Nắm bắt thời cơ
Trước đây, ĐBSCL chỉ sản xuất 2 vụ lúa chính là đông xuân và hè thu. Từ năm 2000, hệ thống đê bao bắt đầu được xây dựng và diện tích lúa thu đông (vụ 3) được mở rộng, giúp tăng sản lượng lúa, tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Cụ thể, năm 2012, xuất khẩu gạo đã thật sự bứt phá mạnh mẽ với con số kỷ lục 7,72 triệu tấn gạo, nhưng cũng kể từ đó đến nay, xuất khẩu gạo nhiều năm sụt giảm cả về lượng lẫn kim ngạch.
Với đặc điểm về thủy văn cũng như cơ cấu mùa vụ các vùng có khác nhau nên ở ĐBSCL thời vụ gieo sạ lúa hè thu diễn ra khá dài, từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 6 dương lịch, kéo dài từ vùng Bắc của đồng bằng cho đến tận đất mũi Cà Mau. Thời gian gieo sạ như vậy làm cho cả vùng ĐBSCL lúc nào trên đồng ruộng cũng có lúa, thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu.
Báo cáo từ ngành nông nghiệp cho biết năm 2023 sản lượng lúa của Việt Nam có thể đạt trên 43 triệu tấn, lượng gạo xuất khẩu có thể đạt kỷ lục mới: 8 triệu tấn. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ thị thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo với các mục tiêu: Tận dụng cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu hạt gạo Việt Nam ra thế giới.
Đây chính là thời cơ vàng và các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang phấn khởi tập trung cơ cấu lại mùa vụ, tăng diện tích lúa thu đông đồng thời chuẩn bị phương án cho vụ đông xuân tiếp theo. Các nơi tranh thủ xuống giống sớm kéo theo vụ lúa đông xuân 2024 sớm hơn so với hàng năm, né được hạn mặn sau tết, đảm bảo nguồn cung.
Nông dân vui nhờ lúa trúng mùa, giá cao
Những ngày này về vùng Đồng Tháp Mười hay vùng Tứ giác Long Xuyên thấy nông dân ai nấy phấn khởi cùng một niềm vui đó là lúa trúng mùa trúng giá, bà con tranh thủ thời tiết có nắng đã cho máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại. Dưới các kênh, sông nằm cặp theo các cánh đồng đều có những thương lái đậu ghe đợi sẵn khi lúa thu hoạch xong là căn mua thanh toán tiền mặt ngay tại ruộng.
Ông Lê Văn Hào, nông dân tại cánh đồng Kênh 6 thuộc xã Phú Thành B, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) vừa mới thu hoạch 1,5ha lúa hè thu trên tổng diện tích 3,6ha. Ông phấn khởi nói: “Gia đình tôi vừa cắt lúa cách nay vài ngày, vụ này nhờ thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh gây hại ít nên năng suất đạt hơn 6,5 tấn/ha, với giá bán 6.700 đồng/kg (cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước), sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn hơn 20 triệu đồng/ha”.
Chung niềm vui của nông dân tỉnh Đồng Tháp trúng mùa được giá vụ lúa hè thu, ở các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Long An như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa… cũng đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa.
“Vụ này, lúa có giá và năng suất tương đối cao nên tôi và nhiều hộ dân ở đây có lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so cùng kỳ. Với trên 2ha sạ giống OM18, tôi thu hoạch trên 12,2 tấn lúa, tăng hơn 1 tấn so với vụ hè thu 2022. Lúa ngay sau thu hoạch bán với giá 6.800 đồng/kg, cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ hè thu năm rồi. Thu hoạch xong lúa hè thu, tôi sẽ cho đất nghỉ ngơi khoảng 10-15 ngày để cày xới và vệ sinh đồng ruộng rồi xuống giống vụ thu đông ngay”, ông Đỗ Thành Trí, ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Long An bộc bạch.
Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tất bật thu hoạch lúa hè thu 2023. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT, toàn huyện đã thu hoạch được 6.000ha lúa hè thu. Thời tiết thuận lợi, giá vật tư nông nghiệp giảm nên nông dân rất phấn khởi bước vào vụ mới. Số diện tích lúa đã thu hoạch đạt năng suất từ 6,2-7,3 tấn/ha, giá bán lúa dao động từ 6.400 - 7.300 đồng/kg, tùy từng loại giống.
Theo ông Lê Quốc Bổn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Hưng, diện tích lúa hè thu 2023 còn lại trong huyện đang trong giai đoạn trổ, chín, nông dân đang tích cực chăm sóc. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu, bệnh để có biện pháp phòng trừ bảo đảm năng suất. Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, nhất là ảnh hưởng của những cơn bão, áp thấp nhiệt đới... nông dân cần tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa chín, tránh tình trạng lúa bị ngã do mưa sẽ gây thất thoát và tăng chi phí khi thu hoạch.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam rất thuận lợi với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt trên 4,8 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng nhưng tăng đến 30% về giá trị. Cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng hướng với cơ cấu gạo thơm, gạo chất lượng cao tăng mạnh.
Bên cạnh thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà… một số thị trường khác cũng có sự tăng trưởng vượt bậc như thị trường EU.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến nay, thị trường xuất khẩu đã có sự thay đổi lớn khi quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ ban hành quy định dừng xuất khẩu gạo Non-Basmati. Tiếp đó, UAE, Nga cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Cùng với đó nhiều quốc gia do lo ngại hiện tượng thời tiết cực đoan, El Nino đã tăng mua dự trữ lương thực càng làm cho chênh lệch cung, cầu mặt hàng gạo càng lớn hơn, dẫn đến giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Trong bối cảnh đó, bằng nhiều kinh nghiệm, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sẵn sàng cung ứng lúa gạo cho thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bất lợi.
Cần kiểm soát chặt chẽ lượng gạo của doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), hiện nay cơ quan quản lý chỉ nắm được sản lượng sản xuất, xuất khẩu và dự báo được sản lượng lúa, gạo cả năm nhưng không nắm được khối lượng gạo mà các doanh nghiệp đã ký hợp đồng. Khi mà khối lượng ký hợp đồng cao hơn sản lượng sản xuất sẽ dẫn đến doanh nghiệp tranh mua nguyên liệu, gây ra sốt giá cục bộ, rất nguy hiểm. Nếu doanh nghiệp không có đủ nguồn hàng giao theo hợp đồng thì sẽ bị phạt hợp đồng và làm mất uy tín ngành hàng lúa gạo.
Do đó, bà Tâm đề xuất các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ khối lượng gạo mà các doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu từ nay đến cuối năm, nhằm cân đối nguồn cung, tránh gây sốt ảo.
Có thời điểm, giá gạo tăng 300 - 500 đồng mỗi ngày
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) cho biết, nghịch lý hiện nay là mặc dù giá gạo tăng cao nhưng doanh nghiệp không dám ký hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn. Doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá 620 - 630 USD/ tấn, tăng gần 100 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 6 nhưng vẫn bị lỗ vì giá gạo và giá lúa tăng hàng ngày. Doanh nghiệp không dám ký hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn vì hiện nay không biết lúa, gạo đi đâu mà tìm mua rất khó, ở một số thời điểm cuối tháng 7, giá tăng 300 - 500 đồng mỗi ngày.
Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang
An Giang có dư địa tăng thêm 10 - 12 ngàn ha lúa thu đông
Trước tình hình giá lúa gạo đang tăng cao, đây là thời cơ lớn giúp người dân tăng thu nhập trong canh tác lúa, đặc biệt là vụ lúa thu đông 2023 mà An Giang đang cho triển khai. Kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ thu đông này An Giang xuống giống trên 148 ngàn ha, nhưng do giá lúa gạo đang tốt, xem đây là cơ hội để nông dân mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập. Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương những vùng sản xuất lúa có đê bao khép kín an toàn trong mùa lũ tăng diện tích lúa thu đông, lên ít nhất 5-6 ngàn ha.
Thông lệ hàng năm An Giang có chương trình xả lũ luân phiên ở các vùng đê bao khép kín, theo lịch là 2 năm 5 vụ lúa thì cho xả lũ một lần vào đồng ruộng lấy phù sa và cho đất nghỉ ngơi những tháng mùa lũ. Riêng vụ lúa thu đông năm nay, những vùng đê bao mà có lịch xả lũ thì tạm dừng lại, năm sau mới xả lũ, để tiến hành cho sản xuất lúa thu đông bình thường.
Đối với những vùng nằm ngoài đê bao có nguy cơ ngập, tùy vào tình hình con nước năm nay theo dự báo, thì chính quyền địa phương cùng người dân có sự thống nhất với nhau, nếu xuống giống phải đảm bảo thu hoạch kịp thời vụ trước khi lũ về, đảm bảo ăn chắc mới triển khai làm.
Như vậy, cùng với chủ trương mở rộng một phần diện tích lúa thu đông của Bộ NN-PTNT, có sự rà soát kỹ lưỡng các vùng an toàn và ngập lũ, An Giang có thể tăng thêm 10-12 ngàn ha lúa thu đông.
Về vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, An Giang vẫn đảm bảo diện tích như các năm và lịch xuống giống vẫn theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT đề ra. An Giang là vùng đất quanh năm có nước ngọt, không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn hay bị khô hạn nghiêm trọng trong những tháng kiệt nước. Những năm qua An Giang được Bộ NN-PTNT cùng địa phương tăng cường đầu tư các hệ thống thủy lợi nội đồng khá vững chắc, nhiều năm qua không bị thiếu nước vào các mùa nắng hạn sau tết, nước vẫn đảm tưới tiêu tận đồng ruộng và vườn cây ăn trái.