| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi - Yếu tố quan trọng sản xuất nông nghiệp

Bài 3: Trạm bơm Bến Đình phát huy hiệu quả

Thứ Sáu 07/10/2022 , 15:48 (GMT+7)

Tây Ninh Sau hơn 10 năm đưa vào vận hành và khai thác, trạm bơm Bến Đình vẫn đáp ứng được trên 80% khu tưới, giúp người dân địa phương ổn định sản xuất.

Đáp ứng kỳ vọng

Bến Cầu là huyện nằm trọn phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, tách biệt hoàn toàn với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, do đó,  xây dựng các trạm bơm để cung cấp nước tưới cho ruộng đồng là một trong những giải pháp giúp người dân địa phương ổn định sản xuất.

Dù được đưa vào vận hành hơn 10 năm, trạm bơm Bến Đình vẫn phát huy tốt hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Dù được đưa vào vận hành hơn 10 năm, trạm bơm Bến Đình vẫn phát huy tốt hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Theo Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân phía Tây sông Vàm Cỏ Đông nói chung huyện Bến Cầu nói riêng, ngoài 2 trạm bơm là Long Thuận và Long Khánh, năm 2007 huyện Bến Cầu được UBND tỉnh phê duyệt thêm 3 trạm bơm gồm trạm bơm Bến Đình, trạm bơm Long Hưng và trạm bơm Long Phước A.

Theo đó, dự án trạm bơm Bến Đình được đầu tư với tổng nguồn vốn lên gần 50 tỷ đồng. Quy mô trạm bơm này gồm 3 máy, công suất mỗi máy là 75 kw với tổng lưu lượng bơm 3.600 m3/giờ. Hệ thống kênh bao gồm: kênh chính dài hơn 6,3 km; 13 tuyến kênh cấp 1 với tổng chiều dài gần 15 km và hơn 20 tuyến kênh cấp 2 với tổng chiều dài gần 10 km. Tổng diện tích tưới thiết kế của trạm bơm Bến Đình là 800 ha. Cuối năm 2011, trạm bơm Bến Đình chính thức vận hành mở nước tưới tiêu. Từ đó, hàng trăm ha đồng ruộng nhiều năm trước trong mùa khô thiếu nước tưới, nay đã được phủ xanh do có hệ thống thuỷ lợi Bến Đình.

Hệ thống tổ máy được cán bộ trạm thường xuyên kiểm tra, bảo trì giúp máy vận hành tốt. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống tổ máy được cán bộ trạm thường xuyên kiểm tra, bảo trì giúp máy vận hành tốt. Ảnh: Trần Trung.

Đến trạm bơm Bến Đình những ngày này, chúng tôi thấy máy vẫn hoạt động bơm nước liên tục từ sông Vàm Cỏ Đông vào kênh chính. Từ dòng kênh chính này, dòng nước rẽ vào các tuyến kênh nhỏ và dẫn vào đồng ruộng.  Ông Hồ Văn Chiến, Phó Giám đốc xí nghiệp quản lý các trạm bơm cho biết, theo thiết kế trạm bơm Bến Đình có 3 máy bơm với công suất mỗi máy 800m3/h, cùng 1 máy dự phòng.  Vụ Hè Thu 2022, trạm phục vụ được trên 730 ha, đạt trên 80% so với thiết kế.

Hiện trạm vẫn phục vụ được trên 730 ha, đạt trên 80% so với thiết kế. Ảnh: Hồng Thủy.

Hiện trạm vẫn phục vụ được trên 730 ha, đạt trên 80% so với thiết kế. Ảnh: Hồng Thủy.

“Huyện Bến Cầu là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến nay chưa được hưởng nước tưới từ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Đây là sự thiệt thòi không nhỏ cho huyện Bến Cầu, Chính vì thế mà tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng các trạm bơm lấy nước từ sông Vàm Cỏ Đông để tưới tiêu cho đồng ruộng Bến Cầu, trong đó có trạm bơm Bến Đình. Nhờ hệ thống trạm bơm, kênh mương hoàn chỉnh đã thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa cây trồng trong vùng tưới; các loại cây trồng chính như lúa, mía, mì, thuốc lá vàng, bắp, đậu phộng, cây ăn quả đều phát triển khá, góp phần nâng cao cuộc sống cho nông dân”, ông Nguyễn Văn Nấu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bến Cầu cho biết.

Nâng cao nhận thức sử dụng nước

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bến Cầu, địa phương hiện có 5 trạm bơm điện phục vụ nước sản xuất cho nông dân, gồm trạm bơm Bến Đình, Long Hưng, Long Thuận, Long Khánh và Long Phước A. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hệ thống kênh mương dài hơn 250 km, với tổng công suất thiết kế trên 3.205 ha/vụ, phục vụ bơm tưới cho hàng chục ngàn ha diện tích gieo trồng và phòng chống cháy cho 770 ha diện tích rừng Nhum Long Phước.

Trạm bơm cùng hệ thống kênh mương phần nào giúp địa phương giải bài toán thiếu nước sản xuất mùa khô. Ảnh: Hồng Thủy.

Trạm bơm cùng hệ thống kênh mương phần nào giúp địa phương giải bài toán thiếu nước sản xuất mùa khô. Ảnh: Hồng Thủy.

Kết quả cho thấy, các trạm bơm cùng hệ thống kênh mương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng vòng quay của đất, chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa cây trồng; tăng năng suất, sản lượng; tạo công ăn việc làm cho người dân; các loại cây trồng chính như lúa, mía, mì, thuốc lá vàng, bắp, đậu phộng, cây ăn quả… đều phát triển khá. Đến nay, diện tích gieo trồng toàn huyện tăng lên hơn 36.000 ha, trong đó nhiều diện tích cây lúa tăng lên 2-3 vụ/ năm, nâng cao cuộc sống nông dân, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của huyện biên giới.

Ông Hồ Văn Chiến, Phó Giám đốc xí nghiệp quản lý các trạm bơm cho biết thêm, bên cạnh kết quả đạt được, việc khai thác trạm bơm còn tồn tại một số khó khăn như do được đưa vào vận hành hơn 10 năm trước, đến nay một số tuyến kênh cấp 1 mặc dù được bê tông hoá nhưng mặt cắt nhỏ, không đủ lượng nước tưới, mực nước của kênh thấp hơn so với mặt ruộng nên người dân rất khó khăn trong việc lấy nước tưới. Ngoài ra, việc đăng ký sử dụng nước không đúng với thực tiễn sản xuất, chưa kể, diện tích các loại cây trồng đan xen và không thống nhất trên toàn bộ hệ thống các tuyến kênh nên rất khó khăn trong công tác vận hành điều tiết, cấp nước tưới.

Cán bộ tổ thủy nông thường xuyên kiểm tra tuyến kênh, nâng cao hiệu quả hoạt động cấp nước. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ tổ thủy nông thường xuyên kiểm tra tuyến kênh, nâng cao hiệu quả hoạt động cấp nước. Ảnh: Trần Trung.

Đơn cử, vụ Đông Xuân 2020-2021 vừa qua, người dân sản xuất cây lúa 379,44 ha, cây đậu phộng và thuốc lá là 300,26 ha, với diện tích này đã vượt gấp 2 lần cây lúa theo thiết kế ban đầu. 

“Để khắc phục khó khăn trên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tưới luân phiên, phân chia thành khu vực để cấp nước nhằm bảo đảm lưu lượng cấp nước phục vụ cho diện tích ở xa, cuối kênh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến người dân nâng cao nhận thức sử dụng nước, thông tin rộng rãi để các hộ sản xuất trong vùng tưới biết, nắm được lịch tưới để lấy nước, không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; bố trí công nhân quản lý kênh thường xuyên kiểm tra kênh mương, vận hành hợp lý để bảo đảm lưu lượng, phục vụ cấp nước cho người dân theo đúng thời gian lấy nước, lịch thời vụ gieo trồng”, ông Hồ Văn Chiến, Phó Giám đốc xí nghiệp quản lý các trạm bơm nhấn mạnh.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.