| Hotline: 0983.970.780

Thời điểm vàng giảm chi phí sản xuất lúa ở ĐBSCL

[Bài 4]: Vì sao nhiều quy trình giảm chi phí chưa thể triển khai?

Thứ Hai 06/06/2022 , 10:14 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều quy trình giảm chi phí sản xuất lúa ở ĐBSCL đã được triển khai nhưng do nhiều nguyên nhân, các quy trình này chưa thể phổ biến sâu rộng trong dân.

“Loạn” quy trình

Trong bối cảnh giá phân bón nằm ở mức cao, để hạ giá thành sản xuất lúa là vấn đề đau đầu không chỉ của bà con nông dân mà cả ngành nông nghiệp. Vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL có rất nhiều công thức hướng dẫn cho nông dân làm thế nào để trồng lúa lời nhiều hơn, làm sao để giá thành sản xuất một kilogram lúa không còn cao. Hay các chương trình đưa phân đạm hòa tan chậm để nông dân trồng thử nghiệm với hy vọng giúp cây lúa có thời gian hấp thu dưỡng chất,...

Nhiều quy trình giảm chi phí sản xuất lúa đã được thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai sâu rộng trong nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều quy trình giảm chi phí sản xuất lúa đã được thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai sâu rộng trong nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Nhìn chung, các chương trình với nhiều cách canh tác lúa thông minh, nội dung hướng dẫn rất cụ thể, thế nhưng nông dân lại khó áp dụng, kết quả chỉ mang tính chất tương đối, khi chỉ dừng lại ở những mô hình thử nghiệm, chưa được triển khai rộng.

Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, hiện nay ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh “loạn” quy trình giảm chi phí sản xuất lúa. Doanh nghiệp có quy trình của doanh nghiệp, dự án VnSAT có quy trình riêng và ngay cả viện lúa cũng vừa thực hiện quy trình cho một số đơn vị, mỗi quy trình đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng.

Với quan điểm của ông Thạch, chương trình 3 giảm 3 tăng (3G3T) hay 1 phải 5 giảm (1P5G) chỉ là những khuyến cáo, dựa vào đó nông dân sẽ ý thức được phải thực hiện giảm giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, giảm phát thải khí nhà kính. “Để xây dựng nên một công thức chung cho vùng ĐBSCL là rất khó. Vùng mặn, vùng phèn vùng ngọt, vùng 3 vụ, vùng 2 vụ... mỗi vùng sẽ có những điều kiện canh tác khác nhau. Hơn nữa, với những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu cũng có yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV khác nhau”, ông Thạch cho hay.

Bên cạnh đó, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ chỉ ra nguyên nhân khiến thời gian các quy trình giảm chi phí dù đã được các địa phương triển khai sâu rộng nhưng chưa mang lại nhiều hiệu quả bởi “Bà con nông dân lâu nay quen làm theo tập quán, nên nếu thấy có kết quả rồi mới làm. Nếu muốn nông dân nghe và thực hiện theo những cách làm khác, bắt buộc chính người nông dân đã thực hiện thành công nói ra, tính ra giá thành một kilogram lúa giảm thật sự thì nông dân có thể làm theo phương pháp đó”, GS Võ Tòng Xuân phân tích.

Mang cơ giới hóa vào đồng ruộng là giải pháp canh tác thông minh giúp giảm chi phí sản xuất lúa hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Mang cơ giới hóa vào đồng ruộng là giải pháp canh tác thông minh giúp giảm chi phí sản xuất lúa hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Có thể thấy rằng, mục đích lớn nhất của việc giảm chi phí sản xuất là mang lại tiền lời nhiều nhất cho nông dân và mục tiêu xa nhất là mang nền sản xuất nông nghiệp trở lại đúng quỹ đạo, canh tác thuận thiên bền vững.

Hiện nay, với sự đồng hành hỗ trợ từ ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, đã đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giải pháp canh tác thông minh đến gần hơn với nông dân. Thế nhưng, lợi nhuận có cao hay không, thu nhập có tốt hay không, hơn ai hết, chính bà con nông dân là người làm chủ, nắm bắt cơ hội, mạnh dạn thay đổi cách làm mới, để từ đó tạo nên các giá trị kinh tế cho chính mình.

3 nhược điểm lớn cần khắc phục

Đi sâu phân tích hệ sinh thái của cây lúa, GS Võ Tòng Xuân chỉ ra, cây lúa cần 16 dưỡng chất để phát triển, trong đó nitơ (thành phần chính của phân đạm hay còn gọi là urê) là chất được cây lúa hấp thụ nhiều nhất. Hàm lượng nitơ có trong không khí chiếm đến 78% thế nhưng cây trồng lại không thể hấp thụ được, buộc lòng phải hút từ đất lên, đồng thời cũng hút thêm nhiều dưỡng chất khác.

GS Võ Tòng Xuân tham quan mô hình ruộng trình diễn xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh vật ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Anh.

GS Võ Tòng Xuân tham quan mô hình ruộng trình diễn xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh vật ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Anh.

“Nông dân không hiểu chuyện đó, không thấy được những chất kia cũng cần, nếu chỉ bón phân urê cho cây lúa, dần dần các dưỡng chất còn lại bị hút cạn kiệt, khiến cho đất suy thoái, trồng lúa trở lên kém hiệu quả. Hiện nay, nông dân có kinh nghiệm hơn, bón thêm phân DAP (loại phân có thành phần urê và lân). Cách làm này vô tình giết chết các loại vi sinh vật cần thiết cho cây trồng, gia tăng chi phí sản xuất”, GS Võ Tòng Xuân phân tích.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, hiện nay nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học ở các nước tiên tiến trên thế giới đã chỉ ra rằng, chế phẩm sinh học phối trộn với các loại chất hữu cơ, để ra phân hữu cơ vi sinh bón vào đất, góp phần đưa vi sinh vật trở lại đất.

“Mổ xẻ” vấn đề tại sao nông dân ĐBSCL trồng lúa với giá thành rất cao, GS Võ Tòng Xuân đưa ra 3 nhược điểm lớn.

Bắt đầu từ hạt giống, nông dân muốn có năng suất cao, sẽ lựa chọn mua giống lúa xác nhận, còn nếu sử dụng giống mùa trước để lại thì không đạt năng suất.

Kế đến là lượng giống gieo sạ dày với mật độ 200 kg/ha. Trong khi khuyến cáo của ngành nông nghiệp là phải giảm lượng hạt giống. Bởi, nhiều mô hình thực nghiệm tại đồng ruộng của nông dân cũng như tại các trung tâm thí nghiệm, sạ từ 60 kg/ha năng suất vẫn tương đương với sạ 200 kg/ha.

Kéo theo cây lúa sẽ thiếu dưỡng chất là lân, nông dân lại có thói quen bón nhiều phân urê, DAP để lúa phát triển tốt, khiến cây lúa không đủ dưỡng chất để phát triển. Nông dân vừa mất tiền, vừa làm tăng biến đổi khí hậu. Do bón phân sai cách, khiến đất thiếu vi sinh, cây lúa không thể hấp thu các loại vi sinh cần thiết.

Để khắc phục 3 nhược điểm trên, GS Võ Tòng Xuân đã đưa ra một mô hình giảm chi phí điển hình đã được thực hiện thành công tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Điểm nhấn của mô hình là cắt giảm lượng hạt giống xuống còn từ 80 – 100 kg/ha; chỉ sử dụng 1/3 lượng phân urê đã dùng theo cách truyền thống, khuyến khích từ 30 – 40 kg/ha, đồng thời, bổ sung thêm phân lân, kali, phân hữu cơ vi sinh.

Bón thêm hữu cơ vi sinh vật là một trong những khuyến cáo của nhà khoa học giúp cải tạo đất. Ảnh: Kim Anh.

Bón thêm hữu cơ vi sinh vật là một trong những khuyến cáo của nhà khoa học giúp cải tạo đất. Ảnh: Kim Anh.

Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh, các loại phân trộn đều bón cho đất, trục, làm bằng mặt ruộng một ngày trước khi sạ. “Ban đầu nông dân không tin đó là cách làm giảm được chi phí, bởi vì họ suy nghĩ, tôi đâu dại gì bón phân khi mà không có lúa, nhưng làm rồi nông dân mới thấy, làm như thế lúa phát triển rất nhanh và khỏe. Tức là 100% phân bón đều được cây lúa hấp thụ. Từ đó, bón ít phân đạm (phân urê) trong đất, bón thêm hữu cơ vi sinh vật, cây lúa dễ hấp thụ, sâu bệnh ít, tốn ít phân, hạt giống và thuốc BVTV hơn”, GS Võ Tòng Xuân thông tin.

Từ mô hình trên, khi tính toán lại giá thành sản xuất một kilogram lúa của huyện Tháp Mười đã giảm chỉ còn 2.500 – 2.800 đồng. Trong giai đoạn phân bón tăng cao, nông dân không nên lãng phí phân bón, thay đổi phương pháp bón phân, lượng phân, loại phân. Giáo sư chắc chắn nếu quyết tâm thực hiện bà con nông dân có thể vừa tiết kiệm được tiền, có lời nhiều hơn. Giải quyết được nhiều vấn đề, lợi nhuận tăng lên rõ rệt, giảm phát thải khí nhà kính, để hòa mình với cả nước để làm đúng cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính biến đổi khí hậu.

Theo khuyến cáo của ngành trồng trọt, trong kỹ thuật canh tác lúa bà con nông dân nên lưu ý một số thông tin sau:

Tập trung cày ải, phơi đất, cải tạo mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng và giãn cách giữa hai vụ ít nhất 3 tuần.

Mật độ sạ (khối lượng hạt giống lúa sử dụng/ha): lượng giống từ 80 – 100 kg/ha; sạ lan hay bằng trang thiết bị sạ bằng máy, công cụ sạ hàng.

Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ áp dụng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng 1P5G, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm rạ tái sử dụng.

Xem thêm
Nắng nóng gay gắt, Thủ tướng chỉ đạo khẩn phòng, chống cháy rừng

Cả nước đã xảy ra 15 vụ cháy rừng tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Nghệ An, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...