| Hotline: 0983.970.780

Cha - Con và một ‘Điện Biên Phủ không tiếng súng’

[Bài 4] Những văn nghệ sỹ đi qua Điện Biên Phủ cảm hóa đồng nghiệp

Thứ Ba 07/05/2024 , 07:00 (GMT+7)

Nói về cha mình, nhà thơ Hữu Việt xúc động: 'Tài sản lớn nhất cũng là mối quan tâm đầu tiên của gia đình là những bản thảo của cha - nhà văn Hữu Mai'.

Nhà văn Hữu Mai trong một lần trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu.

Nhà văn Hữu Mai trong một lần trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu.

Sức lao động bền bỉ của một nhà văn người lính

Nhà thơ Hữu Việt tâm sự, từ khi còn công tác ở Báo Tiền phong, sau đó là Báo Điện tử VietNamNet, Báo Phụ nữ Thủ đô, bây giờ là Trưởng ban Văn hóa (Báo Nhân dân)…, anh đã tiếp cận và viết khá nhiều về các tác giả, các nhà văn, nhà thơ… Nhưng với cha mình, anh chỉ lặng lẽ quan sát và đọc tất cả những gì ông viết ra ngay khi còn ở dạng bản thảo. 

Anh không nói lý do, nhưng tôi hiểu, đó là sự khiêm nhường của một gia đình trí thức có truyền thống trong hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, nhất là với nhà văn Hữu Mai – một nhà văn chiến sỹ tên tuổi từng trải qua hai cuộc kháng chiến, trong đó, ông dành nhiều tâm huyết để viết về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông thường nói, những gì viết về Điện Biên Phủ chiếm tới hơn một nửa sự nghiệp văn học của ông. 

Chia sẻ câu chuyện về cha mình, nhà thơ Hữu Việt cho biết: “Mỗi khi xảy ra mưa bão, điều đầu tiên mà cả gia đình phải làm ngay; thứ đầu tiên mà gia đình tôi phải nhớ, là "sơ tán" những trang bản thảo của cha tôi tới nơi an toàn. Khi đi học ở Liên Xô trở về, tôi đã có đủ tiền mua tặng cha tôi cái máy chữ đầu tiên.

Từ khi có chiếc máy chữ đó, dường như ông làm việc càng nhiều hơn so với thời kỳ viết tay những trang bản thảo. Mỗi đêm, từ trong căn phòng nhỏ, tiếng ông gõ máy chữ lạch cạch kéo dài đến rất khuya, tới mức hàng xóm thắc mắc chạy sang hỏi: “Không biết có tiếng động gì cứ lạch cạch cả đêm”.

Sau đó, tới khi có máy vi tính, tôi tiếp tục mua biếu ông một chiếc thuộc thế hệ máy tính đầu tiên mà đến bây giờ chúng ta không còn nhìn thấy nữa. Thế mà ông tự mày mò tìm hiểu, rồi sử dụng thành thục các phần mềm không kém gì dân văn phòng chúng ta ngày nay”. 

Nhà văn Hữu Mai. Ảnh: Tư liệu.

Nhà văn Hữu Mai. Ảnh: Tư liệu.

“Tôi chỉ mong ghi lại được thật nhiều về một giai đoạn lịch sử tôi cho là đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc mà tôi đã may mắn được chứng kiến” – nhà văn Hữu Mai sinh thời tâm nguyện.

Nhà văn Hữu Mai tên thật là Trần Hữu Mai (1926 – 2007) sinh ra ở Thanh Hóa, sống trong một gia đình viên chức nhỏ ở thành phố Nam Định. Giai đoạn đầu tham gia kháng chiến, ông tham gia tự vệ thành, chiến đấu ở Hà Nội rồi vào bộ đội, biên chế Đại đoàn 308. Ông phụ trách Báo Quân tiên phong, tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1956, Hữu Mai tham gia thành lập và làm biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội – tờ báo văn chương uy tín cho tới ngày nay. Công tác tại đây 25 năm, năm 1981 ông chuyển về Hội Nhà văn Việt Nam với quân hàm đại tá. Khoảng 60 năm cầm bút, Hữu Mai để lại hơn 60 đầu sách đã xuất bản, trong đó hầu hết viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Ngay từ những năm 1960, các tác phẩm của Hữu Mai đã được đông đảo độc giả đón nhận. Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng (1961) – tác phẩm viết về những trận chiến trên đồi A1 kéo dài suốt 39 ngày đêm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuốn sách đã khắc họa chân thực và sống động những chân dung chiến sĩ ở nơi thử thách khắc nghiệt nhất, giữa cái sống và cái chết họ đã bộc lộ hết phẩm chất của một con người, tuy có những phút dao động nhưng vượt lên tất cả là lòng quả cảm, quyết tâm đánh thắng quân thù trong trận đánh cuối cùng. 

Cao điểm cuối cùng được các nhà phê bình văn học bấy giờ đánh giá xếp ngang hàng cùng Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Trước giờ nổ súng (Lê Khâm)… - những tác phẩm thể hiện bước tiến vượt bậc tư duy sáng tạo của nhà văn Việt Nam trong tiến trình phát triển của văn học hiện đại. Tác phẩm không kể tả lại đơn giản một chiều sự kiện, biến cố chiến tranh mà nỗ lực đào sâu vào hiện thực để tìm ra những vấn đề, trả lời câu hỏi lớn về số phận dân tộc, con người trong chiến tranh.

Nhà văn Hữu Mai cùng những người giúp việc Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Từ phải qua trái: Nhà văn Hữu Mai, Trung tướng Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, ông Bùi Đình Kế, nhà văn Phạm Chi Nhân. Ảnh: Tư liệu.

Nhà văn Hữu Mai cùng những người giúp việc Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Từ phải qua trái: Nhà văn Hữu Mai, Trung tướng Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, ông Bùi Đình Kế, nhà văn Phạm Chi Nhân. Ảnh: Tư liệu.

Các tác phẩm sau này của Hữu Mai thường gắn chặt với đề tài người lính, chiến tranh cách mạng như Đồng đội (tập truyến ngắn, 1962), Phía trước là mặt trận (tập truyện - 1966), Vùng trời (bộ tiểu thuyết ba tập, 1971 - 1980), Trận đánh cuối cùng (ký sự, 1977), Đất nước (tiểu thuyết  - 1985), Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên (tiểu thuyết tư liệu, 3 tập, 1985 - 1990), Không phải huyền thoại (2007)...

Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Hữu Mai vinh dự có nhiều năm tháng làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người thể hiện hồi ức về giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng. Đó là các tác phẩm: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (1964), Từ nhân dân mà ra (1966), Những năm tháng không thể nào quên (1970), Chiến đấu trong vòng vây (1995), Đường tới Điện Biên Phủ (1999) và Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử (2000).

Một tác phẩm tiêu biểu khác của nhà văn Hữu Mai, đó là Ông cố vấn. Tiểu thuyết viết về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. Ông cố vấn được đông đảo bạn đọc đón nhận, tới nay tái bản nhiều lần. Sức hấp dẫn của tác phẩm đưa Hữu Mai trở thành thành viên Hiệp hội Quốc tế những Nhà văn viết trinh thám (AIEP).

Không chỉ thành công với tiểu thuyết, hồi ký, Hữu Mai còn là tác giả kịch bản một số bộ phim nổi tiếng như Hoa ban đỏ, Ông cố vấn (phim truyền hình), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, các bộ phim tài liệu Người Anh cả quân đội, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ…

Không phải huyền thoại - cuốn tiểu thuyết văn học đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – của ông được Tổng cục Chính trị Quân đội tặng Bằng khen cho Tác phẩm xuất sắc về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (đợt I) năm 2001 với bộ ba tiểu thuyết: Vùng trời, Ông cố vấn, Cao điểm cuối cùng.

Năm 2016, ông tiếp tục được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật viết về đề tài lực lượng vũ trang, vì an ninh cuộc sống và tiểu thuyết Người lữ hành lặng lẽ viết về nhân vật với nguyên mẫu nhân vật là cố Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Đạo. 

Trước đó, tiểu thuyết Đêm yên tĩnh ra mắt năm 2002 đã đoạt hai giải A của Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. 

Người thư ký của thời đại

Năm 1994, kịch bản Hoa ban đỏ của nhà văn Hữu Mai đã được dựng thành phim do đạo diễn Bạch Diệp làm đạo diễn. Hoa ban đỏ kể về những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đó là cuộc tấn công vào cứ điểm 206, Tiểu đoàn trưởng Phương bị trọng thương, đã được sự cứu chữa tận tình của cô y tá Tấm. Khi vết thương lành, họ tạm biệt nhau giữa cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ. Tình yêu thầm lặng thời khói lửa. Thế nhưng, Tấm vẫn không nguôi nhớ về Phương. Trong tiếng hát chiến thắng, Tấm chạy khắp cánh đồng Mường Thanh để tìm Phương.

Nhà văn Hữu Việt xúc động chia sẻ những câu chuyện về cha mình - nhà văn Hữu Mai tại chương trình 'Bài ca Điện Biên' do VTV thực hiện tối 28/4/2024. Ảnh: Kiên Trung.

Nhà văn Hữu Việt xúc động chia sẻ những câu chuyện về cha mình - nhà văn Hữu Mai tại chương trình "Bài ca Điện Biên" do VTV thực hiện tối 28/4/2024. Ảnh: Kiên Trung.

Nhà thơ Hữu Việt nhận xét, bộ phim “Hoa ban đỏ” là sự bổ sung bằng ngôn ngữ điện ảnh với lợi thế thị giác và hình ảnh đã góp phần để tiểu thuyết Hoa ban đỏ được nhà văn Hữu Mai viết sau đó đến với nhiều đối tượng độc giả hơn. 

“Về mặt ngôn ngữ, điện ảnh và văn học đúng là có sự khác nhau. Nhưng, thử hỏi nếu như không có các tác phẩm văn học tốt thì sẽ không thể có những kịch bản hay cho điện ảnh được. Trong thực tế cho thấy, rất nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng đều có xuất phát điểm là dựa trên những tác phẩm văn học có chất lượng.

Trường hợp tiểu thuyết Hoa ban đỏ của cha tôi – nhà văn Hữu Mai, theo tôi nhớ kịch bản văn học Hoa ban đỏ có trước tác phẩm văn học, nghĩa là ông viết kịch bản Hoa ban đỏ trước khi viết tiểu thuyết văn học Hoa ban đỏ.

Nếu như văn học đã làm nhiệm vụ chuyển tải thông tin, hình tượng nghệ thuật… tới bạn đọc bằng ngôn ngữ, ở các hoàn cảnh khác nhau… thì điện ảnh đã làm cho những tác phẩm văn học được lan tỏa và tạo ra những hiệu ứng về thị giác cũng như cảm xúc của con người. Hai ngôn ngữ nghệ thuật tuy khác nhau nhưng đó lại là sự bổ sung hoàn hảo cho nhau”.

Ba người con của ba nghệ sỹ Điện Biên Phủ: Nhà văn Hữu Việt - con trai nhà văn Hữu Mai; nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - con nhạc sỹ Đỗ Nhuận; TS Ngô Phương Lan - con NSND Ngô Mạnh Lân gặp nhau tại chương trình 'Bài ca Điện Biên' do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kiên Trung.

Ba người con của ba nghệ sỹ Điện Biên Phủ: Nhà văn Hữu Việt - con trai nhà văn Hữu Mai; nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - con nhạc sỹ Đỗ Nhuận; TS Ngô Phương Lan - con NSND Ngô Mạnh Lân gặp nhau tại chương trình "Bài ca Điện Biên" do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kiên Trung.

Sinh ra trong giai đoạn chiến tranh, nhà văn Hữu Mai trước hết là một chiến sĩ, chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ở tư cách người cầm bút, các trang văn của ông đã ghi lại một thời đại lịch sử của dân tộc. Các tác phẩm của ông dù ở thể loại nào, tiểu thuyết lịch sử, hồi ký, kịch bản phim… đều không dừng lại ở việc phản ánh, ghi chép, kể lại… mà còn có sức hấp dẫn của văn chương, vừa nói lên cái cao hơn sự thật khắc nghiệt, ấy là con người, dân tộc trong chiến tranh.

Những giá trị của các thế hệ nhà văn – chiến sỹ trải qua hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là thế hệ các văn nghệ sỹ giai đoạn Kháng chiến chống Pháp là minh chứng cho vai trò của những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, để từ đó hình thành chủ trương của Đảng: đưa các văn nghệ sỹ vào chiến trường.

Nhà thơ Hữu Việt nhận xét: “Điều đó cho thấy Đảng luôn nhìn nhận, coi trọng vai trò các văn nghệ sỹ cũng là những người chiến sỹ. Nhiều người trong số họ xuất thân, trưởng thành từ những người chiến sỹ, đã trải qua hai cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chính những người lính nông dân bình thường nhưng anh dũng và can đảm và đã cảm hóa, làm thay đổi các văn nghệ sỹ. Từ những trí thức, tiểu tư sản nhưng khi bước vào cuộc chiến, chứng kiến cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, chứng kiến cả những sự hồn nhiên hiến dâng của các chiến sỹ…, họ trở thành những người chiến sỹ đích thực trên lĩnh vực văn hóa. 

Vai trò của văn hóa nghệ thuật với đặc thù của mình đã góp phần thổi bùng lên khát vọng về độc lập, tự cường, tự do, đoàn kết, về tình yêu hòa bình. Những gì chúng ta được chứng kiến qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chiến dịch Điện Biên là một minh chứng hào hùng cho điều đó” – người con, nhà thơ Hữu Việt xúc động, tự hào nói về thế hệ cha anh.

Xem thêm
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn

Thông tin Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn đã được bạn bè của anh chia sẻ trong thời gian gần đây, khoảng hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra đám cưới.

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

HLV Alexandre Polking hoàn tất mọi thủ tục gia nhập CLB Công an Hà Nội

HLV Alexandre Polking đã có mặt tại Việt Nam, chỉ còn chờ thời điểm thích hợp ký hợp đồng và ra mắt nhà ĐKVĐ V-League Công an Hà Nội (CAHN), dự kiến sẽ diễn ra trong tuần sau.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.