành lập tập thể làm du lịch cộng đồng, ông góp hết số tiền tiết kiệm trong nhà, cộng với 150 triệu đồng được tỉnh hỗ trợ, để dựng nhà gỗ và cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh vườn với số tiền hàng trăm triệu đồng.

"Khi mới bắt đầu, tôi lo lắng nếu không có khách thì tiền đầu tư sẽ mất trắng. Tôi cũng không biết tiếng Anh nên không thể giao tiếp với khách nước ngoài. Nhưng may mắn thay, trong tháng đầu tiên khai trương, làng du lịch cộng đồng Cồn Chim đã thu hút được 2.000 lượt du khách. Cứ thế cho tới nay, tôi thu khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng từ làm du lịch lại đỡ vất vả hơn trước nhiều", ông Quới chia sẻ.

Đến với khu du lịch Cồn Chim, ngoài khung cảnh nông thôn thanh bình, thơ mộng, du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực phong phú, đậm chất miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Hồ Thảo.

Đến với khu du lịch Cồn Chim, ngoài khung cảnh nông thôn thanh bình, thơ mộng, du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực phong phú, đậm chất miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo ông Qưới, bà con trên cù lao làm du lịch với lòng hiếu khách, luôn dành những sản vật ngon nhất của nhà nông để thiết đãi du khách gần, xa. Thực phẩm đều tươi sạch, do người dân tự nuôi trồng và đánh bắt. Từ những chia sẻ của ông Quới, cùng với những trải nghiệm thực tế khiến cho những ai đến đây đều phải lưu luyến.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Trang từ TP Hồ chí Minh đến tham quan và chia sẻ: Nhu cầu du lịch của người dân hiện nay rất lớn. Các tỉnh, thành ĐBSCL cần phát huy các địa điểm mới lạ, độc đáo như Cồn Chim, đồng thời hạn chế việc chặt chém” sẽ thu được nguồn lợi đáng kể. Tôi sẽ ghé lại Cồn Chim vào một ngày gần nhất.

Còn anh Tuấn đi cùng đoàn bộc bạch: Tỉnh chỉ vận động được vài hộ dân tham gia mô hình, tôi e nếu khách du lịch đông thì Cồn Chim sẽ vỡ trận. Hi vọng Cồn Chim sẽ phát triển để cho khách du lịch có thêm sự lựa chọn khi đến với Trà Vinh.

Điểm du lịch tiêu biểu tại ĐBSCL

Ông Nguyễn Trung Kha, Chủ tịch UBND xã Hòa Minh, cho biết thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, đã giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Điều này đã tạo một diện mạo mới cho ấp Cồn Chim, giúp người dân có tư duy thích làm du lịch, nâng cao quan hệ giao tiếp, tạo tinh thần đoàn kết, luôn chia sẻ và giúp đỡ nhau trong đời sống. Bên cạnh đó, nó còn giúp người dân có ý thức và biết cách bảo vệ môi trường xung quanh.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch cộng đồng Cồn Chim. Ảnh: Hồ Thảo.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch cộng đồng Cồn Chim. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đón nhiều đoàn khách quốc tế. Nhưng năng lực tiếp cận và giao tiếp với khách quốc tế đang là trở ngại đối với họ.

Trong năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tiếng Anh giao tiếp để người dân đáp ứng yêu cầu phục vụ khách quốc tế. Đồng thời, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho bà con ấp Cồn Chim. Đào tạo những kiến thức, kỹ năng phục vụ, đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan cho các hộ gia đình có mong muốn làm du lịch.

Du khách tham quan được thưởng thức những món ăn đậm chất miền Tây tại khu du lịch Cồn Chim. Ảnh: Hồ Thảo.

Du khách tham quan được thưởng thức những món ăn đậm chất miền Tây tại khu du lịch Cồn Chim. Ảnh: Hồ Thảo.

Tích cực tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh đẹp về quê hương, con người Cồn Chim. Kêu gọi người dân địa phương và du khách tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều biện pháp như hạn chế sử dụng rác thải nhựa, không hái hoa, bẻ cành cây. Khuyến khích bà con thường xuyên chăm sóc cảnh quan, ngày càng nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hơn tại điểm đến. Người dân tăng cường diện tích nuôi trồng sạch để chủ động nguồn thực phẩm sạch phục vụ khách tham quan.

Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch để hoàn thiện điểm đến, thông qua các chính sách hỗ trợ. Đầu tư thêm các dịch vụ lưu trú, dịch vụ giải trí về đêm, tạo thêm nhiều sản phẩm trải nghiệm và giải quyết nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Từ tháng 9/2019 đến nay, ước doanh thu từ các hộ dân làm các dịch vụ du lịch trên Cồn Chim được hơn 4,1 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 20-25%, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ước tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của hộ dân đạt 61 triệu/người/năm, cao hơn 13 triệu so với năm 2019. Tính đến nay Cồn Chim đã đón trên 52 ngàn lượt khách, tổng doanh thu trên 15 tỷ đồng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Tạo sân chơi, không gian kết nối cho các chủ thể OCOP

TP.HCM Ngày 28/9, UBND huyện Hóc Môn tổ chức Lễ công bố, trao chứng nhận các sản phẩm OCOP; đồng thời ra mắt Câu lạc bộ OCOP, Hội quán OCOP huyện với 17 thành viên.

Bình luận mới nhất