| Hotline: 0983.970.780

Giờ vàng cho ngành lúa gạo Việt Nam

[Bài 1]: Tăng diện tích lúa thu đông để chớp thời cơ

Thứ Ba 08/08/2023 , 08:57 (GMT+7)

ĐBSCL Không chỉ tăng diện tích, nông dân ĐBSCL còn tích cực áp dụng các biện pháp để tăng năng suất, chất lượng lúa thu đông nhằm chớp thời cơ thị trường lúa gạo đang thuận lợi.

LTS: Thông tin giá gạo xuất khẩu tăng, kéo theo giá thu mua lúa trong nước thời gian gần đây ghi nhận mức cao lịch sử. Khắp các cánh đồng lúa thu đông ở miền Tây, bà con nông dân phấn khởi chăm sóc đồng ruộng để tiếp tục một mùa vụ thắng lợi lớn.

Đây cũng là thời điểm vàng để tổ chức lại sản xuất, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Trong thời điểm này, cần một loạt giải pháp từ tổ chức sản xuất, cơ cấu mùa vụ, đến chính sách điều hành vĩ mô nâng tầm giá trị hạt gạo Việt, đảm bảo xuất khẩu và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tăng diện tích gieo sạ lúa thu đông

Theo khung thời vụ khuyến cáo, còn gần 10 ngày nữa nông dân Kiên Giang mới kết thúc lịch gieo sạ lúa thu đông 2023. Tuy nhiên, năm nay có nhiều thuận lợi, giá vật tư đầu vào hạ nhiệt, giá lúa hàng hóa đang tăng cao, đã tạo động lực để nông dân tích cực xuống giống. Đến đầu tháng 8, các địa phương trong tỉnh đã gieo sạ vượt kế hoạch gần 4.000 ha, diện tích xuống giống đạt xấp xỉ 75.000 ha.

Năm nay có nhiều thuận lợi khi giá vật tư đầu vào hạ nhiệt, giá lúa hàng hóa tăng cao, tạo động lực để nông dân tích cực làm đất xuống giống lúa thu đông, tăng diện tích gieo sạ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Năm nay có nhiều thuận lợi khi giá vật tư đầu vào hạ nhiệt, giá lúa hàng hóa tăng cao, tạo động lực để nông dân tích cực làm đất xuống giống lúa thu đông, tăng diện tích gieo sạ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Năm 2023, ngành nông nghiệp Kiên Giang được tỉnh giao nhiệm vụ sản xuất lương thực đạt từ 4,4 triệu tấn trở lên. Trong đó, vụ mùa và đông xuân 2022-2023 đã thu hoạch dứt điểm đạt hơn 2,52 triệu tấn. Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cần sản xuất gần 2 triệu tấn lúa hàng hóa, gồm vụ hè thu 2023 đang thu hoạch gần dứt điểm, sản lượng ước đạt khoảng 1,6 triệu tấn, còn lại là vụ lúa thu đông. Nếu triển khai tốt kế hoạch sản xuất, tăng diện tích gieo sạ, phòng chống dịch bệnh hiệu quả và giữ vững năng suất, khả năng sản lượng lúa cả năm sẽ vượt chỉ tiêu, ước thu hoạch đạt hơn 4,5 triệu tấn.   

Mục tiêu ban đầu, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch sản xuất vụ lúa thu đông 2023 với tổng diện tích 71.200 ha. Lịch gieo sạ tập trung thành 2 đợt chính, đợt 1 từ ngày 10-25/7 và đợt 2 từ ngày 5-15/8. Diện tích sản xuất tập trung ở các huyện có hạ tầng đê bao phục vụ sản xuất tốt lúa 3 vụ/năm, như Giồng Riềng, Giang Thành, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Gò Quao và Rạch Giá. Nhờ giá lúa tăng, tiêu thụ tốt, một số huyện có diện tích xuống giống lúa thu đông tăng mạnh như Tân Hiệp, đạt hơn 25.900 ha, tăng gần 5.000 ha so với kế hoạch; Giồng Riềng tăng gần 500 ha, đạt 25.940 ha. Hiện trà lúa thu đông của tỉnh đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ, phát triển tốt.

Không chỉ tăng diện tích, nông dân còn tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cơ giới hóa khâu gieo sạ, để tăng năng suất, chất lượng lúa thu đông nhằm chớp thời cơ thị trường lúa gạo đang thuận lợi. Ảnh: Hoàng Vũ.

Không chỉ tăng diện tích, nông dân còn tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cơ giới hóa khâu gieo sạ, để tăng năng suất, chất lượng lúa thu đông nhằm chớp thời cơ thị trường lúa gạo đang thuận lợi. Ảnh: Hoàng Vũ.

Để chủ động và linh hoạt trong sản xuất vụ lúa thu đông 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch xuống giống với tổng diện tích 24.500 ha. Theo đó, lịch thời vụ xuống giống tập trung đợt 1 từ ngày 4-10/7 và đợt 2 từ ngày 2-8/8. Đến đầu tháng 8, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ lúa thu đông đạt 22.300 ha, diện tích còn lại đang tập trung xuống giống, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, trời nắng nhiều. Đối với một số vùng có tập quán xuống giống lúa thu đông trễ so với khung thời vụ, Sở NN-PTNT chỉ đạo cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 31/8. Chỉ tập trung sản xuất ở khu vực có hệ thống đê bao kiên cố, điều kiện chủ động bơm, thoát nước tốt để hạn chế nước lũ gây ngập úng.

Về biện pháp kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ và đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 20 ngày trước khi gieo sạ để tránh sinh vật gây hại và tránh ngộ độc hữu cơ. Có thể sử dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế thối rễ cho lúa. Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP, ứng dụng IPM, công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại.

Gieo sạ lúa thu đông trong đê bao an toàn

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Long An, hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 60.000ha lúa hè thu, năng suất ước đạt 64,3 tạ/ha, sản lượng gần 400.000 tấn. Bên cạnh lúa hè thu, tại một số huyện, nông dân đã gieo sạ vụ lúa thu đông 2023 ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu sớm. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ hơn 38.000/57.000ha lúa thu đông, tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Do đang vào mùa mưa nên các sinh vật gây hại trên cây lúa dễ phát sinh, phát triển, nhất là các loại sâu, bệnh: Đạo ôn lá, cháy bìa lá, rầy nâu...

Sử dụng máy cấy không chỉ giúp giảm lượng lúa giống mà nông dân có thêm thời gian vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ hiệu quả, tránh ngộ độc hữu cơ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sử dụng máy cấy không chỉ giúp giảm lượng lúa giống mà nông dân có thêm thời gian vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ hiệu quả, tránh ngộ độc hữu cơ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết: Đối với sản xuất lúa thu đông, căn cứ điều kiện của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể. Phấn đấu sản lượng lúa vụ thu đông của tỉnh đạt 285.800 tấn, trong đó, các huyện vùng Đồng Tháp Mười đạt trên 230.000 tấn và các huyện phía nam đạt 55.500 tấn.

Theo đó, vùng có đê bao, vùng gò tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, vụ thu đông xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 6 và 7 với diện tích khoảng 35.200ha. Còn tại các huyện phía nam, cần gieo sạ vụ thu đông từ giữa tháng 8 và kết thúc trước ngày 20/9/2023, với diện tích khoảng 22.000ha.

Khi bố trí thời vụ gieo sạ lúa thu đông 2023, các địa phương cần lưu ý không để ảnh hưởng đến gieo sạ lúa vụ đông xuân 2023-2024. Đồng thời, nên ưu tiên sử dụng những giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Để vụ lúa thu đông 2023 đạt thắng lợi, ngành nông nghiệp Long An đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng một số sinh vật gây hại trên cây lúa và biện pháp phòng, trừ.

Nông dân tỉnh Long An sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc lúa thu đông, phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhằm giữ năng suất, đảm bảo sản lượng lúa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Nông dân tỉnh Long An sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc lúa thu đông, phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhằm giữ năng suất, đảm bảo sản lượng lúa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Riêng các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, chủ động đề phòng khả năng có lũ sớm gây ngập úng cục bộ; các địa phương tăng cường vận động người dân không tiếp tục gieo sạ lúa thu đông ở những nơi không có đê bao an toàn, tập trung cày đất ngâm lũ, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2023-2024.

Tương tự, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã đề ra một số giải pháp trọng tâm để tăng sức cạnh tranh, cũng như thúc đẩy xuất khẩu gạo. Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng là do tỉnh thực hiện tốt cơ cấu giống, có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp ước đạt 262.920 tấn, kim ngạch đạt hơn 152 triệu USD, tăng 72% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Điền, sản lượng lúa đạt cao, giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng do vụ lúa hè thu 2023 nông dân Đồng Tháp đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mô hình sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao.

Do vụ lúa thu đông 2023 xuống giống trong điều kiện thời tiết có diễn biến rất phức tạp, nông dân cần thường xuyên theo dõi Bản tin dự báo thời tiết nông vụ để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão khi quyết định xuống giống. Đối với lúa thu đông đã gieo sạ bị ảnh hưởng mưa bão trong thời gian qua, khuyến cáo bà công nông dân tiến hành cấy, dặm, bón phân, chăm sóc để cây lúa mau phục hồi. Bên cạnh đó cần quản lý tốt các đối tượng sinh vật gây hại như: ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá gây hại.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.