| Hotline: 0983.970.780

Giờ vàng cho ngành lúa gạo Việt Nam

[Bài 3]: Liên kết sản xuất hiệu quả phụ thuộc ứng xử doanh nghiệp, thương lái

Thứ Năm 10/08/2023 , 09:27 (GMT+7)

Để việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL hiệu quả như kỳ vọng, cần kết nối chặt với doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích hài hòa với bà con nông dân.

Vừa mừng, vừa tiếc khi giá lúa tăng

Kênh 4.000 - Tuyến đường thủy độc đạo ôm trọn vùng sản xuất lúa trọng điểm của xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Vào mỗi vụ thu hoạch lúa, nơi đây náo nhiệt ghe xuồng chở lúa từ khắp nơi tụ về, đậu dọc tuyến kênh. Trên bờ là những khoảng sân rộng được người dân tận dụng cho thương lái thuê để phơi lúa, san sát nhau kéo dài cả cây số.

Tiếp nối thành công từ vụ lúa hè thu 2023, nông dân ĐBSCL bước vào sản xuất vụ thu đông trong tâm thế phấn khởi. Ảnh: Kim Anh.

Tiếp nối thành công từ vụ lúa hè thu 2023, nông dân ĐBSCL bước vào sản xuất vụ thu đông trong tâm thế phấn khởi. Ảnh: Kim Anh.

Trồng lúa là nghề truyền thống của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Linh ở ấp 6B, xã Tân Hòa. Theo kinh nghiệm, gia đình vẫn sạ 3 vụ lúa trong năm, vụ hè thu và thu đông canh tác liền kề nhau, sau đó cho đất nghỉ ngơi khoảng 2 - 3 tháng vừa tránh được lũ, vừa tận dụng mặt nước để nuôi thêm cá, vịt, đến vụ đông xuân sẽ sạ trễ hơn.

Hiện 10 công lúa sạ giống OM5451 (1.000 m2/công) đã phát triển được một tháng rưỡi. Cách đây 7 ngày, thương lái đã tìm đến bao tiêu, đặt tiền cọc với mức giá 6.800 đồng/kg. Nhận thấy mức giá này cao hơn nhiều so với các vụ trước, chị Linh rất phấn khởi và đồng ý nhận tiền cọc.

Bài liên quan

"Những hộ lân cận vừa nhận cọc cách đây một vài ngày lại có mức giá lên đến 7.400 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao và chưa từng có trong lịch sử trồng lúa nhiều năm qua của gia đình. Nhưng nếu tới ngày thu hoạch giá lúa tiếp tục lên cao, bà con nông dân cũng không có lời nhiều vì đã nhận tiền cọc và chốt giá với thương lái”, chị Linh kể trong tâm trạng tiếc hùi hụi.

Qua tìm hiểu, đa số bà con nông dân ở xã Tân Hòa đều bán lúa thông qua thương lái, khi nhận tiền cọc đồng nghĩa tới vụ thu hoạch giá lúa lên cao hay xuống thấp nông dân đều bán đúng theo mức giá đã thỏa thuận ban đầu. Tuy không thực hiện ký kết bất cứ hợp đồng, thỏa thuận buôn bán nào, nhưng bà con đều tuân thủ đúng cam kết.

Theo lý giải của chị Linh, trong vùng chỉ có hai thương lái nhận thu mua lúa cho bà con nông dân. Vì thế, nếu không nhận cọc trước thì lúa thu hoạch không biết bán cho ai.

Tương tự, anh Dương Văn Siêu ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ khi vừa xuống giống dứt điểm 5ha lúa thu đông, lúa đang trong giai đoạn đòng trổ, anh cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ các thương lái để đặt cọc tiền lúa.

Anh Siêu cho biết tại huyện Thới Lai, cách đây hơn 1 tuần, mức giá nhận đặt cọc lúa thương lái đưa ra là 7.000 đồng/kg và đang có dấu hiệu chững lại. Qua tìm hiểu giá lúa ở nhiều địa phương lân cận vẫn ở mức cao khoảng 7.400 đồng/kg, vì thế anh Siêu chưa nhận tiền cọc, đợi giá lúa của địa phương lên mức 7.200 đồng/kg mới “chốt” với thương lái.

Anh Siêu đưa ra phương pháp thỏa thuận giữa nông dân và thương lái, khi chốt giá và nhận tiền cọc, tất cả được ghi chép bằng giấy viết tay. Dựa vào đó, bà con nông dân phải đảm bảo tuân thủ đúng cam kết. Trường hợp giá lúa xuống thấp, thương lái sẽ thương lượng lại với bà con nông dân để hạ giá thu mua phù hợp. Ngược lại, nếu cuộc thương thảo này không thành công, thương lái chỉ thu vừa đủ lượng lúa đã “dằn” tiền cọc ban đầu. Thậm chí, với những khoản tiền đặt cọc không lớn, dao động từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, thương lái sẽ bỏ lúa không nhận thu mua. Nông dân muốn tiêu thụ được lúa để tránh thất thoát buộc phải tìm kiếm thương lái khác thu mua và chấp nhận mức giá thấp hơn.

Bản thân anh Siêu đã từng lâm vào trường hợp tương tự, anh chọn giải pháp mang lúa đi sấy và dự trữ lại để chờ giá.

HTX nông nghiệp Nhân Lợi ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cách đây hơn 15 ngày cũng đã ký hợp đồng thỏa thuận bán lúa cho thương lái với mức giá 6.600 đồng/kg giống lúa OM5451.

Anh Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX đánh giá, so với vụ thu đông năm trước, thời tiết hiện tại thuận lợi cho sản xuất lúa, giá lúa cũng tăng khoảng 30% so với vụ trước và có thể sẽ còn tiếp tục tăng. Hiện 98% diện tích trồng lúa của bà con xã viên, tương đương khoảng 490ha đã xuống giống.

Liên kết sản xuất, thu mua lúa gạo tránh tình trạng “ăn xổi ở thì”

Giá xuất khẩu gạo tốt, ngoài khai thác những thị trường truyền thống, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho rằng, doanh nghiệp lúa gạo sẽ có cơ hội tiếp cận và mở rộng một số thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, để giữ được thị trường một cách bền vững, phụ thuộc vào uy tín giá và chất lượng của gạo Việt. Điều này được xây dựng nên từ mối liên kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân trong lúc này. Không thể ứng xử theo quan điểm “ăn xổi ở thì”, xuất hiện tư duy giá lúa tốt bán cho người này, không được thì bán cho người khác.

Giá gạo tăng, cần có sự kết nối chặt với doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích hài hòa với bà con nông dân trong hợp đồng liên kết. Ảnh: Kim Anh.

Giá gạo tăng, cần có sự kết nối chặt với doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích hài hòa với bà con nông dân trong hợp đồng liên kết. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nghiêm phân tích, giá gạo trên thị trường thế giới tăng, nhưng để tăng được cho người nông dân ở mức độ như thế nào, phụ thuộc lớn vào cách ứng xử của doanh nghiệp, thương lái và thị trường thu mua trong nước. Do đó, cần có sự kết nối chặt với doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích hài hòa với bà con nông dân trong hợp đồng liên kết. Mặt khác, nông dân cũng cần tạo uy tín với doanh nghiệp.

Hiện, khoảng 50% diện tích sản xuất lúa của TP Cần Thơ được tiêu thụ thông qua hình thức liên kết là nông dân, tổ hợp tác hoặc HTX bán lúa qua “cò”, thương lái, hình thức này được đánh giá không chặt chẽ. Vấn đề đặt cọc tiền lúa trước mỗi vụ, theo ông Nghiêm hiện chưa tạo được niềm tin lớn, tiền cọc chỉ mang tính tượng trưng. Thời gian qua, trường hợp bỏ cọc vẫn xảy ra. Giá lúa tăng, thương lái có lợi nhuận cao nhưng khi giá giảm, lại xin điều chỉnh giá bỏ cọc ban đầu, nông dân vẫn chịu thiệt.

Bài liên quan

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đang tìm phương án thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch thực hiện thỏa thuận bao tiêu, thu mua giữa doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác và HTX được ký kết bằng hợp đồng điện tử.

“Mục đích của phương án này là chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Nếu giá tăng trên 10%, doanh nghiệp sẽ tăng thêm 5% cho nông dân. Ngược lại, giá giảm từ 10% nông dân cũng đồng tình giảm 5% cho doanh nghiệp”, ông Nghiêm chia sẻ dự định.

Tại tỉnh Đồng Tháp, qua gần 20 năm mới ghi nhận giá lúa cao như hiện nay. Doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn đang tổ chức liên kết sản xuất theo hình thức mới là mua theo giá thị trường, không thực hiện bao tiêu. Vì thế hoạt động thu mua lúa cũng diễn ra thuận lợi hơn. Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp đưa ra 2 vấn đề trọng tâm của ngành lúa gạo tỉnh là tổ chức liên kết để người dân ổn định sản xuất và giảm giá thành sản xuất đảm bảo nông dân có lợi nhuận cao nhất.

Trong đó, vấn đề chính của việc liên kết là hướng dẫn doanh nghiệp không thu mua chồng chéo, tránh tranh mua tranh bán. Sở sẽ phối hợp với những doanh nghiệp lớn, chọn những vùng phù hợp để tổ chức liên kết, tạo thuận lợi trong việc thu mua.

Đối với vụ thu đông nếu không tổ chức sản xuất tốt, nhất là khâu sấy lúa sẽ dẫn đến thất thoát lớn. Do đó, phải đảm bảo tạo thuận lợi để các doanh nghiệp thu mua vận chuyển nhanh về kho sấy.

Doanh nghiệp lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tổ chức liên kết sản xuất theo hình thức mới, mua theo giá thị trường, không thực hiện bao tiêu, hoạt động thu mua lúa diễn ra thuận lợi hơn. Ảnh: Kim Anh.

Doanh nghiệp lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tổ chức liên kết sản xuất theo hình thức mới, mua theo giá thị trường, không thực hiện bao tiêu, hoạt động thu mua lúa diễn ra thuận lợi hơn. Ảnh: Kim Anh.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đặc biệt quan tâm vấn đề tổ chức liên kết sản xuất.

Như tỉnh Kiên Giang là địa phương có diện tích sản xuất lúa đứng đầu khu vực ĐBSCL, tuy nhiên hiệu quả liên kết tiêu thụ còn thấp. Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm, phát triển mối liên kết với các HTX. HTX mạnh, tập hợp diện tích lớn, doanh nghiệp cũng “khỏe” khi thu mua, tránh được tình trạng bẻ kèo hoặc loạn giá.

Nói về vấn đề xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, lượng gạo cân đối trong nước từ nay đến cuối năm là đủ và thực tế tháng nào vùng ĐBSCL cũng có gạo nên vấn đề an ninh lương thực sẽ đảm bảo. Khó khăn của doanh nghiệp không mua được gạo là thiếu liên kết vùng nguyên liệu dẫn đến bị động nguồn hàng khi giá lúa gạo tăng. Bài học rút ra từ đây là doanh nghiệp phải thực hiện liên kết ổn định.

Quan điểm của ông Tùng, việc giá gạo xuất khẩu tăng, hãy xem đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao giá trị lúa gạo bằng sự thân thiện, trách nhiệm và chia sẻ. Ứng xử này có giá cao hơn nhiều so với việc tận dụng thời cơ tăng giá.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.