| Hotline: 0983.970.780

Khơi thông tín dụng cho hợp tác xã: [Bài 2] Giải pháp tình thế trước khó khăn nguồn vốn

Thứ Tư 07/09/2022 , 07:10 (GMT+7)

Trước khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhiều HTX vùng ĐBSCL đã chủ động cân đối nguồn vốn nội tại để hoạt động và hỗ trợ bà con xã viên.

Kho trữ và lò sấy lúa của HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Kho trữ và lò sấy lúa của HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Cân đối nguồn vốn nội tại

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ được thành lập vào tháng 4/2017, với 14 thành viên chính thức và 100 thành viên liên kết, quy mô diện tích sản xuất 320ha. HTX chuyên cung cấp các dịch vụ đầu vào từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đến khâu làm đất, thu hoạch và thực hiện liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho thành viên và nông dân tham gia hợp tác.

Bên cạnh đó để phục vụ tối ưu nhu cầu của thành viên, HTX đã đầu tư xây dựng kho chứa lúa với diện 3.000m2; 4 lò sấy với công suất 40 tấn/mẻ,... từng bước thu hút thêm nhiều xã viên tham gia và trở thành mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới điển hình của địa phương.

Với mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, HTX này từng tìm đến nhiều ngân hàng thương mại với mong muốn vay vốn, thế nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được. Ông Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi chỉ ra nguyên nhân, theo điều kiện vay vốn của các ngân hàng thì HTX không có tài sản cố định riêng để thực hiện thế chấp, các cá nhân trong HTX thực hiện ủy quyền cho HTX để thực hiện thủ tục vay nhưng vẫn không được chấp nhận.

Đối với tài sản hiện hữu của HTX là lò sấy lúa và các kho trữ lúa nằm trên đất của cá nhân thành viên HTX, nên vẫn không đảm bảo điều kiện xác nhận là tài sản của HTX để thực hiện vay vốn. Nói theo lời của ông Lợi là đơn vị tín dụng “ngại” cho HTX vay vốn.

Để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động của HTX, bản thân ông Lợi phải lấy tài sản cá nhân đi vay, để góp vốn vào HTX. Vốn điều lệ hiện tại của HTX là 2,2 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn hoạt động dao động lên đến 20 – 30 tỷ đồng.

Hơn 5 năm hoạt động, HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Kim Anh.

Hơn 5 năm hoạt động, HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX thuỷ sản Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có 20 ha mặt nước nuôi cá tra chia sẻ: HTX chuyên nuôi cá tra. Vốn đầu tư rất lớn nên hầu hết sổ đỏ của thành viên đã nằm ở ngân hàng hết. Thời gian qua, HTX nhờ liên kết đầu vào với công ty Cỏ May, được chiết khấu khoảng 6% nên có được khoản lợi nhuận nhất định trên 1 tỷ đồng. Nhờ đó, HTX cho các thành viên mượn không lãi mỗi khi đến dịp “đáo hạn” vốn vay ngân hàng. Nhờ đó tránh được tình trạng vay nóng nặng lãi.

Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các thành viên và bà con nông dân trong HTX, đơn vị đã lập ra các tổ: lúa giống, phân bón, thuốc BVTV, máy cắt... trích lợi nhuận từ các hoạt động này làm quỹ cho bà con có nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế, nếu không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Đối với các HTX hoạt động lĩnh vực thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng cũng gặp khó khăn tương tự, ông Ngô Công Luân, Giám đốc HTX nông ngư 14/10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên cho biết thực tế, HTX rất có nhu cầu vay vốn ngân hàng, thế nhưng từng cá nhân thành viên có tài sản thế chấp như mới có thể tiếp cận.

Bản thân gia đình ông hiện nay cũng phải dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng để đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận hành HTX.

Theo ông Luân điều kiện để HTX được đứng danh vay vốn, đơn vị phải có báo cáo thuế trong 2 năm liền kề thể hiện làm ăn đạt hiệu quả. Thủ tục này đối với HTX nông ngư 14/10 là quá khó, bởi hiện tại đơn vị chỉ đóng thuế môn bài, chưa đóng thuế thu nhập HTX.

Trước khó khăn đó, ông cùng các thành viên HTX đã sử dụng vốn điều lệ, đồng thời vận động các thành viên có điều kiện khá hơn, góp lại tạo thành một nguồn quỹ để hỗ trợ cho hội viên yếu thế.

Nguồn quỹ được 24 thành viên đóng góp khoảng 350 triệu đồng, tạm thời giải quyết cho những thành viên khác gặp khó khăn. HTX thống nhất mức lãi suất cho vay 0,6%/năm, chỉ trả lãi một lần vào cuối năm.

Sản xuất thuỷ sản tại HTX thuỷ sản Châu Thành, Đồng Tháp. Ảnh: Minh Đảm.

Sản xuất thuỷ sản tại HTX thuỷ sản Châu Thành, Đồng Tháp. Ảnh: Minh Đảm.

Bí quá phải phải vay “bên ngoài”

HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có 580 thành viên. Vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng kinh doanh nước sạch nông thôn, vật tư nông nghiệp và dịch vụ khác. Về cơ sở vật chất, HTX có tài sản cố định là các giếng nước, tổng đường ống dẫn nước dài 60km. Những năm qua, HTX được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất để xây dựng trụ sở, kho, bãi…Bên cạnh đó, dự án VnSAT đầu tư nhà kho sức chứa 1.000 tấn. Hiện nay, tổng tài sản của HTX đạt trên 10 tỷ đồng. Năm qua, HTX đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng, lãi trên 400 triệu đồng.

Do nhu cầu phát triển, nhất là bán nợ vật tư cho thành viên HTX đã nhiều lần xin vay vốn ngân hàng nhưng không được duyệt hồ sơ. Các ngân hàng đều đồng loạt yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp là “sổ đỏ” của thành viên, chứ tài sản do HTX nắm giữ không được thẩm định.

Mấy vụ mùa gần đây, giá vật tư leo thang, để có đủ vốn xoay xở lo vật tư cho thành viên, ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX tâm sự: “Vốn HTX yếu nên mới chỉ bán chịu được cho hơn 150 thành viên mà nhiều khi bí quá, nhất là mấy vụ gần đây giá phân bón tăng cao công ty bí tiền mặt, mấy anh em bàn nhau phải vay bên ngoài. Chúng tôi chi tiêu dè sẻn nhưng lợi nhuận cũng không khá lắm”.

Hiện nay, Quỹ đầu tư phát triển HTX, thông qua Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang điều phối cho các thành viên vay nhưng cũng có yêu cầu HTX phải thế chấp tài sản. Ông Phan Văn Ngọc kiến nghị cần tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Phan Văn Ngọc nói: “Chúng tôi kinh doanh nước sạch nông thôn có nguồn khách hàng ổn định khoảng 1.500 hộ, đường ống là sản của HTX. Doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ này gần như ổn định…Tôi kiến nghị xem xét đây là cơ sở cho HTX vay vốn”.

Hiện nay, hai vấn đề nội tại của các HTX là nguồn vốn và nhân lực chất lượng. Về nguồn vốn, không nhiều trường hợp thành viên tự nguyện đem “sổ đỏ nhà mình” để vay vốn cho HTX làm ăn bởi cơ chế của HTX là "đồng sở hữu”. Những HTX thật sự tâm huyết hoạt động hiệu quả đang có nhu cầu vốn lớn. Do đó, cần có sự quyết liệt hơn nữa tạo cơ chế khơi thông nguồn vốn cho các HTX tiếp cận, góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX trong thời gian tới.

Doanh nghiệp nhỏ thiếu tài sản thế chấp

Tại TP Cần Thơ, khó khăn này cũng xảy ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một phần do thiếu tài sản thế chấp một phần gặp hạn chế về năng lực quản trị tài chính. Trong khi đó hiện nay đa phần các ngân hàng khi triển khai các gói tín dụng đều ưu tiên điều kiện có tài sản thế chấp như bất động sản, phương tiện đi lại... Không những vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn đủ tài sản thế chấp khi cần mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ðể có thể tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp với năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoài tài sản thế chấp, đòi hỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, chú trọng thực hiện chuẩn hóa số liệu tài chính, đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện có,…

Hiện nay, toàn TP Cần Thơ có khoảng 12.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có 48 chi nhánh tổ chức tín dụng và 7 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Đến cuối tháng 7/2022 tổng dư nợ cho vay ước đạt gần 137 nghìn tỷ đồng. Trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 23,1%.

Xem thêm
Trung ương chốt những cơ quan Đảng và Quốc hội sẽ kết thúc hoạt động

Ban Chấp hành Trung ương vừa thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với việc kết thúc hoạt động của nhiều cơ quan và hợp nhất nhiều đơn vị.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Chở đào, quất thuê bỏ túi tiền triệu mỗi ngày

Dù chỉ là công việc thời vụ trong dịp Tết Nguyên đán, nghề chở đào quất thuê giúp người lao động có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Cây cao bóng cả Tả Phìn

Ở cuối bản Tả Phìn có một cây pơmu trắng hơn 100 năm tuổi. Gần gốc pơmu đại thụ có một cụ bà người Dao chuẩn bị đón mùa xuân thứ 101 trong cuộc đời…

Bình luận mới nhất