Giá cá tra tăng kỷ lục nhưng người nuôi chưa có lãi. Cà Mau có 19.000ha tôm rừng đạt chứng nhận quốc tế. Thành lập Hợp tác xã hươu sao lớn nhất ĐBSCL. Xuất khẩu hàng hóa vào khối Asean tăng 26%.
GIÁ CÁ TRA TĂNG KỶ LỤC NHƯNG NGƯỜI NUÔI CHƯA CÓ LÃI
Theo các hộ nuôi tại ĐBSCL, giá cá tra thương phẩm hiện tăng 8.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 28.000 đồng một kg nhưng người nuôi vẫn thua lỗ vì chi phí đầu tư quá cao, khoảng 30.000 đồng/kg.Trong đó, chi phí thức ăn chiếm 75-80% giá thành cá tra và đã tăng 4-6 lần từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, giá bán các vật tư đầu vào khác như thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học cũng tăng từ 20-30%.Báo cáo của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản - VASEP cho thấy, việc thiếu nguyên liệu đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thiếu hụt này có thể là khó khăn ngắn hạn, các doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển chuỗi giá trị bền vững để tránh thiếu nguyên liệu đầu vào trong tương lai.Trong báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi giá cá tra đạt 3.105 ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thu hoạch đạt 771.430 tấn, tăng 6% cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đến hết ngày 30/5 đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
CÀ MAU CÓ 19.000HA TÔM RỪNG ĐẠT CHỨNG NHẬN QUỐC TẾ
Cà Mau là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, với hơn 80.000ha. Hiện có hơn 27.500ha nuôi tôm dưới tán rừng, trong đó có hơn 19.000ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.Đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ nông dân chi trả dịch vụ môi trường rừng và con giống có chất lượng cao.Bên cạnh đó, sản phẩm tôm - rừng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn khoảng 5 - 10% so với sản phẩm truyền thống.Tôm rừng được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ còn có nguồn thu thêm từ cua, cá, sò huyết…Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tôm - rừng kết hợp là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng.
Mới đây, tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vừa ra đời HTX Hươu sao Tây Nam Bộ. Hiện HTX đang chăn nuôi đàn hươu sao trên 50 con lấy nhung và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu, lớn nhất tại ĐBSCL. Theo chia sẻ của đại diện HTX, đây cũng là mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi hươu thương phẩm và chế biến các sản phẩm từ nhung hươu đầu tiên ở khu vực ĐBSCL.Định hướng của HTX Hươu sao Tây Nam Bộ là tập trung quảng bá và mở rộng mô hình chăn nuôi, liên kết với bà con nông dân ở vùng ĐBSCL. Hợp tác xã sẽ liên kết và mở rộng mô hình nuôi hươu sao trong khu vực và nâng cao năng lực chế biến ra 4 sản phẩm có giá trị như: nhung hươu ngâm mật ong, bột nhung hươu, cao nhung hươu và rượu nhung hươu.HTX: Hợp tác xã
XUẤT KHẨU HÀNG HÓA VÀO KHỐI ASEAN TĂNG 26%
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang khối ASEAN đạt 17,53 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 9,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.Các nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn giữa Việt Nam và các thị trường ASEAN tập trung vào nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, trong nhóm hàng nông sản, nhập khẩu hạt điều từ Campuchia đạt hơn 1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Philippines đạt gần 760 triệu USD. ASEAN được đánh giá là khu vực thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khu vực thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng, có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt, nhất là nông sản.