Mối nhân duyên của hai nghệ sỹ Điện Biên
Năm 1959, cô gái 17 tuổi từ Bắc Giang quyết tâm lên Hà Nội đăng ký khóa thi tuyển diễn viên điện ảnh đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam tổ chức tại số 7, Trần Phú. Bà tâm sự: Từ nhỏ, khi xem bộ phim "Chung một dòng sông" (Đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân) nói về mối tình của hai nhân vật Hoài (do diễn viên Phi Nga đóng) và Vận, khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc, ước mơ trở thành một diễn viên lớn dần trong bà.
Nhà tuyển dụng đã nhìn thấy tố chất diễn viên trong cô thiếu nữ sinh năm 1942. Trúng tuyển, Ngọc Lan là thế hệ nghệ sỹ được đào tạo chính quy của điện ảnh cách mạng, gồm 18 đạo diễn và 35 diễn viên - những tên tuổi lớn như Ngọc Lan, Trà Giang, Lâm Tới, Huy Thành, Hải Ninh, Long Vân, Bạch Diệp, Thanh Thủy, Thúy Vinh... Họ giờ đây đã là những nghệ sỹ nhân dân gạo cội.
Năm 1961, bộ phim điện ảnh "Lửa trung tuyến" của đạo diễn Nguyễn Văn Khoa ra đời. Đó là một trong số những tác phẩm điện ảnh cách mạng xuất sắc đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam, với thế hệ diễn viên tài năng của khóa đào tạo điện ảnh đầu tiên ấy.
Trong số các nghệ sỹ tài năng, diễn viên Ngọc Lan là người có nhiều duyên nợ với Điện Biên – dù bà không trực tiếp tham gia chiến dịch nhưng được tham gia những tác phẩm điện ảnh lấy đề tài này làm cảm hứng. Và, nhờ Điện Biên, bà đã có một mối tình đẹp với họa sỹ chiến trường Ngô Mạnh Lân, người mà bà gắn bó cả cuộc đời.
Nhàn - cô thôn nữ duyên dáng trong "Lửa trung tuyến" - là một vai diễn vừa tình tứ, vừa hồn nhiên, lạc quan với ý chí sắt đá để chống lại kẻ thù, với những cung bậc, tâm trạng khác nhau trong tình cảm, trong chiến đấu. Vai diễn đầu tiên của Ngọc Lan thành công hơn cả kỳ vọng, góp phần đưa tên tuổi của bà trở thành một trong số những diễn viên xuất sắc. "Lửa trung tuyến" sau đó được chọn dự thi Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1961.
Thời điểm cùng đoàn Điện ảnh Việt Nam mang tác phẩm sang Liên Xô (cũ) dự thi, cũng là thời điểm họa sỹ Ngô Mạnh Lân đang tu nghiệp, là du học sinh khoa Đạo diễn hoạt hình tại Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô. Như một sự sắp xếp trời định, ông được chọn làm thông dịch viên cho đoàn phim từ quê nhà sang. Khi đó, ông đã có cảm tình với Ngọc Lan qua nhân vật Nhàn - thôn nữ duyên dáng, xông pha trước bom đạn trong “Lửa trung tuyến”.
Những ngày cuối sau Liên hoan phim, các nghệ sĩ Việt Nam thăm thú Moscow, Ngô Mạnh Lân được cử làm “hướng dẫn viên” đưa đoàn đi thăm các di tích, thắng cảnh nổi tiếng của thành phố. Trước cửa cung điện Kremlin, bà bị bụi bay vào mắt, phải nhờ ông thổi. Khi đi xem phim, vì không biết tiếng Nga, bà nhờ ông dịch. Cái nắm tay đầu tiên trong rạp giúp họ nhận ra tình cảm đang ươm mầm nảy nở...
Một cơ duyên khiến cả hai xích lại gần nhau hơn: lúc đoàn chuẩn bị về nước, Ngọc Lan bị ốm, phải ở lại điều trị. Bà nghĩ bụng chắc ông đã theo đoàn về, bất ngờ, ông xuất hiện bên ngoài cửa sổ phòng bệnh. Bà xúc động khi biết ông hủy vé để ở lại cùng bà. Mỗi sáng, ông đều bắt tàu điện đến để động viên, dù cả hai chỉ nhìn nhau qua cửa kính…
Về Việt Nam, một năm sau, một đám cưới giản dị được tổ chức: cô dâu mặc bộ áo dài, trên bàn đôi ấm trà, vài đĩa bánh phu thê; thiệp cưới chỉ in đôi dòng chữ thông báo ngày giờ, địa điểm lễ thành hôn, nhưng vẫn được giữ trong cuốn album gia đình đến nay.
Hạnh phúc của hai nghệ sỹ bền bỉ, keo sơn đến hết cuộc đời.
Những ngày tháng 5, khi không khí 70 năm Điện Biên Phủ đang hừng hực khắp cả nước. Tại Thủ đô, tại Nhà hát Hồ Gươm, hơn 20 tác phẩm của NSND Ngô Mạnh Lân được trưng bày, như góp thêm một cảm xúc về chiến trường xưa.
Có mặt tại không gian nghệ thuật nhỏ của chồng, NSND Ngọc Lan rưng rưng ngắm nhìn những hình ảnh thân thuộc - những sáng tác của chồng mình hơn 70 năm trước. Ánh mắt bà khi nhìn bức ảnh của ông được phóng to trên tấm áp phích đặt ở vị trí trang trọng của sự kiện, đủ nói hết những yêu thương, hạnh phúc, tự hào… mà 63 năm trước, cô thiếu nữ Ngọc Lan đã quyết định trao gửi cho họa sỹ trẻ.
Nhắc đến câu chuyện gia đình, Tiến sỹ Ngô Phương Lan chia sẻ, con đường trở thành nhà phê bình điện ảnh của mình cũng có nhiều ảnh hưởng từ “tinh thần Điện Biên” của cha mẹ.
“Được sinh ra trong môi trường gia đình làm nghệ thuật, thế hệ con cái chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với môi trường nghệ thuật từ sớm. Tôi không có gene hội họa của cha, nhưng giống như những người con của các văn nghệ sỹ chiến trường khác, chúng tôi được thừa hưởng từ cha mẹ từ trong cách nghĩ, thừa hưởng tinh thần của con người Việt Nam luôn nghĩ đến những điều chung, lợi ích chung… Tôi tâm niệm rằng, chiến dịch Điện Biên Phủ không cần phải nói nhiều, nó cũng sẽ âm vang mãi”.
TS Ngô Phương Lan tâm sự: Tôi từng tiếp xúc với đạo diễn người Pháp - Pierre Schoendoerffer. Ông là một cựu binh tham gia chiến dịch. Sau này trở lại Việt Nam, ông ấp ủ được làm một bộ phim về Điện Biên Phủ - mảnh đất mà ông là người trong cuộc. Năm 1990, bộ phim “Điện Biên Phủ” bắt đầu bấm máy và 2 năm sau, tác phẩm điện ảnh này hoàn thành. Tôi được tiếp xúc với ông nhiều lần, trong các cuộc trò chuyện, trong vai trò cơ quan quản lý thẩm định kịch bản…
Ông chia sẻ với tôi rằng, “nếu bộ phim này tôi làm không thành công thì tôi chết không nhắm mắt. Nếu tôi làm bộ phim này, nhân dân Việt Nam không hài lòng thì tôi sống cũng như chết. Nếu bộ phim này được nhân dân Việt Nam yêu mến, tôi sẽ rất hạnh phúc để giã từ cuộc đời này”.
Rõ ràng, một người lính ở phe bên kia nhưng bản thân họ đã vô cùng cảm phục tinh thần Điện Biên của chúng ta, họ đã phản ánh được sự thật lịch sử mà cả thế giới đã phải công nhận, và những người trong cuộc, chính những tù binh của chiến dịch đã phải công nhận.
Những ký họa chiến trường sống dậy trong bức panorama lớn nhất
Trong các hiện vật đang có mặt tại Điện Biên hôm nay, có một bức tranh khổng lồ: bức panorama về Điện Biên Phủ với 4 trường đoạn do họa sỹ Nguyễn Văn Mạc và lực lượng đông đảo các họa sỹ tham gia, với thời gian thực hiện kỷ lục: 9 năm kể từ khi có ý tưởng.
Những họa sỹ tham gia sáng tạo tác phẩm bức họa panorama khổng lồ về Điện Biên Phủ nói rằng, những bức ký họa của họa sỹ Ngô Mạnh Lân đã cung cấp cho họ những tư liệu quý giá, những gương mặt của những người chiến sỹ.
“Chúng tôi không dám copy hoàn toàn những gương mặt ấy, vì như thế là chép tranh. Nhưng tất cả những ký họa của họa sỹ Ngô Mạnh Lân đã được sử dụng làm tư liệu góp phần hình thành bức tranh lớn nhất từ trước đến nay”, họa sỹ Nguyễn Văn Mạc chia sẻ.
Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, trên nền vải toan, trong không gian 360 độ, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m² tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật.
Các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều dụng cụ trong chiến tranh như súng ống, đạn dược, xe pháo, lều bạt và cả hình nộm được sắp đặt chuyển tiếp một cách ăn nhập với hình ảnh trong tranh, đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo, gây ấn tượng mạnh với thị giác người xem.
Bức tranh gồm 4 trường đoạn: Trường đoạn 1 “Toàn dân ra trận”: với hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch; hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ… được tái hiện hết sức sinh động và chân thật.
Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng”: với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng trận mở màn đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của quân Pháp đồng thời cổ vũ các chiến sỹ của ta có thêm sức mạnh, củng cố niềm tin vào những trận đánh tiếp theo.
Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử”: với những hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà… phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá trong lòng đồi A1.
Trường đoạn 4 “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Không chỉ sử dụng tư liệu từ các tác phẩm hội họa của các họa sỹ chiến trường, bức tranh này còn kết hợp cả… âm nhạc của các nhạc sỹ viết về chiến dịch Điện Biên Phủ. Do đó, nó là một tác phẩm tổng hòa nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau: hội họa, âm nhạc, văn học, lịch sử, điêu khắc…
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, con của nhạc sỹ Đỗ Nhuận chia sẻ: “Đầu năm 2023, họa sỹ Nguyễn Văn Mạc gặp tôi khi bức tranh chuẩn bị hoàn thành sau 9 năm thi công. Anh gặp tôi và đặt vấn đề làm sao để có một bản nhạc xuyên suốt 4 trường đoạn của bức tranh. Tôi thấy đó là một điều tuyệt vời, và cũng là một cơ duyên để tôi được trở lại, sống lại không khí Điện Biên Phủ bằng âm nhạc.
Chỉ khác một điều, thứ âm nhạc ấy không chỉ là những bài hát thể hiện bằng ngôn ngữ, mà nó còn phải là sự hòa trộn từ những ca khúc như Hò kéo pháo, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên, Pì Noọng ơi… năm xưa. Tất cả những giai điệu đó phải được hòa vào và phải được giao hưởng hóa, biến thành những chất liệu để khớp với từng chương của bức họa.
Gần đây, rất nhiều khán giả, đồng bào tới Điện Biên ngắm nhìn bức tranh đều sửng sốt vì hiệu ứng cùng một lúc được nghe và nhìn bức họa. Bản thân tôi nhiều lúc cũng có những cảm xúc gai người. Rõ ràng, âm nhạc không chỉ là âm thanh nữa, nó đã góp phần tạo nên sự chuyển động cho các nhân vật. Như cảnh Hò kéo pháo, khi có âm nhạc Hò kéo pháo của nhạc sỹ Hoàng Vân lồng vào, người xem có cảm giác thấy cả một khối hình đang chuyển động thật.
“Tôi nhận ra rằng, đặc thù chung của các văn nghệ sỹ trong chiến dịch Điện Biên, đó là những phản ứng tức thời, cụ thể, không có gì ngăn cản những cảm xúc dâng trào. Chính những cảm xúc tức thời đó đã ghi lại được sự chân thực của cuộc chiến, cùng với tài năng của các nghệ sỹ để từ đó cho ra đời những “siêu tác phẩm” ngay trong chiến hào, ngay trên đường ra trận”, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân xúc động khi nói về thế hệ cha anh.
Có những nhân duyên nhất định từ trong gia đình với Điện Biên Phủ, tôi đã chất vấn đạo diễn Pierre Schoendoerffer và ông cũng rất vui vẻ thừa nhận, như cách thể hiện chân dung những người lính Pháp, ông chọn cách thể hiện đặc tả; còn đối với những chiến sỹ Cộng sản, ông ta đưa vào toàn cảnh từ trên cao xuống. Đạo diễn này nói: “Việc thể hiện rõ chân dung hay hình ảnh các chiến sỹ Cộng sản, các bạn sẽ là người có trách nhiệm. Còn tôi thể hiện với tâm thế của một người lính thất trận”.
Trách nhiệm của những nghệ sỹ bây giờ, đó là tiếp nối “tinh thần Điện Biên” để trao truyền lại, làm sống lại tinh thần Điện Biên trong các tác phẩm văn học nghệ thuật bởi Chiến thắng này vang vọng toàn bộ địa cầu, cho đến nay vẫn còn sức sống mà không gì có thể lay chuyển được".
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, (con gái họa sĩ Ngô Mạnh Lân) chia sẻ.