Không thiếu lúa gạo
Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích lúa cả nước năm 2023 ước đạt khoảng 7,1 triệu ha, năng suất trung bình 6,07 tấn/ha, sản lượng ước đạt 43,1 triệu tấn lúa, tăng khoảng trên 452 nghìn tấn so với năm 2022.
Tính đến ngày 5/8, cả nước đã thu hoạch được khoảng 3,7 triệu ha lúa với sản lượng 24,6 triệu tấn. Trong đó, vụ đông xuân trên cả nước đã hoàn thành thu hoạch với diện tích khoảng 2,95 triệu ha, sản lượng khoảng 20 triệu tấn lúa.
Riêng ở ĐBSCL, vụ đông xuân có tổng diện tích gieo trồng là 1,479 triệu ha, sản lượng 11 triệu tấn. Cũng đến 5/8, vụ hè thu ở ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 760 nghìn ha/1,48 triệu ha gieo trồng, sản lượng đã thu hoạch là 4,6 triệu tấn lúa. Như vậy, đến đầu tháng 8, vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 2,34 triệu ha, sản lượng 15,6 triệu tấn lúa.
Cục Trồng trọt khẳng định, đến thời điểm này, có thể nói tất cả các mùa vụ lúa trong năm nay từ Bắc vào Nam, đều diễn ra ổn định. Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch, đáp ứng đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu.
Về thông tin một số doanh nghiệp hiện đang khó hoặc không thu mua được lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL, một số chuyên gia và thương nhân ngành lúa gạo cho biết, đúng là có những doanh nghiệp không mua được lúa gạo vì… các doanh nghiệp khác đã mua rồi. Điều này cho thấy thị trường hiện không thiếu lúa gạo, nhưng trong bối cảnh giá lúa đang tăng lên như hiện nay, những doanh nghiệp không ký kết hợp đồng, không bao tiêu sản phẩm…, mà vẫn làm ăn theo kiểu ký hợp đồng xuất khẩu tới đâu tiến hành thu mua lúa gạo tới đó, thì sẽ khó mua được lúa gạo hàng hóa.
Bởi trên thực tế trong những ngày qua, khi giá lúa tăng cao ở ĐBSCL do ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo không phải Basmati của Ấn Độ, những doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu như Lộc Trời, Đại Dương Xanh, Trung An… vẫn đang mua được lúa gạo một cách bình thường. Thậm chí dù giá lúa đang lên cao nhưng nhiều doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu vẫn đang tiến hành thu mua với giá cao hơn thị trường từ 200-500 đồng/kg ở những vùng nguyên liệu mà hạt lúa đạt tiêu chuẩn theo cam kết ban đầu giữa doanh nghiệp với nông dân.
Hiện tại, hầu hết các vùng sinh thái ở Việt Nam đều vẫn đang dư gạo từ nguồn sản xuất tại chỗ. Riêng ở khu vực Đông Nam bộ, sản lượng gạo tại chỗ đang thiếu khoảng 600 nghìn tấn so với nhu cầu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này được bù đắp một cách dễ dàng từ ĐBSCL và TP.HCM (hiện đang dư khoảng 2,5 triệu tấn gạo).
Với đặc thù sản xuất ở ĐBSCL, liên tục có lúa để thu hoạch. Bởi mỗi vụ lúa ở khu vực này được xuống giống trong vòng 3 tháng, mỗi tháng lại rải ra nhiều đợt tùy theo từng địa phương, nên thời gian thu hoạch cũng kéo dài tương tự. Thành ra gần như ngày nào cũng có thu hoạch lúa ở ĐBSCL.
Cụ thể, vào thời điểm hiện tại, nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu. Đến tháng 9 kết thúc thu hoạch lúa hè thu thì 100 nghìn ha lúa thu đông gieo trồng trong tháng 6 bước vào thu hoạch. Diện tích lúa thu đông còn lại tiếp tục được thu hoạch cho đến tháng 12. Sang tháng 1/2024, đến lượt 200-400 nghìn ha lúa đông xuân xuống giống trong tháng 10/2023 bước vào thu hoạch. Lúa đông xuân tiếp tục thu hoạch cho đến tháng 4/2024 và đến tháng 5/2024 thì lại vào thu hoạch những trà lúa hè thu xuống giống trong tháng 2/2024…
Tăng sản xuất, tăng trách nhiệm
Theo kế hoạch trước đây, diện tích sản xuất lúa vụ thu đông năm 2023 ở ĐBSCL là 650 nghìn ha. Tuy nhiên, trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang căng thẳng và xuất khẩu gạo đang thuận lợi, kế hoạch sản xuất vụ thu đông đã được điều chỉnh tăng thêm 50 nghìn ha để lên mức 700 nghìn ha.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành lúa gạo, việc tăng thêm diện tích lúa thu đông và duy trì hoạt động xuất khẩu gạo, sẽ đưa thêm một lượng gạo của Việt Nam tham gia vào thị trường lương thực toàn cầu vốn đang căng thẳng sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam với tư cách là một nguồn cung cấp lương thực thân thiện và có trách nhiệm với người tiêu dùng thế giới. Vì Việt Nam vẫn nỗ lực gia tăng sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động nhiều hơn tới ĐBSCL, mà trước mắt là những cảnh báo về El Nino vào cuối năm nay dẫn tới việc sản xuất lúa gạo phải giải quyết nhiều vấn đề như khô hạn, xâm nhập mặn, dịch hại... Qua đó, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần giảm bớt nỗi lo thiếu hụt lương thực trên toàn cầu.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội tổ chức lại ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đó là tăng cường liên kết, giảm giá thành, giảm phát thải, thân thiện môi trường, tăng thu nhập của người trồng lúa.
Việc tăng thêm diện tích sản xuất vụ thu đông là hoàn toàn có thể trong bối cảnh nguồn nước năm nay ở ĐBSCL.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, dự báo lũ ở ĐBSCL trong năm 2023 ở mức thấp. Cụ thể, đến ngày 31/8, dự báo mực nước lũ trên dòng chính ĐBSCL khu vực đầu nguồn ở mức cao nhất đạt 2,7 m tại Tân Châu và 2,35 m tại Châu Đốc. Ở khu vực trung tâm, mực nước dự báo ở mức 1,85 m tại Cần Thơ và ở mức 1,7 m tại Mỹ Thuận.
Đỉnh lũ chính vụ trên dòng chính ĐBSCL khu vực đầu nguồn có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023, được dự báo ở mức cao nhất đạt 3,5 m tại Tân Châu (bằng mức báo động 1) và 3,1 m tại Châu Đốc (cao hơn 0,1 m so với mức báo động 1). Khu vực trung tâm, mực nước dự báo ở mức cao nhất đạt 2,08 m tại Cần Thơ (cao hơn 0,08 m so với mức báo động 3) và 2,02 m tại Mỹ Thuận (cao hơn 0,22 m so với mức báo động 3).
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, với lũ chính vụ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và thấp hơn mức báo động 1, về cơ bản, các hệ thống đê bao, bờ bao hiện tại bảo vệ tốt sản xuất lúa vụ thu đông, ngoại trừ các huyện nằm giữa sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh Đồng Tháp hay một số diện tích ở Hậu Giang, Vĩnh Long. Thực ra những vùng này không chỉ có khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ mà chịu tác động của triều cường.
Ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam), cho biết, triều năm nay được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không căng thẳng như năm 2022. Vì vậy, nếu gia tăng diện tích vụ thu đông năm nay thêm 50 nghìn ha so với kế hoạch ban đầu là 650 nghìn ha, thì vẫn đảm bảo được an toàn cho toàn bộ diện tích. Bởi thực tế cho thấy, có những năm trước đây, diện tích lúa thu đông lớn hơn nhiều so với hiện nay.
Theo tính toán của một chuyên gia ngành lúa gạo, giá lúa hè thu hiện tại đang cao hơn 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm của năm 2022. Ở vụ đông xuân, giá lúa bình quân cao hơn từ 300-500 đồng/kg so với vụ đông xuân 2021-2022. Nếu hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì một cách bình thường, giá lúa thu đông nhiều khả năng cũng sẽ cao hơn vụ thu đông trước. Như vậy, chỉ cần giá lúa bình quân cả năm nay ở ĐBSCL cao hơn giá lúa năm 2022 khoảng 500 đồng/kg, thì ngành lúa gạo khu vực này sẽ có thêm 12 nghìn tỷ đồng, tương đương với 500 triệu USD, bằng với số tiền mà Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.